Long lanh một dải sông Hàn (*) dưới góc nhìn của tâm thức văn hóa Việt
Tập Ký sự “Long lanh một dải sông Hàn” của Tần Hoài Dạ Vũ không chỉ là những ghi chép về Đà Nẵng đơn thuần mà lại xen lẫn một lối viết khảo cứu dưới một góc nhìn văn hóa, tổng hợp, phong phú với những nguồn thư tịch cổ, tư liệu mới để xâu chuỗi những sự kiện lịch sử, văn hóa, địa lý, thiên nhiên thành phố bên sông Hàn một cách liền lạc hấp dẫn. Dù đề tài không mới nhưng bằng một góc nhìn tinh tế, đầy tính khám phá, phát hiện những chi tiết mới lạ và những cảm nhận sâu sắc, lại được viết bằng ngôn ngữ rất thơ nên “Long lanh một dải sông Hàn” tạo được sự lôi cuốn đáng kể cho người đọc.
Điều đáng ghi nhận là thái độ, tư duy, là nỗi đau đáu, ẩn ức của người viết luôn bị ám ảnh, thôi thúc bởi một góc nhìn in đậm dấu ấn của Tâm Thức Văn Hóa - được chuyển tải xuyên suốt trong tập sách. Trước sự bùng nổ của nền công nghệ hiện đại, quan điểm của tác giả rất rạch ròi quyết liệt, dù thành phố có phát triển đến đâu, nếu mất đi văn hóa, không giữ gìn được văn hóa dân tộc thì sẽ mất tất cả. Những công trình cơ sở vật chất có thể phá bỏ để dựng lại nhưng văn hóa truyền thống đã mất thì sẽ không bao giờ lấy lại được. Một đô thị trong quá trình phát triển kinh tế cần phải lấy văn hóa làm nền tảng mới mang tính bền vững lâu dài. Vì thế “Long lanh một dải sông Hàn”, ngoài sự ngợi ca, tinh thần lạc quan còn mang tính cảnh báo . Tác giả đã nhắc đến một khái niệm thể hiện cái tính chất của Văn hóa Việt là một nền văn hóa thường tồn (permanence) đầy lòng bao dung, nhân ái, đạo lý, tình yêu cuộc sống... của người Đà Nẵng được chứng nghiệp làm căn tính suốt chiều dài lịch sử dân tộc.
Những cụm từ như: Tâm thức văn hóa, Tư duy văn hóa biển, văn hóa sông biển, các nền văn hóa của nhân loại, văn hóa nước, văn hóa Việt, Tâm thức biển đảo đã trở thành như một ý thức chung thẩm làm “cơ sở” lý luận cho mọi công trình khảo cứu, cũng là nguồn cảm hứng, nỗi ám ảnh của tác giả khi viết về Đà Nẵng.
“Long lanh một dải sông Hàn” được viết từ một tình yêu nguồn cội đến cháy lòng, lòng chung thủy, trung trinh tự hào và niềm hy vọng đối với Đà Nẵng quê hương luôn làm tác giả cảm thấy “nhẹ nhàng, hãnh diện”. Bài ký sự mở đầu cho tập sách Đà Nẵng thành phố tôi yêu mang tính khái quát tổng thể về một thành phố bên sông Hàn trong suốt quá trình lịch sử từ xưa đến nay, sự hình thành của văn hóa truyền thống, lịch sử, địa lý, con người, đời sống xã hội... Thiên nhiên ưu đãi, núi non bao quanh (Phước Tượng, Ngũ Hành Sơn, Non Nước, núi Bà Nà, Núi Chúa); Công viên Văn hóa tâm linh, sông Hàn chảy giữa thành phố, sông Cổ Cò, sông Trường Định, Biển Đà Nẵng với 3 hướng Biển, Cảng biển lớn thứ 3 trong hệ thống cảng biển Việt Nam, Trung tâm giao chuyển hàng hóa, Hoàng Sa (Vị trí biển đảo Hoàng Sa, Trách nhiệm giữ gìn biển đảo), Di tích lịch sử Đà Nẵng (Cổ Viện Chàm, thành Điện Hải, Nghĩa trủng Hòa Vang, Đình làng Hải Châu...). Và từ Ngọn nguồn dân gian, thần thoại, truyền thuyết truy nguyên về sự hình thành của 5 ngọn núi, Rồng Vàng đẻ trứng, bãi cát Tiên Sa... Tất cả hòa quyện hun đúc khí chất cho người Đà Nẵng để hình thành một Tâm thế mới trong thời đại mới: Đất và người Đà Nẵng hôm nay đều tập trung hướng ra biển, hòa nhập với biển và thế giới bên ngoài cùng với một ý thức bảo vệ biển đảo đến quyết liệt. Trong mọi cuộc chiến trên vùng đất này, người bản xứ đều thể hiện “tính cách kiên cường, thích mạo hiểm, xông pha đi đầu diệt giặc,...”. Pháp và Mỹ đều chọn Đà Nẵng là nơi đầu tiên để đổ bộ, bắt đầu cho một cuộc chiến tranh xâm lược của họ. Lịch sử đã chọn Đà Nẵng trong một tư thế đứng án ngữ nơi cửa sông, cửa biển, được thân phụ trao một thanh gươm lưu truyền, người Đà Nẵng đã chưa hề từ nhiệm. Trong thời hòa bình, người Đà Nẵng thể hiện một “tinh thần nhân ái, tôn trọng con người, dấn thân, đổi mới, khởi nghiệp, hội nhập...”.
Thành phố luôn “hướng ra biển” với những đặc trưng của “nền Văn hóa sông biển” cũng là nguồn gốc hình thành và phát triển của dân tộc. Ngày nay trên tinh thần đó, theo tác giả, Đà Nẵng đã “xây dựng nhanh chóng, vững vàng, đầy tinh thần sáng tạo để hướng ra biển” trong tâm thế muốn kéo thế giới Đa Cực lại với mình trên các lĩnh vực kinh tế chính trị và văn hóa, du lịch trở thành “Điểm đến lý tưởng trên thế giới (Theo New York Times 2015). Ngày nay những công trình thế kỷ như Cầu Rồng, Khu Du lịch Bà Nà, Inter Continental Đa Nang Sun, Cá chép hóa rồng, Vòng quay Sun Whell, những lễ hội Hương mục, Cầu Ngư... đều nặng tính chất Văn hóa biển.
Long lanh một dải sông Hàn gồm 16 ký sự viết về thành phố Đà Nẵng như: Sơn Trà xanh biếc, Lễ rước mục đồng, Lễ hội Quán Thế Âm, Giếng Chăm, Làng, đình làng và lễ hội đầu xuân, Hội Chùa, Rượu Hồng Đào, Giọng nói quê hương. Làng... cũng trên cơ sở của lối tư duy sâu sắc mà nặng lòng với tâm thức văn hóa của nhà văn Tần Hoài Dạ Vũ.
Tập ký sự “Long lanh một dải sông Hàn” sẽ giúp người đọc, không chỉ với người Đà Nẵng mà ngay cả những người Quảng Nam - Đà Nẵng xa quê, những khách du lịch khi đến Đà Nẵng đều cảm thấy yêu mến thích thú với Đà Nẵng hơn.
Sách được in theo một kích cỡ nhỏ để dễ mang theo, như một guide book dành cho khách du lịch. Sở Văn hóa - Thể thao Đà Nẵng nên phát hành rộng rãi cho du khách, nếu được cho dịch ra tiếng Anh, Pháp để quảng bá. Âu đó là việc nên làm.
HỒ SĨ BÌNH