Lợi ích của người lao động là mục tiêu trên hết của công đoàn
Ông Nguyễn Đức Thanh – Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng cho biết, trong 5 năm qua, tổ chức công đoàn đã không ngừng nâng cao vai trò đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, chăm lo đời sống người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Với tinh thần “Đổi mới, dân chủ, đoàn kết, trách nhiệm”, Đại hội Công đoàn thành phố Đà Nẵng lần thứ XVI sẽ đánh giá kết quả đạt được đồng thời chỉ ra hạn chế, yếu kém để làm tốt hơn nữa vai trò của mình trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong bối cảnh mới.
Đà Nẵng có nhiều đột phá trong chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động. |
Dấu ấn tiên phong vì người lao động
Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng là đơn vị đầu tiên trên cả nước thực hiện thành công việc thí điểm thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể trong nhóm doanh nghiệp ngành du lịch, dịch vụ cũng như tại những đơn vị, doanh nghiệp chưa có công đoàn cơ sở. Đà Nẵng cũng là địa phương đầu tiên mà tổ chức công đoàn đã trở thành người đại diện khởi kiện ra tòa và thắng kiện trong một vụ án mà quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động bị ảnh hưởng vì những chính sách bất hợp lý của người sử dụng lao động.
Ông Nguyễn Đức Thanh cho hay, không chỉ tiên phong trong nhiều chủ trương, chính sách mà các tổ chức công đoàn đã thực sự sáng tạo trong chương trình “Phúc lợi đoàn viên” mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ký kết với các tập đoàn, tổng Cty đồng thời tiến hành ký kết Thỏa thuận hợp tác với 26 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng theo hướng có lợi cho đoàn viên. Chương trình lan tỏa phong trào chăm lo đời sống vật chất cho đoàn viên một cách thiết thực, đặc biệt là bữa ăn ca, chế độ thai sản, môi trường làm việc. Bên cạnh đó, “Phiên chợ Công nhân” được tổ chức định kỳ 1 lần/quý tại các Khu Công nghiệp với nhiều hoạt động trợ giá, miễn phí và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, đám cưới tập thể là những dấu ấn đậm nét, đánh dấu “bước nhảy” ấn tượng về vai trò của công đoàn khi xác định lợi ích của đoàn viên nói riêng, người lao động nói chung. Theo thống kê, tính từ năm 2013 đến trước Đại hội lần thứ XVI, các chương trình phúc lợi xã hội đã dành 62 tỷ đồng để hỗ trợ, giúp đỡ người lao động có hoàn cảnh khó khăn trong các dịp lễ tết. Từ nguồn vốn ủy thác của UBND thành phố, Liên đoàn Lao động đã ủy quyền cho Công đoàn Viên chức thực hiện cho vay tới 654 lượt cán bộ, công chức có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 39,2 tỷ đồng. Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm đã cho 34 dự án hộ gia đình công nhân viên chức, lao động vay số tiền 2,56 tỷ đồng để tạo sinh kế cho 674 lao động. Năm 2017, Quỹ trợ vốn công nhân viên chức với tổng nguồn vốn 10 tỷ đồng lần đầu tiên ra mắt đã triển khai cho vay gần 400 trường hợp, góp phần đáp ứng nhu cầu vay vốn tự tạo việc làm tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Nhiều thách thức trong bối cảnh mới
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng, Đại hội nhiệm kỳ 2018-2023 cũng sẽ có những đề xuất, kiến nghị với Đảng, chính quyền những vấn đề liên quan đến công tác nâng cao hiệu quả chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích của đoàn viên, công nhân viên chức, lao động và hoạt động công đoàn. Trong đó nổi bật là sẽ đề xuất cơ quan chức năng sớm bổ sung các chế tài xử phạt đối với doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật lao động, sớm có văn bản hướng dẫn thi hành một số điều của các luật liên quan đến người lao động đã được ban hành cũng như xem xét điều chỉnh cách tính bảo hiểm xã hội để lao động nữ được bảo đảm quyền lợi khi nghỉ hưu.
Ông Thanh cho biết, trong những năm qua, với việc thực hiện Đề án “Có việc làm”, thành phố hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng 3,2 vạn lao động, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị đến cuối năm 2016 ước giảm còn 3,8%. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới và trong nước nên trong 5 năm trở lại đây có rất nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, phá sản, giải thể, ngừng hoạt động làm cho một bộ phận lao động bị thiếu việc làm, thất nghiệp. Một mối quan tâm rất lớn là thu nhập của người lao động tuy được cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp, mới chỉ đáp ứng được khoảng hơn 80% mức sống tối thiểu của họ. Hầu hết công nhân lao động phải làm thêm giờ để có thêm thu nhập, nhưng đa số cũng ở mức vừa đủ chi tiêu và gần như không có để tích lũy. Theo thống kê, tiền lương bình quân ở doanh nghiệp trong nước 4,2 triệu đồng/tháng, ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 4,5 triệu đồng/tháng, ở khu vực hành chính sự nghiệp là 4,5 triệu đồng/tháng. Một bài toán đã được đưa ra từ lâu nhưng cho đến nay, Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước chưa giải được chính là nhu cầu bức thiết về nhà ở của công nhân. Hiện nay, có khoảng 28.000/74.000 công nhân lao động thuộc 6 Khu Công nghiệp trên địa bàn thành phố có nhu cầu về nhà ở, gửi trẻ. Tại các địa bàn lân cận khu công nghiệp ở Liên Chiểu, Sơn Trà, Cẩm Lệ, đa số công nhân phải thuê ở các khu nhà trọ vừa chật hẹp, vừa không đảm bảo an toàn, vệ sinh. Số nhà trẻ, nhóm trẻ độc lập tư thục trong và xung quanh KCN tuy được quan tâm đầu tư nhưng còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu. UBND thành phố đã phê duyệt Đề án xây dựng nhà ở công nhân giai đoạn từ 2017 - 2020, tầm nhìn đến 2030 nhưng thực tế triển khai vẫn còn nhiều khó khăn. “Đoàn viên, người lao động tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các giải pháp phát triển KT-XH. Tuy nhiên, công nhân viên chức, lao động vẫn còn mối lo về tiền lương, việc làm, đời sống trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tình trạng nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế kéo dài, tình hình mất an toàn vệ sinh thực phẩm luôn là mối lo phải đối mặt từng ngày. Họ mong muốn Đảng, Nhà nước và thành phố có thêm nhiều chính sách mới để cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Trong nhiệm vụ đó, hoạt động của tổ chức công đoàn càng phải đổi mới để thu hút sự tham gia, mang lại lợi ích thiết thức cho người lao động”, ông Thanh cho hay.
BẢO NAM