Lũ lụt kinh hoàng ở Libya: Hơn 5.300 người đã thiệt mạng

Thứ năm, 14/09/2023 08:29
Số người chết do trận lũ lụt vì vỡ đập ở đông Libya đã tăng vọt lên 5.300 và số người mất tích vào khoảng 10.000, trong khi nhiều khu vực đã bị tàn phá thảm khốc.
Thành phố Derna, Libya tan hoang sau lũ lụt do bão Daniel. Ảnh: AFP
Thành phố Derna, Libya tan hoang sau lũ lụt do bão Daniel. Ảnh: AFP

Xóa sổ nhiều thành phố

Sau khi tàn phá Hy Lạp vào tuần trước, bão Daniel đã quét qua Địa Trung Hải vào ngày 10-9, gây ra mưa lớn cực đoan cho khu vực Derna ở đông Libya. Lượng nước lớn làm vỡ 2 con đập, gây ra thảm họa lũ lụt, cuốn trôi nhiều khu dân cư ra biển.

Chính quyền Libya cho biết, 25% diện tích thành phố Derna ở miền Đông đã bị nước lũ cuốn trôi, sau khi các con đập vỡ do bão Daniel đổ bộ vào nước này, với hơn 1.500 thi thể đã được tìm thấy cho đến nay. Người ta lo ngại, số người thiệt mạng do lũ lụt sẽ còn tăng thêm khi có tới 10.000 người được báo cáo mất tích sau khi toàn bộ khu vực lân cận bị nước lũ cuốn trôi. Theo ông Mohammed Abu-Lamousha, phát ngôn viên của Bộ Nội vụ miền Đông Libya, hơn 5.300 người ở thành phố Derna đã thiệt mạng. Cơ quan cứu thương của thành phố Derna trước đó đưa ra con số là 2.300.

Derna đã được tuyên bố là vùng thảm họa. Tamer Ramadan, người đứng đầu Liên đoàn Chữ thập đỏ quốc tế (IFRC) ở Libya, cho biết: "Chúng tôi có thể xác nhận từ các nguồn thông tin độc lập rằng số người mất tích tính đến nay đã lên tới 10.000 người. Số người chết là rất lớn và có thể lên tới hàng nghìn người".

Trước khi thảm họa xảy ra, Derna có 125.000 dân. Khoảng 25% thành phố đã bị cuốn trôi trong thảm họa. Các nhân chứng mô tả rằng thành phố bị tàn phá nghiêm trọng với nhà cửa đổ nát, thi thể nằm khắp mọi nơi. Một số khu dân cư bị biến mất hoàn toàn sau thảm họa tự nhiên. Các bệnh viện ở Derna được cho là đã ngừng hoạt động và nhà xác cũng đã chật kín. Tiến sĩ Anas Barghathy, người đang làm công việc tình nguyện ở Derna, nói với CNN: "Các thi thể bị bỏ lại trên vỉa hè bên ngoài nhà xác".

Bất ổn chính trị

Rối ren chính trị và cơ sở hạ tầng thiếu thốn được cho là một trong những nguyên nhân khiến hậu quả do trận lũ lụt ở Libya gây ra tàn khốc hơn. Theo hãng thông tấn AP, một trong những nguyên nhân khiến vỡ đập xảy ra là do cơ sở hạ tầng tại đây thiếu giám sát và chưa được đầu tư trong nhiều năm qua. Libya bị chia cắt bởi hơn một thập kỷ xung đột dân sự sau cuộc nổi dậy lật đổ chính quyền nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi vào năm 2011. Libya bị chia rẽ giữa hai chính phủ đối địch: chính quyền được quốc tế công nhận có trụ sở tại thủ đô Tripoli ở phía Tây và một bên là lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) ở phía Đông bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.

Ông Leslie Mabon, giảng viên tại Đại học Mở có trụ sở ở Anh, cho rằng các yếu tố xã hội, chính trị và kinh tế cũng góp phần gây ra thảm họa. Ông Mabon cho biết thêm, tình trạng chính trị ở Libya "đặt ra những thách thức trong phát triển các chiến lược đánh giá, trao đổi thông tin về rủi ro; điều phối các hoạt động cứu hộ và khả năng bảo trì các cơ sở hạ tầng quan trọng như đập nước".

Nhiều nước hỗ trợ

Nhằm hỗ trợ Libya khắc phục hậu quả của thiên tai, Tổng thống Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Sheikh Mohamed ngày 11-9 cho biết nước này sẽ gửi hàng viện trợ khẩn cấp và cử các đội tìm kiếm, cứu nạn tới Libya.

Qatar và Tunisia cũng thông báo sẽ gửi hàng viện trợ tới các khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở miền đông Libya. Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới Chính phủ và nhân dân Libya về những mất mát do cơn bão gây ra. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này sẵn sàng cung cấp hỗ trợ dưới mọi hình thức để giúp Libya vượt qua thảm họa thiên nhiên.

AN BÌNH