Lợi nhuận Quý I/2022 vượt cả năm 2021, FE Credit tăng tốc trong chiến lược 5 năm
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ vào ngày 4/4, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, tính đến ngày 31/3/2022, tín dụng toàn hệ thống tăng 5% so với cuối năm 2021. Trong khi cùng kỳ năm trước tín dụng cả nước chỉ tăng 2%, tức là quý I năm nay tín dụng đã tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ.
Đối với tín dụng tiêu dùng, sau giai đoạn khó khăn vừa qua, ngành này đã ghi nhận kết quả tích cực.Tại FE Credit - công ty tài chính tiêu dùng đang dẫn đầu thị phần tại Việt Nam, dư nợ cho vay tiếp tục tăng trưởng ấn tượng với con số 76.600 tỷ đồng, tăng 16% so với quý I năm 2021. Trong đó, dư nợ cho vay của khách hàng mới đạt 27.500 tỷ đồng, chiếm 36% tổng dư nợ.
Không chỉ nỗ lực mở rộng tín dụng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao, FE Credit đã chủ động, quyết liệt kiểm soát chất lượng tín dụng, bám sát khách hàng, đánh giá khả năng trả nợ đồng thời phân loại khách hàng để có ứng xử phù hợp, hạn chế phát sinh nợ xấu. Công ty cũng giám sát chặt chẽ danh mục khách hàng cơ cấu nợ theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN và các văn bản sửa đổi bổ sung, chủ động, tăng cường trích lập dự phòng rủi ro với nợ xấu, nợ có khả năng chuyển xấu, phân loại khách hàng vào nhóm nợ có rủi ro cao hơn theo đúng tình trạng khoản nợ. Đối với công tác thu hồi nợ, FE Credit đã nâng cao hiệu quả xử lý, thu hồi nợ xấu và ưu tiên áp dụng các giải pháp thu nợ thông qua thuyết phục, động viên khách hàng hợp tác trả nợ.
Song song với việc quan tâm đến yếu tố đầu ra, FE Credit cũng tập trung đa dạng các kênh huy động vốn trong và ngoài nước nhằm tối ưu hóa chi phí sử dụng vốn, từ đó duy trì tỷ lệ thu nhập lãi thuần ở mức cao. Cụ thể, chi phí sử dụng vốn trong quý I/2022 ở mức 6,1% giảm mạnh so với con số 7,4% trong quý I/2021.
Bên cạnh đó, chiến lược số hóa được triển khai tích cực trong nhiều năm qua đã giúp FE Credit giữ vững thị phần, tiếp tục lan tỏa giá trị đến khách hàng và cộng đồng xã hội. Công ty đã gần như số hóa hoàn toàn dữ liệu và quy trình, tạo ra bước đệm vững chắc cho tiến trình chuyển đổi số trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay.
Những chiến lược bài bản, linh hoạt nói trên đã giúp công ty ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý I/2022 với lợi nhuận đạt gần 800 tỷ đồng, cao hơn so với cả năm 2021.
Chia sẻ thêm về hoạt động kinh doanh của FE Credit, Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng FE Credit tiếp tục đạt được kết quả tốt hơn trong các quý tiếp theo. Mục tiêu của FE Credit trong năm 2022 là đạt hơn 5.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế".
Cuối 2021, tỷ lệ nợ xấu (NPL) của FE Credit tăng lên 13% khi ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Tuy nhiên với việc nền kinh tế đang dần phục hồi, có thể kỳ vọng đưa NPL xuống mức trước đại dịch, tức dưới 6%.
Trong quý đầu năm, tình hình thu hồi nợ cũng được cải thiện, trừ tháng 2 bị ảnh hưởng yếu tố mùa vụ, nghỉ Tết Nguyên Đán. Ông Nguyễn Đức Vinh cho rằng, xu hướng này sẽ tiếp tục được củng cố trong những tháng tiếp theo, chỉ trừ khi có các biến cố bất thường ảnh hưởng sâu rộng tới toàn nền kinh tế.
Có thể thấy, sau giai đoạn khó khăn bởi đại dịch Covid-19, các công ty tài chính nói chung và FE Credit nói riêng đã lấy được đà hồi phục, chuẩn bị cho một năm bứt phá trong chiến lược 5 năm (2020-2025) của mình. Điều này xuất phát từ hai lý do đó là sự tham gia của cổ đông chiến lược SMBC tạo ra kỳ vọng cho sự hợp tác tăng trưởng trong tương lai và sự hồi phục của ngành tiêu dùng bán lẻ sau giai đoạn Covid-19.
Được biết, trong chiến lược 5 năm tới, FE Credit đặt mục tiêu khá tham vọng với lượng khách hàng tăng lên 20 triệu người. Thu nhập ròng cuối cùng (ENR) ước đạt 10 tỷ USD tương đương 230 nghìn tỷ đồng, doanh thu 3 tỷ USD (66 nghìn tỷ đồng) gấp 3 lần năm 2020.