Lời nhắc nhở tàn khốc của “cơn sóng thần” dịch bệnh Covid-19
Bất chấp chương trình tiêm chủng trên thế giới đang được đẩy mạnh, nhưng “cơn sóng” Covid-19 vẫn tràn tới nhiều nước gây thiệt hại nặng nề, thậm chí khiến tình hình trở nên hỗn loạn. Ngăn chặn đại dịch Covid-19 vẫn là thử thách căng thẳng với thế giới, trong đó có Việt Nam.
Người dân cần thực hiện nghiêm quy định “5K” của Bộ Y tế, trong đó có đeo khẩu trang nơi công cộng
“Cơn sóng thần” dịch bệnh
Ấn Độ đang phải đối mặt không chỉ làn sóng Covid-19 thứ hai mà là “cơn sóng thần” dịch bệnh. Sự xuất hiện một biến thể mới nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 và các sự kiện cộng đồng “siêu lây nhiễm” gần đây đã đưa quốc gia Nam Á này trở thành điểm nóng dịch bệnh mới trên thế giới. Đã 8 ngày liên tiếp, Ấn Độ ghi nhận số ca mắc mới trên mức 200 nghìn người/ngày, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 ở nước này lên tới gần 17 triệu trường hợp, trong đó hơn 192 nghìn người đã tử vong.
Không những thế, số ca nhiễm tăng đột biến đã khiến hệ thống y tế Ấn Độ có nguy cơ sụp đổ. Tình trạng thiếu giường bệnh và thuốc men trầm trọng, đặc biệt là thiếu nguồn cung oxy, đã dẫn tới việc nhiều người tử vong trước khi được chữa trị. Có thông tin nhiều người khá giả đã rời nước ra đi vì lo sợ cho tính mạng dù giá vé máy bay bị đẩy lên gấp 10 lần bình thường.
Tại các nước láng giềng của Việt Nam là Campuchia và Lào, tình hình cũng đang diễn biến rất phức tạp. Những ngày gần đây, số ca lây nhiễm mới ở Campuchia đều ở mức 3 con số mỗi ngày. Thủ đô Phnom Penh đã bị phong tỏa từ 15 đến 28-4. Trong khoảng thời gian này, người dân không được rời khỏi nhà trừ khi quá cần thiết, bị cấm tụ tập và chỉ được phép đi mua thực phẩm và nhu yếu phẩm 3 lần mỗi tuần. Đêm 23-4, chính quyền Phnom Penh lại phải đóng cửa tiếp tất cả các khu chợ ở Thủ đô do Covid-19 tiếp tục lây lan trên diện rộng.
Tại Lào, Thủ đô Vientiane và 6 tỉnh khác đã bị phong tỏa để ngăn dịch. Tất cả người dân, cán bộ, công chức, bộ đội, công an, học sinh, sinh viên, ngoại kiều… tại Thủ đô Vientiane đều bị cấm ra khỏi nơi cư trú. Các trung tâm vui chơi, giải trí, luyện tập thể thao bị cấm hoạt động. Các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu địa phương và cửa khẩu phụ đường bộ, đường thủy bị đóng. Thế nhưng, số ca mắc mới hôm 24-4 vẫn lên tới 88 người, vượt con số kỷ lục 65 ca trước đó.
Với Thái Lan, hôm 25-4, nước này lần đầu tiên ghi nhận số người tử vong vì Covid-19 ở mức hai con số/ngày, trong khi số ca mắc mới vẫn trên 2.000 người/ngày. Đợt bùng phát dịch mới, một phần do sự xuất hiện của biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên ở Anh với tốc độ lây lan cao, đã khiến hơn 24 nghìn người mắc chỉ trong 25 ngày. Giới chức Thủ đô Bangkok đã ra lệnh đóng cửa các địa điểm như công viên, phòng tập thể dục thể thao, rạp chiếu phim và nhà trẻ từ ngày 26-4 đến hết 9-5. Các trung tâm thương mại vẫn mở cửa song giờ mở cửa bị giới hạn.
Trong khi đó, chiến dịch tiêm chủng vaccine trên toàn cầu chưa như người ta mong đợi. Tính tới ngày 24-4, hơn 1 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 đã được sử dụng trên toàn cầu. Đặc biệt trong chưa đầy 1 tháng qua, số liều vaccine được sử dụng đã tăng gấp đôi trong bối cảnh các nước đẩy nhanh chương trình tiêm chủng. Tuy nhiên, theo nhận định của Ngân hàng thế giới, việc tiêm chủng vẫn là đặc quyền của các quốc gia có thu nhập cao, các quốc gia có thu nhập thấp chỉ chiếm 0,2% trong tổng số 1 tỷ liều vaccine đã được sử dụng.
