Lối đi nào cho nghề nuôi chim yến? (Kỳ cuối: Tiếng nói "người trong cuộc")
Phải làm gì và làm như thế nào để nghề nuôi chim yến trở thành mô hình làm ăn bền vững, đem lại nguồn thu lớn, ổn định cho người dân là vấn đề đang đặt ra hiện nay. Tại Đà Nẵng, do mới định hình và chưa có những cơ chế chính sách cụ thể nên người nuôi yến cũng như thị trường yến đang trong tình trạng thả nổi. Đây cũng là trăn trở của đông đảo người nuôi yến hiện nay.
Ông Sỹ bên hệ thống camera quan sát tập tính, sinh hoạt của bầy yến trong ngôi nhà của mình. |
Góp phần bảo tồn và phát triển loài chim quý
Thời gian gần đây, có thông tin cho rằng Đà Nẵng và một số địa phương sẽ cấm việc nuôi yến trong đô thị khi lo ngại về ô nhiễm môi trường, phát sinh, lây lan dịch bệnh trong khu dân cư... khiến nhiều người nuôi hết sức trăn trở. Bởi điều này ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của ngành yến còn non trẻ của Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng-một ngành nông nghiệp công nghệ cao mang lại giá trị kinh tế lớn cho người dân và tương lai sẽ góp phần mang lại giá trị xuất khẩu lớn cho nhà nước. Là một trong những doanh nghiệp nuôi yến hàng đầu Đà Nẵng, bà Lâm Bảo Khánh, Giám đốc Công ty TNHH Yến sào Bảo Yến Đà Thành cho rằng, việc một số người phản ánh nuôi nhà yến trong đô thị gây tiếng ồn là có, tuy nhiên tiếng ồn này là không đáng kể, hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến các nhà xung quanh nếu được vận hành đúng kỹ thuật. "Cường độ âm thanh chỉ cần nhỏ hơn 70 decibel (Db), kết hợp với kỹ thuật đặt loa phù hợp là đã đạt được hiệu quả dụ chim mà không hề gây ảnh hưởng xung quanh", bà Khánh nói.
Lấy ví dụ minh họa, bà Khánh cho biết mới đây, tại P. Hòa Thọ Đông (Q. Cẩm Lệ), trước việc người dân phản ánh có 2 nhà yến trên đường Phạm Vinh và Lê Hy gây tiếng ồn, ảnh hưởng đến sinh hoạt, cuộc sống của người dân, UBND P. Hòa Thọ Đông phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường Q. Cẩm Lệ cùng các đơn vị liên quan đã tiến hành kiểm tra, đo đạc. Kết quả cho thấy, tiếng ồn ở mức từ 43-46Db và 53-55Db (trong mức cho phép); bảo đảm điều kiện vệ sinh... Hay như ở tổ 79, P. Hòa Xuân (Q. Cẩm Lệ), người dân cũng bức xúc đối với nhà nuôi chim yến (ở gần ngã tư đường Mẹ Thứ - Võ Chí Công) vì gây tiếng ồn từ loa dụ chim yến. UBND P. Hòa Xuân đã kiểm tra và mời hộ nuôi chim yến đến làm việc và kiểm tra các chỉ tiêu cũng nằm trong mức độ cho phép. Sau đó, UBND phường yêu cầu các hộ nuôi không sử dụng loa trước 7 giờ và trước 14 giờ để tránh ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân...
Việc người dân lo lắng về dịch bệnh, bà Khánh cho biết, chưa có cơ sở khoa học và chưa có cơ cở y tế nào chứng minh có dịch cúm gia cầm trên đàn yến. Bản thân chim yến miễn dịch rất tốt, trong lịch sử chưa có ghi nhận nó bị bệnh. "Chim yến là loài chim duy nhất bay cả ngày chứ không đậu xuống đất, do đó khả năng nhiễm bệnh và lây lan dịch bệnh từ các loài gia cầm khác là rất khó xảy ra", bà Khánh nhìn nhận. Đồng thời khẳng định, đây là loài chim quý tạo ra món thực phẩm tốt cho sức khỏe. Việc phát triển các nhà nuôi yến cũng là góp phần vào việc bảo tồn và phát triển loài chim quý của Việt Nam và thế giới. "Chim yến lại có lợi cho nông nghiệp vì thức ăn của nó chính là các côn trùng như rầy nâu, các loài côn trùng bay, phá hoại mùa màng...", bà Khánh cho biết thêm.
