Lớp học bên chân sóng
Gác lại những trang giáo án giảng đường Đại học cùng những bận rộn của cuộc sống mưu sinh, đều đặn vào mỗi chiều thứ bảy hàng tuần, Hứa Văn Lộc, SV năm 3, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng vượt hơn 50 cây số để đến với lớp dạy tiếng Anh cho các em nhỏ thôn Phước Long, xã Bình Đào, H.Thăng Bình, Quảng Nam. Ở các xã miền biển Bình Minh, Bình Đào quê Lộc, trẻ em mặc dù có theo học tiếng Anh ở trường nhưng vốn liếng vẫn khá hạn chế. Chính Lộc lúc nhỏ vẫn gặp nhiều khó khăn khi học ngoại ngữ, nhất là khâu giao tiếp với người nước ngoài. Cũng chính từ những khó khăn này mà Lộc hạ quyết tâm phải học được tiếng Anh. Và khi vào Trường Đại học Bách khoa, với vốn tiếng Anh học được, Lộc nghĩ đến việc truyền đạt lại cho các em nhỏ quê mình. “Em mong muốn tạo được một sân chơi bổ ích để cho các em được gần gũi nhau hơn, nâng cao vốn tiếng Anh và đặc biệt là giúp các em không còn e ngại với môn tiếng Anh”-Lộc chia sẻ.
Hứa Văn Lộc hướng dẫn các em cách phát âm tiếng Anh. |
Buổi học kéo dài từ 7 giờ đến 10 giờ đêm. Dưới ánh đèn vàng hiu hắt của nhà văn hóa thôn, 30 em nhỏ tuổi từ mầm non đến cấp THCS quây quần dưới sàn nhà để chăm chú nghe Lộc hướng dẫn. Lớp học không bàn ghế, không bảng phấn, chỉ có những hình ảnh mà Lộc tận dụng giấy cũ từ chỗ làm thêm của mình để minh họa cho bài giảng. Để có vốn tiếng Anh kha khá như hiện nay, Lộc luôn tự tìm tòi, tìm đọc thêm các tài liệu, kiến thức, phương pháp dạy tiếng Anh trên mạng. Đặc biệt, là một trong những thành viên của Cộng đồng du lịch bụi trên các trang mạng xã hội, Lộc thường nhường căn phòng trọ nhỏ của mình ở gần Trường ĐH Bách khoa để các vị khách du lịch nước ngoài tá túc qua đêm, và cũng tiện thể đó, tranh thủ học thêm cách giao tiếp, cách phát âm chuẩn của chính người dân bản địa. Sau thời gian, Lộc mời họ về “lớp học” tiếng Anh của mình ở Quảng Nam. Cũng nhờ đó mà các em có dịp được tiếp xúc với người nước ngoài nhiều hơn, dạn dĩ hơn, lớp học cũng ngày càng sôi động, hấp dẫn hơn. “Tiếng Anh là một bộ môn tương đối khó nhưng nó lại rất thông dụng trên thế giới. Chính vì thế tôi cũng như các bạn bè của mình rất sẵn lòng về đây để góp chút sức mình giúp các em biết đến tiếng Anh nhiều hơn, nói tốt hơn, học tập tốt hơn. Tôi rất vui vì điều đó”-anh David Jone, du khách người Anh đến với lớp học tâm sự.
Dẫn chúng tôi tham quan một vòng quanh nhà văn hóa thôn, nơi mỗi tuần chàng trai trẻ Hứa Văn Lộc vẫn miệt mài bày vẽ tiếng Anh miễn phí cho các em, ông Trương Công Tài, Bí thư chi bộ thôn Phước Long, tấm tắc: “Nó là đứa đầu tiên làm việc này ở đây đó. Người dân trong thôn vui lắm, sẵn sàng tạo mọi điều kiện tốt nhất để em Lộc có thể duy trì và phát triển lớp học ý nghĩa này”. Phương pháp truyền đạt đơn giản, dễ hiểu mà Lộc thường xuyên áp dụng là mỗi tuần sẽ chọn một chủ đề khác nhau để học từ vựng, Anh văn giao tiếp... rồi hướng dẫn các em đọc, tự học, tự tập nói với nhau. Những em đã học chữ, học tiếng Anh ở trường thì luyện tập thêm bằng cách viết ra giấy, còn những em mầm non thì chỉ cần ghi nhớ thông qua giao tiếp tại lớp. Các dịp lễ hay cuối tuần, Lộc lồng ghép tổ chức thêm các trò chơi, tập cho các em thói quen phản xạ nhanh trong giao tiếp...
Vừa học vừa làm thêm trong lĩnh vực in ấn quảng cáo để trang trải cuộc sống, nhiều lúc nắng mưa trên đoạn đường dài cũng khiến Lộc cảm thấy mệt mỏi, song cứ về đến nơi, thấy các em đang chờ sẵn trong nhà văn hóa, hay nhớ đến những gương mặt tươi rói, mong muốn được học của các em, những mệt mỏi như tan biến, thay vào đó là một nguồn động lực, tiếp thêm sức mạnh vô cùng lớn để Lộc tiếp tục mang tiếng Anh về với trẻ em vùng biển.
Du Ngoạn