Long trọng tổ chức Lễ Truy điệu và an táng 17 liệt sĩ đặc công
Sáng nay (5-6), tại Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam), Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN huyện Phước Sơn long trọng tổ chức Lễ Truy điệu và an táng 17 liệt sỹ thuộc đơn vị Tiểu đoàn Đặc công 404 - Quân khu 5, hy sinh tại Sân bay Khâm Đức vào ngày 5-8-1970.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Mạnh Hà - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND H. Phước Sơn thông tin: Chấp hành mệnh lệnh của Tư lệnh Quân khu 5 giao, Tiểu đoàn 404 có nhiệm vụ tổ chức tấn công tập kích cứ điểm sân bay Khâm Đức đúng vào ngày 5-8-1970, bằng mọi cách phải nhổ bằng được cái chốt của địch tại Khâm Đức. Xác định đây là một trận đánh vô cùng quan trọng, quả cảm, quyết tử để hoàn thành nhiệm vụ của Tiểu đoàn, lưc lượng nòng cốt của mũi chủ yếu lấy từ cán bộ chiến sỹ đại đội 3. Các đồng chí được chọn cử đi đánh trận này đều được chọn từ những cán bộ, đảng viên, đoàn viên ưu tú. Trận tập kích của Tiểu đoàn đặc công 404 tấn công đánh vào Tiểu đoàn 1, Trung đoàn pháo binh 82 và 02 đại đội thuộc Lữ đoàn 196 Lục quân Mỹ. Qua đó đã làm thiệt hại nặng nề về vũ khí, trang bị và người, buộc quân địch phải tháo chạy rút khỏi Khâm Đức vào ngày 26-8-1970. Từ đó, Khâm Đức mới hoàn toàn sạch bóng quân thù.
“Một trận đánh cảm tử, 17 đặc công thuộc Tiểu đoàn 404 - Quân khu 5 hi sinh tại Sân bay Khâm Đức, ta không lấy được tử thi, các liệt sỹ phải nằm lại trong lòng đất… Chiến tranh kết thúc đã nhiều năm, nền kinh tế của đất nước còn khó khăn, địa hình, địa vật của chiến trường xưa có nhiều thay đổi; các nhân chứng lịch sử người còn, người mất. Do đó, việc xác định thông tin để khảo sát, tìm kiếm cất bốc hài cốt liệt sỹ gặp rất nhiều khó khăn. Gần 50 năm đã trôi qua, 17 Liệt sỹ hy sinh ở khu vực Sân bay Khâm Đức chưa được quy tụ về Nghĩa trang Liệt sỹ của huyện, hài cốt của các Liệt sỹ vẫn còn phải nằm lại đâu đó trong lòng đất tại Sân bay Khâm Đức. Đó là nỗi đau, sự băn khoăn trăn trở của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, cũng như các đồng chí, đồng đội nguyên Tiểu đoàn 404 và thân nhân gia đình của 17 Liệt sĩ.
Phát huy truyền thống của dân tộc với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, sau một thời gian dài, với sự quyết tâm của chính quyền địa phương, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh, Ban CHQS huyện cùng đồng đội cũ, cựu chiến binh Tiểu đoàn Đặc công 404 đã kết nối, chia sẻ thông tin với phía Hoa Kỳ; sự phối hợp của thân nhân Cựu chiến binh, gia đình Liệt sỹ, các nhà tâm linh, các tổ chức, cá nhân, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã phối hợp với các ngành chức năng của huyện Phước Sơn tổ chức tìm kiếm. Sau hơn 20 ngày nỗ lực tìm kiếm, với sự chứng kiến của các cựu chiến binh và thân nhân các gia đình liệt sĩ, lực lượng Ban Chỉ huy quân sự huyện Phước Sơn đã tìm thấy hố chôn 17 liệt sĩ thuộc Tiểu đoàn Đặc công 404 hi sinh, kết thúc hành trình hơn 10 năm tìm kiếm nhiều gian nan, vất vả…
17 Liệt sỹ của chúng ta từ nay sẻ mãi mãi yên nghỉ trong Nghĩa trang liệt sỹ huyện Phước Sơn, trong tình cảm thương yêu vô hạn của đồng chí, đồng bào. Với tất cả lòng thành và tri ân sâu sắc, chúng ta cùng cầu cho linh hồn các Liệt sỹ được siêu thoát, mát mẻ nơi chín suối, bình an trong cõi vĩnh hằng. Tổ quốc ta, nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn của các Liệt sỹ. Vĩnh biệt các đồng chí, xin cầu nguyện các liệt sỹ yên giấc ngàn thu”-ông Nguyễn Mạnh Hà xúc động nói .
