Lớp học đặc biệt

Thứ ba, 26/08/2014 08:52

(Cadn.com.vn) - Thực hiện chỉ đạo của Bộ CA về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ (tiếng Lào) cho CBCS lực lượng CA các huyện biên giới, từ đầu năm đến nay, CAH Tây Giang (Quảng Nam) đã mở lớp bồi dưỡng tiếng Lào cho hơn 60 CBCS trong đơn vị. Đặc biệt, lớp học do chính đội ngũ "giáo viên" trong đơn vị đảm nhận công tác giảng dạy. Hoạt động trên đã mang lại hiệu quả thiết thực cho CBCS nơi vùng biên này.

"Những năm qua, khi huyện có những đợt giao lưu qua thăm nước bạn thì đều phải nhờ phiên dịch đi cùng. Việc bất đồng ngôn ngữ đã tạo nên sự trở ngại, khó khăn trong công tác giao tiếp. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ CA về đào tạo tiếng Lào cho CBCS, lãnh đạo CAH đã cử đồng chí Pling Đức ra Nghệ An học lớp sơ cấp 6 tháng. Với kiến thức tiếng Lào có được trước đó và qua lớp học trên, đồng chí Đức đã về nhận nhiệm vụ đứng lớp để bồi dưỡng tiếng Lào cho CBCS trong đơn vị. Với phương châm học để biết ứng xử, để giao lưu, trao đổi nghiệp vụ, qua lớp học, từ đầu năm đến nay, CBCS đã cơ bản tiếp thu, nói được những câu phổ thông tiếng bạn và thuộc những bài hát liên quan đến mối quan hệ hữu nghị Việt-Lào bằng tiếng Lào"- Thượng tá Nguyễn Công, Trưởng CAH Tây Giang cho biết.

Theo chỉ đạo của lãnh đạo CAH, cứ đều đặn mỗi tối thứ ba hằng tuần, lớp bồi dưỡng tiếng Lào của CAH Tây Giang được tổ chức. Hơn 60 CBCS trong đơn vị thay phiên nhau lên lớp. Vì đặc thù công việc nên các CBCS thường xuyên đi công tác, không có mặt ở đơn vị. Chính vì vậy mà số lượng "học viên" trong lớp đều dao động trên 30 người.

"Giáo viên bất đắc dĩ" Đại úy Pling Đức tâm sự: "Quê mình ở giáp ranh với nước bạn Lào, mình hay qua đó chơi và cũng biết được một số tiếng Lào. Được sự phân công của lãnh đạo CAH nên mình đảm nhận công tác bồi dưỡng tiếng Lào cho anh em trong đơn vị. Chương trình giảng dạy được xây dựng đảm bảo tính khoa học và sát với yêu cầu thực tiễn của lớp học. Qua lớp học, CBCS trong đơn vị đều nhiệt tình tham gia. Bên cạnh đó, do mình không có nghiệp vụ sư phạm nên phần nào ảnh hưởng đến công tác truyền đạt kiến thức. Theo kế hoạch đề ra, trong năm nay, CBCS sẽ học xong cuốn Hội thoại Việt-Lào với gần 20 bài. Nội dung là những lời chào hỏi xã giao, những phong tục tập quán, văn hóa, đất nước, con người nước bạn".

Cứ đều đặn, lớp học bắt đầu từ 19 giờ đến 21 giờ cùng ngày. Đây được xem là buổi ngoại khóa thiết thực, bổ ích cho các CBCS nơi vùng cao này. Ngoài "giáo viên" Pling Đức, lớp học còn có "trợ giảng" là Thượng úy Ngô Văn Thìn. Tại lớp học, Đại úy Đức đảm nhận việc truyền đạt ngôn ngữ còn Thượng úy Thìn đảm nhận công tác dạy hát cho các CBCS trong đơn vị. Với nhiệm vụ trên nên hai "giáo viên" này thay phiên nhau tạo không khí lớp học sinh động hơn.

"Những lớp học được tổ chức quy mô, bài bản, kết thúc khóa học các học viên sẽ được cấp chứng chỉ. Tuy nhiên tại đơn vị, đây chỉ đơn thuần là công tác bồi dưỡng kiến thức từ người biết truyền đạt cho người chưa biết. Do đó, theo kế hoạch, trong năm nay các học viên chỉ được truyền đạt kiến thức là những câu hội đàm được phiên âm ra tiếng Việt để sát với thực tế. Còn việc chữ viết sẽ có kế hoạch bồi dưỡng sau", Đại úy Đức cho biết thêm.

Là lớp học đặc biệt nên có những học viên rất "đặc biệt". Thiếu tá Trần Ngọc Tiến - Đội trưởng Đội tổng hợp CAH Tây Giang, cũng là học viên đang theo lớp học nhận định: "Đối với địa bàn biên giới như Tây Giang, việc học tiếng Lào rất thiết thực. Bản thân tôi và các CBCS đơn vị xác định việc học tiếng Lào là xác đáng, vì đây là vấn đề rất thiết thực đối với đời sống cũng như phục vụ lâu dài cho công tác nơi vùng biên giới này".

21 giờ, tiếng chuông reo vang lan tỏa khắp núi rừng giữa đêm vắng lặng, những học viên ra về, ai nấy đều phấn khởi, vui vẻ với những câu nói mình vừa học được. Gặp chúng tôi, họ chào bằng tiếng Lào rất thân thương: Xă ba đi xă hải (chào đồng chí).

Trần Tân