Lớp học đặc biệt mang tên "giấc mơ"
Tưởng chừng ở độ tuổi khi về hưu, chúng ta sẽ dành trọn thời gian cho gia đình và tìm những niềm vui riêng. Nhưng với 6 cô giáo tại xã Tịnh Giang (H.Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) thì lại khác. Họ hằng ngày vẫn cần mẫn, tận tụy với lớp học tình thương và làm nên những điều đặc biệt.
Các em học sinh chăm chỉ luyện chữ trong giờ học. |
Cứ đều đặn 3 buổi sáng mỗi tuần, lớp học tình thương của các cô giáo trong Hội Cựu giáo chức xã Tịnh Giang lại rộn ràng hơn bao giờ hết bởi những thanh âm trong trẻo của các cô cậu học trò rất đặc biệt: những trẻ em bị chất độc màu da cam, chậm phát triển trí tuệ và có hoàn cảnh khó khăn khác nhau.
"Khi nào học trò không đến lớp, các cô mới ngừng đi dạy"
Trước đây, các cô đều là giáo viên tại Trường TH Tịnh Giang. Từ khi về hưu, các cô đã thành lập nên Hội Cựu giáo chức xã Tịnh Giang, trong đó cô Phạm Thị Kim Tuyến được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch.
Cô Tuyến nhớ lại về cơ duyên đến với lớp học tình thương này: "Thời còn đi dạy, tôi thấy tại xã nhà nhiều em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trí tuệ chậm phát triển không theo kịp các bạn nên không được đến trường. Và khi về hưu tôi nảy ra ý tưởng mở lớp học tình thương này, kêu gọi các cô trong Hội Cựu giáo chức cùng tham gia". Lớp học tình thương duy trì đến nay có gần 15 em ở đủ mọi lứa tuổi và hoàn cảnh khác nhau. Có bạn lớn nhất năm nay 28 tuổi, bạn nhỏ nhất mới 6 tuổi. Cứ đều đặn 3 buổi sáng 2,4,6 hằng tuần, các em được phụ huynh đưa đến lớp học, mỗi cô giáo sẽ được phân lịch dạy một buổi trong tuần cùng với các em.
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Hương cho biết, việc dạy cho những học sinh đặc biệt này tất nhiên khó khăn hơn các em bình thường khác. Các cô luôn phải ân cần quan tâm, kiên trì để hướng dẫn cho các em. "Chỉ cần mỗi ngày được thấy các em viết được chữ, làm từng phép toán thành thục là vui lắm rồi", cô Hương chia sẻ với tinh thần: "Khi nào học trò không đến lớp. các cô mới ngừng đi dạy".
Những "người mẹ thứ hai"
Mỗi học sinh trong lớp là một trường hợp đặc biệt khác nhau. Vì vậy, không chỉ dạy học chữ, các cô còn như những "người mẹ thứ hai" của các em.
Gần 2 năm qua, các cô đã quen dần với việc phải xoa bóp tay cho các em để cầm viết dễ hơn, nhanh nhẹn xử lý khi có em lên cơn động kinh trong lớp hay có những biểu hiện bất thường,... Ngoài ra, các cô luôn chú trọng dạy các em về kỹ năng sống, để những học sinh kém may mắn ấy có cơ hội được hòa nhập cộng đồng, có cuộc sống tốt hơn. Phụ huynh Lê Thị Lan (thôn Đông Hòa, X. Tịnh Giang) chia sẻ: "Tôi sinh ra 4 người con đều bị khuyết tật và gia đình rất khó khăn. Nhưng may mắn, tôi được cô Tuyến giới thiệu lớp học tình thương nên gửi hai chị em Nguyễn Thị Châu và Nguyễn Thị Chung tham gia đã gần 2 năm nay". Chị cho biết thêm: "Khi các con đến lớp học, chúng được gặp bạn bè có hoàn cảnh giống nhau nên dễ chia sẻ và tinh thần vui vẻ hơn. Hạnh phúc hơn nữa là các con được mở mang kiến thức, biết viết và biết đọc".
Ông Võ Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Tịnh Giang cho biết, chính quyền xã Tịnh Giang luôn đồng hành và hỗ trợ cùng các cô để lớp học tình thương này là điểm tựa cho nhiều học sinh khuyết tật trên địa bàn xã. "Tình yêu thương học trò của các cô giáo thật đáng trân trọng. Giờ đây khi có nhiều đơn vị tài trợ vào thăm lớp, tôi thấy bọn trẻ rất lễ phép khiến ai cũng bất ngờ. Sự cống hiến của các cô tại lớp học tình thương dù thầm lặng nhưng quá ý nghĩa với cuộc đời này", ông Tâm nói.
Gần 2 năm qua là khoảng thời gian giúp các cô được tiếp tục sống mãi với nghề. Từng ấy thời gian cũng đủ làm nên những giấc mơ đặc biệt cho những học sinh lớp học tình thương nơi đây. Và có lẽ, hạnh phúc lớn nhất mà những người gieo mầm được nhìn thấy chính là nụ cười của học trò và các bậc phụ huynh.
TRỌNG QUỐC