Theo COVAX, sáng kiến do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) phối hợp triển khai, mục tiêu đến cuối năm 2021 phải có 2 tỷ liều vaccine cho các nước nghèo hơn trên thế giới. Tuy nhiên, mới có tổng cộng 40,5 triệu liều vaccine được phân phối đến 118 quốc gia theo cơ chế này. Tổng giám đốc WHO đã phải nhiều lần lên tiếng kêu gọi các nước giàu chia sẻ lượng vaccine còn dư để hỗ trợ công tác tiêm chủng cho nhân viên y tế ở các nước thu nhập thấp.
Chủ động ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập trở lại
Nhìn vào nhìn bức tranh tổng thể của dịch Covid-19 trên toàn cầu, nhất là tại các nước trong khu vực, có thể nói nguy cơ dịch xâm nhập trở lại Việt Nam là điều mà chúng ta phải tính tới. Những gì đang diễn ra ở Ấn Độ là lời nhắc nhở tàn khốc của Covid-19, cho thấy chính mất cảnh giác là nguyên nhân dẫn tới tình trạng bi đát như hiện nay ở nước này. Trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 3-2021, khi số ca mắc chỉ ở mức khoảng 10.000 ca/ngày, Ấn Độ tin rằng đã kiểm soát được dịch bệnh nên dỡ bớt các biện pháp hạn chế, cho phép tập trung đông người trở lại. Hệ quả là “cơn sóng thần” Covid-19 với sức tàn phá khủng khiếp đã ập tới.
Với Việt Nam, trong một tháng qua, chúng ta chưa ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng nên đã xuất hiện tình trạng lơ là, chủ quan mất cảnh giác. Nhiều người ra đường không đeo khẩu trang, không thực hiện biện pháp 5K của Bộ Y tế. Trong khi đó, nguy cơ dịch xâm nhập vào Việt Nam rất cao, do Việt Nam có đường biên giới trên biển và trên bộ với Campuchia, đặc biệt là đường biển rất khó kiểm soát. Hơn nữa, bên cạnh số người nhập cảnh hợp pháp, số ca nhập cảnh trái phép cũng đang là thách thức rất lớn với công tác phòng chống dịch.
Nguy cơ xuất hiện đợt dịch thứ 4 ở Việt Nam là hiện hữu. Thực tế cho thấy những đợt dịch xảy ra sau thường lớn hơn, mạnh hơn và tàn khốc hơn so với trước. Các biến chủng kép SARS-CoV-2 tại Ấn Độ và Anh lại có khả năng lây nhiễm cao hơn nhiều. Chính vì thế, chúng ta không thể chủ quan mà phải hết sức cảnh giác, tập trung triển khai tất cả các biện pháp phòng, chống dịch, tích cực chủ động để kiểm soát tốt tình hình dịch, nhất là ở biên giới Tây Nam và các tỉnh Nam bộ. Trước hết là thực hiện nghiêm túc Công điện số 541/CĐ-TTg ngày 23-4-2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong bối cảnh dịch bệnh trên thế giới, đặc biệt ở một số nước láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam, diễn biến phức tạp.
Điều quan trọng là phải kiểm soát tốt tình hình nhập cảnh, đặc biệt là nhập cảnh trái phép trên biên giới. Ngoài lực lượng biên phòng, công an, thì chính quyền và đoàn thể ở cơ sở phải vận động nhân dân ở các xã, tỉnh biên giới và trên toàn quốc nếu thấy người có biểu hiện hoặc từ nước ngoài về thì báo ngay cho chính quyền, lực lượng chức năng. Chỉ một người nhập cảnh trái phép mắc Covid-19 mà không được phát hiện kịp thời sẽ khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng rất lớn. Vì sự an toàn của cả nước, phải xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép.
Trong khi các cơ sở y tế tầm soát, rà soát và có kịch bản cho tình huống dịch lây nhiễm trong cộng đồng, thì mỗi người dân cần tiếp tục thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, đặc biệt là thực hiện đeo khẩu trang và sát khuẩn tay - yếu tố quyết định để làm giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19 khi xảy ra lây nhiễm tại cộng đồng.
Theo ANTD