Danh sách 17 liệt sĩ đặc công hy sinh được tìm thấy:
1: Lê Quý Quỳnh, 1928, Tiểu đoàn phó (Quảng Phú, Quảng Trạch, Quảng Bình).
2: Tạ Thiên Trì ,1945, Trợ lý tác huấn (Phổ Cường, Đức Phổ, Quảng Ngãi).
3: Nguyễn Văn Tiến, 1939, Chính trị viên đại đội (Đồng Quang, Quốc Oai, Hà Tây).
4: Nguyễn Ánh Dương, 1950, Trung đội trưởng (Quang Phục, Tiên Lãng, Hải Phòng).
5: Vũ Quang Đặc, 1941, Trung đội trưởng (Cổ Thành, Chí Linh, Hải Dương).
6: Vũ Văn Bỉnh, 1949, Tiểu đội trưởng (Thuỷ Xuân Tiên, Chương Mỹ, Hà Tây).
7: Hoàng Văn Mão, 1950, Tiểu đội trưởng (An Khang, Yên Sơn, Tuyên Quang).
8: Đinh Quang Cừ, 1950, Tiểu đội trưởng (Hợp Hòa, Sơn Dương, Tuyên Quang).
9: Lê Ngọc Anh, 1950, Hạ sĩ (Tân Quang, Văn Lâm, Hưng Yên).
10: Đỗ Tiến Vũ, 1951, Tiểu đội phó (Thăng Long, Đông Hưng, Thái Bình).
11: Nguyễn Văn Quế, 1951, Hạ sĩ (Tân Hưng, Văn Lâm, Hưng Yên).
12: Nguyễn Trọng Thế, 1950, Hạ Sĩ (Hòa Thành, Yên Thành, Nghệ An).
13: Đỗ Như Lợi, 1950, Hạ sĩ (Tân Quang, Văn Lâm, Hưng Yên).
14: Chu Văn Sừu, 1952 Binh nhất Trưng Trắc, Văn Lâm, Hưng Yên.
15: Nguyễn Công Soi, 1952, Binh nhất (Hồng Lĩnh, Hưng Hà, Thái Bình).
16: Nguyễn Văn Lữ, 1952, Binh nhất (Hồng Lĩnh, Hưng Hà, Thái Bình).
17: Nguyễn Văn Ứng, 1951, Hạ sĩ (Quế Nham, Tân Yên, Bắc Giang).
Một số hình ảnh tại buổi lễ:
Quang cảnh buổi Lễ Truy điệu 17 liệt sĩ đặc công hy sinh. |
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND H. Phước Sơn đọc diễn văn tại buổi lễ. |
Ông Nguyễn Xuân Gụ- nguyên cựu chiến binh Tiểu đoàn đặc công 404 phát biểu tại buổi lễ. |
Ông Vũ Huy Toàn (cháu liệt sĩ Vũ Văn Bỉnh)- đại diện cho thân nhân các liệt sĩ phát biểu tại buổi lễ. |
Đại diện Tiểu đoàn Đặc công 404 dâng hương tưởng nhớ các liệt sĩ. |
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND H. Phước Sơn dâng hương tưởng nhớ các liệt sĩ. |
Đại diện chính quyền TT Khâm Đức dâng hương. |
Thân nhân liệt sĩ xúc động thương tiếc các liệt sĩ. |
Nghi thức an táng 17 liệt sĩ tại nghĩa trang. |
17 liệt sĩ được an táng chung trong một ngôi mộ. |
Các thân nhân liệt sĩ đau buồn tiễn đưa các Anh về với đất Mẹ. |
Đông đảo người dân, đoàn viên thanh niên TT Khâm Đức cũng đến tiễn đưa các liệt sĩ. |
TRẦN TÂN
>> Tìm thấy hố chôn 17 liệt sĩ đặc công ở khu vực sân bay Khâm Đức