Ông Sỹ, bà Khánh với sản phẩm tổ yến mang thương hiệu đặc trưng của mình. |
Cần sớm có quy hoạch bài bản
Được biết, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện có khoảng trên dưới 100 hộ nuôi chim yến với tổng đàn gần 25 ngàn con. Điều kiện tự nhiên thuận lợi và lợi ích kinh tế mang lại cho người nuôi khá lớn; vì vậy, trong những năm qua, số hộ tham gia nuôi chim yến trong nhà ngày càng tăng và quy mô đàn chim cũng tăng dần. Tuy nhiên, hầu hết việc nuôi chim yến đều tự phát, nhiều hộ nuôi chưa nắm bắt được các yêu cầu kỹ thuật nuôi, việc sử dụng máy phát tiếng chim để dẫn dụ chim gây ồn, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của người dân... đã gây ra phản ứng trái chiều. Đặc trưng sinh tồn của chim yến là chỉ sống được ở một số nước ở khu vực Đông Nam Á. Toàn bộ tổ yến thu hoạch được sẽ cung cấp cho nhu cầu yến trên toàn thế giới. Vì vậy hiện nay trên thị trường yến sào cung còn quá thấp so với nhu cầu. Một nhà yến thành công sẽ mang lại giá trị kinh tế rất cao, được ví như kho vàng trắng của chủ nhà. Thiết nghĩ Nhà nước nên hỗ trợ để người dân phát triển ngành nghề này, thay vì ban lệnh cấm thì nên có những chính sách khuyến khích, thúc đẩy nhu cầu làm giàu chính đáng của người dân.
Cho rằng không nên xóa bỏ nhà yến cũ đã hoạt động ổn định tính đến thời điểm này, bà Khánh đề nghị thành phố cần đề ra những quy định chặt chẽ về việc nuôi yến trong đô thị như về tiếng ồn, độ mùi... Bên cạnh đó, có thể hạn chế cấp phép xây nhà yến mới trong đô thị, khuyến khích phát triển ra ngoài đô thị. Đồng quan điểm nêu trên, ông Trần Phước Sỹ, Giám đốc Công ty TNHH Yến sào Tiên Sa (Đà Nẵng), Chi hội trưởng Chi hội Yến sào Quảng Đà cũng đề nghị chính quyền không cấp phép mới việc xây nhà yến trong khu đô thị, nên khuyến khích nuôi ở những vùng ngoài đô thị, vùng ven. Song song việc xây nhà ở, chính quyền có chủ trương sớm nhất cho phép, cấp phép cho những người nuôi nhà yến để người dân an tâm đầu tư. Ông Sỹ đề nghị, nên chăng các địa phương khẩn trương lập đề án vùng, khu vực nuôi chim yến tập trung (khoảng cách 300-500m), như làng yến Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh), Gò Công (Tiền Giang), Rạch Giá, Hà Tiên (Kiên Giang)... Những vùng không tập trung đề nghị cho nuôi chim yến ở những vùng ven, ngoài đô thị để bà con an tâm tập trung làm kinh tế hộ gia đình.
Ông Đỗ Ngọc Nông, Phó Chủ tịch Hội Yến sào Việt Nam, Giám đốc Công ty Dịch vụ Thương mại Phúc Hiền (Đà Nẵng) cho rằng, với vai trò cá nhân, cũng như nhiều doanh nghiệp nuôi yến khác rất mong muốn Nhà nước cần có quy chế để bảo tồn yến sào Việt Nam để chim yến có nơi sinh sống ổn định, cho nhiều tổ, từ đó người tiêu dùngViệt được sử dụng sản phẩm yến với giá hợp lý. Bên cạnh đó, tạo thêm nguồn thu ngân sách và tránh được tình trạng độc quyền của một số đơn vị nuôi chế biến sản phẩm yến đảo.
"Về việc nuôi nhà yến ở khu đô thị hiện cấm cũng khó vì chưa có quy định rõ ràng, còn không cấm thì phát triển tràn lan, sau này lại khó quản lý. Nên chăng, Đà Nẵng cũng như một số địa phương khác có nhiều chim yến cần gấp rút quy hoạch làng yến, có định hướng, quy chế cụ thể để tạo điều kiện phát triển ngành yến bài bản như một số nước Đông Nam Á", ông Nông kiến nghị. Vì một ngành yến Việt Nam còn rất non trẻ, rất mong cơ quan chức năng cũng như chính quyền các địa phương quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa để ngành yến Việt Nam được nhà nước công nhận là ngành nghề hợp pháp, được vươn xa, nhiều người cho là "vàng trắng" trong nhà.
D.HÙNG