Lời nói dối đẹp đẽ

Thứ hai, 27/03/2023 09:05
Bố bảo: “Mẹ các con cũng đã nhiều lần nói dối nhưng đó lại là những lời nói dối đẹp đẽ”. Tôi chợt nhớ đến câu nói mình từng đọc đâu đó, rằng: “Một người chưa biết nói những lời nói dối đẹp đẽ thì người đó không bao giờ biết đến thế giới chân thực” (A.France). Nghĩ về lời bố nói, nhớ lại những lời nói dối tốt đẹp của mẹ, tôi càng thương quý mẹ vô cùng.

Tôi từng tò mò hỏi mẹ: Tại sao ai nấy đều coi trọng sự thật và coi việc nói dối là tội lỗi, xấu xa nhưng vẫn có một ngày dành riêng cho những lời nói dối? Mẹ mỉm cười: Vì phía sau mỗi lời nói dối là muôn mặt cuộc đời. Có những lời nói dối đáng chê trách và tội lỗi, nhưng cũng có những lời nói dối vô hại và nhân ái.

Tôi nhận ra, trong những lời nói dối của cha mẹ là tất cả yêu thương, cảm thông, sẻ chia đong đầy. Đã bao lần cha đi làm đồng về, lưng áo bạc phếch đầm đìa mồ hôi, thế nhưng cha vẫn cười nói: “Cha không mệt”. Những ngày gian khó và kể cả bây giờ, mâm cơm có bao nhiêu đồ ăn ngon, mẹ đều lấy cớ “không thích ăn…” để dành hết cho chúng tôi. Nhà dù thiếu thốn, mẹ vẫn gửi gạo, rau củ lên phố đều đều cho chị em tôi ăn học, vẫn cười xòa: “Ở nhà nhiều lắm. Cha mẹ ăn không hết”. Đã bao lần chị em tôi ở xa điện về hỏi thăm, cha mẹ đều xuề xòa: “Cha mẹ vẫn khỏe, không sao cả. Các con cứ yên tâm” dẫu cha mẹ đang mỏi mệt, đang khó ở trong người. Cha mẹ là thế, cả đời chắt chiu, tằn tiện, cả đời nói dối vì thương con.

Tôi ngưỡng mộ ý chí, tài năng của Thomas Alva Edison, một trong những nhà khoa học, nhà bác học lừng danh trong lịch sử nhân loại và càng khâm phục hơn tình yêu vĩ đại cùng lời nói dối của người mẹ sinh thành ra ông. Bởi chính từ lời nói dối ấy đã giúp ông trở thành nhà bác học thiên tài. Những lời nói dối của cha mẹ, dẫu con cái có nhận ra hoặc không nhận ra, thế nhưng đều có sức mạnh động viên, khích lệ giúp con cái có thêm niềm tin, nguồn động lực vượt qua thử thách khó khăn giữa dòng đời.

Những lời nói dối đẹp đẽ còn thể hiện ở sự khôn khéo khi ứng xử, giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày. Nhiều người thay vì nói thật sẽ dẫn tới làm “mất lòng”, họ chọn cách nói dối một cách khéo léo. Ví như: “Tớ có hẹn với gia đình tối nay mất rồi” để từ chối lời mời mọc lai rai quán sá của đồng nghiệp. Ví như “Cậu đã bắt đầu không mấy suôn sẻ, nhưng vạn sự khởi đầu nan mà” để góp ý cho một nhân viên làm việc không hiệu quả, đồng thời góp ý xây dựng để họ tốt lên thay vì phê bình, chỉ trích họ… Một lời nói dối đúng lúc, đúng hoàn cảnh sẽ giúp người khác tránh được tình huống khó xử, xấu hổ, ngại ngùng, chẳng những giúp họ nhận ra khuyết điểm, sai lầm mình mắc phải mà còn tạo cơ hội cho họ thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Đôi khi, lời nói dối được xem như một thứ gia vị mang đến cho cuộc sống những giá trị tốt đẹp. Đó là lời khen “Mẹ là người đẹp nhất” của con gái, dù mái đầu mẹ đã bạc, da lấm tấm đồi mồi, chân tay nứt nẻ, nhăn nheo. Đó là lời nói dối mang theo hy vọng: “Chị cứ yên tâm, mọi việc sẽ tốt thôi” của vị bác sĩ dành cho bệnh nhân của mình đang trong cơn nguy kịch… Vẫn biết rằng, nói dối là xấu, thế nhưng “Có những lời nói dối đúng lúc, đúng người lại giá trị hơn một câu chân thật”.

Cần phân biệt lời nói dối đẹp đẽ với những lời nói dối xu nịnh. Bởi lời nói dối đẹp đẽ, vô hại, nhân ái luôn vì mục đích tạo dựng niềm vui, hạnh phúc cho con người và đáng được trân trọng. Còn lời nói dối xu nịnh lại hướng tới sự hẹp hòi, nguy hiểm, tai hại cho con người và đáng bị lên án, phê phán. Thiết nghĩ, lời nói dối đẹp đẽ cũng là một nghệ thuật mà bất kỳ ai cũng cần phải học hỏi, trau dồi!

Lê Thị Xuyên