Loạn sách tham khảo

Thứ năm, 24/07/2014 07:23

(Cadn.com.vn) - Còn khoảng 20 ngày nữa năm học mới sẽ bắt đầu, ở các hiệu sách đã đầy ắp sách giáo khoa và sách tham khảo (STK) để chuẩn bị cho năm học mới 2014-2015. Tuy nhiên, giữa rừng STK hiện nay, để tìm được những cuốn sách có chất lượng, vừa ý không hề đơn giản…

Vào những hiệu sách lớn ở TP, trước một rừng STK, tôi không khỏi choáng ngợp. Riêng bộ môn Ngữ văn tôi dạy, ở bậc THPT,  tôi nhẩm đếm sơ bộ đã tới hơn 100 đầu STK các loại. Hình thức trang bìa ngày càng trông thật bắt mắt, ấn tượng.

Nhưng để tìm được một số cuốn tham khảo, cần thiết cho công việc dạy học của mình, tôi cũng phải mất cả buổi chọn lựa, đọc sơ vài trang đầu (chủ yếu dựa vào Nhà xuất bản và các nhà soạn sách từng có uy tín và tên tuổi). Một thầy giáo đi chọn mua STK thuộc chuyên môn của mình đã khó vậy? Còn đối với các em học sinh, phụ huynh, chắc chắn việc lựa chọn mua STK sẽ khó khăn bội phần.

Theo thống kê sơ bộ tại một số nhà sách lớn ở nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, số lượng STK luôn gấp nhiều lần so với SGK. Bậc THPT đứng đầu về số lượng với khoảng hơn 400 đầu sách, bậc THCS với gần 200 đầu sách, bậc tiểu học hơn 100 đầu sách...

Ngay ở lớp 1, theo danh mục của Bộ GD&ĐT, bộ SGK có 6 sách học nhưng tới 8 cuốn bổ trợ. Đó là chưa kể vô số đầu sách khác ở các nhà sách. Nhìn bề ngoài, chúng ta thấy STK rất đa dạng, phong phú về chủng loại, mẫu mã nhưng soi xét, đọc kỹ nội dung mới vỡ ra rằng, phần lớn STK chỉ lấy lại bài tập, phần luyện tập trong SGK để giải mà ít có phần hướng dẫn hay gợi ý để học sinh tự làm bài.

Hơn thế nữa, có nhiều cuốn còn bê nguyên xi nội dung của sách dành cho giáo viên. Tình trạng, các loại STK có nội dung na ná giống nhau do cùng người hoặc một nhóm tác giả biên soạn được các NXB khác nhau phát hành cũng khá nhiều.

Đáng lo ngại hơn, không ít STK về chất lượng biên soạn chưa đảm bảo, hiện tượng câu chữ, diễn đạt lôm côm, lủng củng, tối nghĩa, ngô nghê, sai chính tả, lỗi chấm phẩy câu.... nhiều vô kể. Có khi còn sai sót cả về kiến thức, nhầm lẫn sự kiện, thời gian, tên tác giả....rất nguy hại với học sinh.

Ví dụ như đề thi tuyển sinh vào lớp 10 của tỉnh Khánh Hòa, khi viết: Hai câu thơ Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/Ta có thêm ngày nữa để yêu thương là của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Sự thật 2 câu này của thi sĩ người Li-băng Kahlil Gibran (1883-1931) và nhà văn Nguyễn Nhật Ánh dịch sang tiếng Việt vào năm 1993. Được biết, ban ra đề thi của tỉnh đó lấy 2 câu thơ trên từ một cuốn STK  của NXB Giáo dục ấn hành tháng 5-2011.

Một ví dụ khác, cuốn Kiểm tra đánh giá thường xuyên và định kỳ môn địa lý lớp 9 do các tác giả Phạm Thị Sen (chủ biên), Nguyễn Đăng Hưng, Lê Mỹ Phong biên soạn cũng có nhiều chi tiết sai. Phần trả lời cho câu hỏi số 5 (trang 60) ghi: "Đồng bằng sông Hồng không có các nhà máy thủy điện vì thiếu lao động" là hết sức vô lý và buồn cười. Đúng ra câu trả lời phải là: "vì… không có nguồn thủy năng để xây dựng nhà máy thủy điện"…

Hiện cả nước có 57 NXB, trong đó có tới 35 NXB có chức năng ấn hành STK. Nhiều NXB, tuy  không có biên tập viên đủ chuyên môn nhưng lại vẫn liên kết với các nhà sách, cứ đều đều cho ra đời các cuốn STK. Theo các nhà chuyên môn, vấn đề quản lý nội dung STK hiện nay còn nhiều bất cập.

STK thuộc lĩnh vực giáo dục, song Bộ GD&ĐT lại không có chức năng quản lý nội dung. Cục Xuất bản là đơn vị quản lý trong lĩnh vực xuất bản, nhưng cũng không chịu trách nhiệm về nội dung mà là người đứng đầu các NXB. Do đó, Bộ GD-ĐT, cơ quan chủ quản, phải có trách nhiệm chính, cần kiểm tra, quản lý SGK, STK, đảm bảo thống nhất nội dung biên soạn, tránh tình trạng STK lưu hành trên thị trường hiện nay ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

Đỗ Tấn Ngọc