Lớp học đặc biệt ở vùng biên viễn Ba Tầng

Thứ hai, 14/11/2022 09:45
“Bạn ơi, đi học bạn ơi”, tiếng gọi của bà Hồ Thị La Ham (64 tuổi) cứ vang dội lên triền dốc bản cao xã biên giới Ba Tầng (H.Hướng Hóa, Quảng Trị). Tiếp nối đó là những ánh đèn theo bước chân vượt ra bìa rừng, băng trong mưa hướng về lớp học đêm. Chính sự chịu khó, ham học của các mẹ, các chị đồng bào thiểu số đã khiến những “người thầy” đặc biệt đứng lớp “Xóa mù chữ, tái mù chữ” như được tiếp sức trên hành trình đồng hành với phụ nữ biên cương, khơi chảy suối nguồn tri thức, nâng cao dân trí, góp phần mang lại niềm vui, hạnh phúc cho đồng bào trên biên viễn khó khăn này.
Các chị, các mẹ chụp ảnh kỷ niệm cùng những “người thầy” đặc biệt tại lớp xóa mù chữ.
Các chị, các mẹ chụp ảnh kỷ niệm cùng những “người thầy” đặc biệt tại lớp xóa mù chữ.

Ngày 13-11, chị Y Theo - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Ba Tầng (H.Hướng Hóa) phấn khởi cho biết, lớp học “Xóa mù chữ, tái mù chữ” cho chị em đồng bào thiểu số trên địa bàn xã đang đi đến những ngày cuối của khóa học kéo dài 6 tháng. Trước đó, vào ngày 23-5-2022, trên cơ sở phát huy những kết quả nổi bật trong quá trình triển khai lớp học “Xoá mù chữ” tại địa bàn xã A Dơi (giáp ranh với Ba Tầng), Đồn Biên phòng Ba Tầng (ĐBP, thuộc BĐBP tỉnh Quảng Trị) phối hợp Hội LHPN xã Ba Tầng tổ chức Lễ Khai giảng lớp học “Xóa mù chữ, tái mù chữ” tại địa bàn xã. Hơn 80 học viên kiên trì bám lớp đến thời điểm hiện tại được coi là kỳ tích của chính bản thân họ khi đều có hoàn cảnh khó khăn, tuổi cao và từng có những ngại ngần không dễ vượt qua được. Chính trong điều kiện đó, những “người thầy” càng quyết tâm hơn cho công cuộc “gieo chữ” giữa đại ngàn này.

Ba Tầng là xã giáp biên giới với nước bạn Lào, cũng là địa bàn xa nhất trên tuyến Lìa (gồm 7 xã giáp biên phía nam H.Hướng Hóa), chủ yếu là đồng bào Pa Cô, Vân Kiều sinh sống, còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cuộc sống nơi đây đang từng bước đổi thay, nhất là lòng dân vô cùng phấn khởi sau sự kiện ý nghĩa vào năm 2019, thực hiện thỏa thuận giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức Lễ trao Quyết định cho nhập Quốc tịch Việt Nam của Chủ tịch nước cho 350 trường hợp di cư tự do, kết hôn không giá thú đang cư trú tại 9 xã giáp biên của H.Đakrông, H.Hướng Hóa, trong đó có xã Ba Tầng. Nhiều người, trong đó có các chị, các mẹ trở thành công dân Việt Nam sau bao năm mong đợi, được hưởng nhiều quyền lợi, nghĩa vụ, nên càng mong muốn được học chữ, được mở rộng giao thiệp và tiếp cận chân trời tri thức để thoát nghèo... Vì thế, khi “Lớp xóa mù chữ, tái mù chữ” được triển khai, ai nấy háo hức tham gia.

“Thầy, cô” đứng lớp là cán bộ ĐBP Ba Tầng, là cán bộ phụ nữ xã, chi hội phụ nữ thôn cũng hỗ trợ đắc lực từ đội ngũ giáo viên Trường Tiểu học và THCS Ba Tầng. “Cô giáo” Y Theo cho biết, do địa hình khó khăn, lại học vào ban đêm nên lớp học được tổ chức ở 2 điểm nhằm giúp chị em tham gia thuận tiện hơn. Theo đó, lớp ở thôn Loa có 48 học viên, trong đó chị em 50 tuổi có 5 học viên; 5 học viên trên 60 tuổi, còn lại từ 30 đến 40 tuổi. Còn lớp học ghép 2 thôn Măng Sông và Vầng có 46 học viên. Đến thời điểm hiện tại, có 13 học viên ở hai lớp nghỉ giữa chừng vì lý do khách quan, phải đi làm ăn xa. Đại úy Hồ Xuân Lê - ĐBP Ba Tầng cho biết, các học viên tuổi đã nhiều, bàn tay quen với việc nương rẫy, việc nặng nay nắn nót từng chữ đã khó, việc tiếp thu cũng chậm nhưng bù lại ai nấy đều ham học, thích học và tiến bộ rõ qua từng tuần. “Thầy” Lê, “Cô” Y Theo, “Cô” Meng…đã không giấu được niềm xúc động mỗi khi ai đó reo lên vì ghép được tên mình, đọc và hiểu được nhiều thứ là mừng vui đến lạ.

Lớp xóa mù chữ, tái mù chữ là mô hình thiết thực, giúp cho hội viên phụ nữ trên địa bàn có cơ hội tiếp cận, học hỏi, nâng cao trình độ hiểu biết. Cũng thông qua lớp học này, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới trên địa bàn khu vực biên giới. Kết quả việc học đã giúp các học viên tự tin hơn trong cuộc sống. Nhiều người đã có thể bán hàng online với các sản vật địa phương bằng tiếng Việt. Biết đọc, biết viết, các mẹ, các chị thích đọc tin tức, xem tivi, nghe đài hơn. Đời sống văn hóa, tinh thần từ đó như chạm đến những chân trời thú vị và bổ ích. “Học cái chữ khó lắm, nhưng ui là (phương ngữ địa phương - P.V) thích, tự hào”- bà La Ham bày tỏ. Những ngày cuối khóa học cũng là gần đến lễ tri ân 20-11, chị em càng chăm chỉ hơn để tiến bộ từng ngày như quà tặng đặc biệt gửi đến những “người thầy” đã ân cần, dìu dắt mình qua những bỡ ngỡ, gian nan mà chan chứa ước vọng.

Bảo Hà