Lũ lụt Trung Quốc diễn biến khó lường

Thứ hai, 24/08/2020 11:16

Những dòng nước cuồn cuộn đổ về đập Tam Hiệp của Trung Quốc - con đập thủy điện lớn nhất thế giới - trong những ngày qua khiến cho tình hình lũ lụt ở nước này tiếp tục diễn biến khó lường.

Trong ngày 23-8, áp lực nhằm vào đập Tam Hiệp đã giảm đi phần nào khi nước đã bắt đầu rút sau khi đạt đỉnh ở mức 167,65m vào sáng 22-8, mức cao nhất kể từ khi con đập này đi vào hoạt động kể từ năm 2003. Tuy nhiên, nguy cơ vẫn còn đó trong bối cảnh dự báo tình hình mưa lũ vẫn diễn biến phức tạp trong vài tuần tới.

 Một con phố ngập lụt ở Trùng Khánh, Trung Quốc. Ảnh: AFP

“Thách thức kép”

Trung Quốc đang trải qua một trong những mùa lũ nghiêm trọng nhất lịch sử trong bối cảnh lo ngại về làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai.

Trong tuần này, lũ trên sông Dương Tử lên đến đỉnh một lần nữa, gây ngập lụt diện rộng ở tỉnh Tứ Xuyên và thành phố Trùng Khánh. Đập Tam Hiệp cũng hứng lượng nước đổ về kỷ lục. Vào sáng 22-8, mực nước đạt đỉnh 167,65m, mức cao nhất kể từ khi hồ đi vào hoạt động kể từ năm 2003, sau khi những trận mưa lớn làm dòng chảy của sông Dương Tử tăng lên mức cao kỷ lục và lưu lượng đổ vào đập lên tới 75.000m3/giây. Tình hình tồi tệ đến nỗi lần đầu tiên, đập Tam Hiệp phải mở đến 11 cửa xả lũ với lưu lượng nước xả xuống hạ lưu lên tới mức 49.200m3/giây.

Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng đã đích thân thị sát công tác phòng chống thiên tai ở các khu vực bị ảnh hưởng, động thái cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình hình mưa lũ ở nước này. Hiện, mối lo đã giảm bớt khi nước lũ ở thành phố Trùng Khánh bắt đầu rút xuống với mực nước tại các trạm thủy văn chính giảm xuống dưới mức cảnh báo. Nhưng giới chuyên gia cảnh báo những khó khăn còn ở phía trước khi mùa lũ lụt ở Trung Quốc sẽ tiếp tục kéo dài đến cuối tháng 9. Cho đến nay, lũ lụt đã ảnh hưởng đến 63 triệu dân ở Trung Quốc, phá hủy khoảng 54.000 ngôi nhà và gây thiệt hại trên 26 tỷ USD. Ít nhất 219 người đã thiệt mạng hoặc mất tích. Tại Trùng Khánh – một trong 4 thành phố trực thuộc trung ương của Trung Quốc - lũ lụt đã làm 251.000 người dân phải sơ tán và làm ngập 21.000 cửa hàng.

Rõ ràng, lũ lụt cũng giáng một đòn khác vào nền kinh tế Trung Quốc đang tìm cách phục hồi sau đại dịch Covid-19, nhất là trong bối cảnh phải đối mặt làn sóng lây nhiễm thứ 2. Nhiều doanh nghiệp thiệt hại nặng vì phải chống chọi với đại dịch Covid-19 trong nửa đầu năm và lũ lụt trong nửa cuối năm.

Vì đâu nên nỗi?

Trung Quốc từng tuyên bố đầy tự hào về mạng lưới đập khổng lồ của mình như một biện pháp khắc phục hậu quả cho những trận lũ lụt hàng năm tàn khốc.

Tuy nhiên những trận lũ lụt kỷ lục đã một lần nữa giết chết hàng trăm người và nhấn chìm hàng chục ngàn ngôi nhà trong năm nay. Hàng triệu người đã bị ảnh hưởng, với hàng trăm nghìn người phải sơ tán, đường sá bị nhấn chìm, các địa điểm du lịch bị đóng cửa và chi phí kinh tế tăng cao. Và giới chuyên gia đã đặt ra những câu hỏi về lý do tại sao Trung Quốc vẫn phải chịu đựng lũ lụt nghiêm trọng hàng năm như vậy? Theo nhiều chuyên gia, tình trạng lũ lụt năm nay ở Trung Quốc không chỉ là thảm họa thiên nhiên đơn lẻ mà còn là sự kết hợp của một loạt các đợt lũ nhỏ hơn, diễn ra chậm rãi, gây tổng thiệt hại rất lớn cả về người và của. Ngoài yếu tố biến đổi khí hậu, giới chuyên gia cho biết còn do ảnh hưởng từ hành vi của con người.

Từ trước đến nay, Trung Quốc dựa vào các đập, đê và hồ chứa để kiểm soát và chuyển hướng dòng chảy của nước. Bộ quản lý khẩn cấp Trung Quốc cho biết, từ tháng 6 đến đầu tháng 8, khoảng 30 tỷ m3 nước lũ đã được chặn lại bởi các đập và hồ chứa ở con sông dài nhất Châu Á, sông Dương Tử, làm giảm lũ lụt ở hạ lưu ở các khu vực bao gồm Thượng Hải. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng rộng lớn của đất nước đã không thể ngăn chặn hết, với việc chính quyền ở thành phố Chuizhou, tỉnh An Huy, đã buộc phải cho nổ 2 con đập vào tháng trước để xả nước từ con sông Trừ Hà.

Và những lo ngại lại xuất hiện định kỳ về tính toàn vẹn cấu trúc của đập Tam Hiệp trên thượng nguồn Dương Tử được xây dựng trong một khu vực bị đứt gãy bởi các đường đứt gãy địa chất. Ngoài ra, giới địa chất học cho rằng, hoạt động bồi lấn trái phép tại các vùng sông hồ tự nhiên là lý do khiến Trung Quốc trải qua đợt lũ nghiêm trọng như hiện nay.

Một góc Trùng Khánh, Trung Quốc chụp từ trên cao. Ảnh: AFP

Cần hành động chống lại biến đổi khí hậu

Trung Quốc đang tăng cường giám sát lũ lụt và sơ tán sớm để giảm thiểu thiệt hại về người do lũ lụt.

Ngoài công nghệ theo dõi thời tiết thông thường, thành phố An Khánh ở tỉnh An Huy đang sử dụng kính thực tế ảo được kết nối với các camera giám sát các con sông, và sử dụng Internet 5G, để truyền hình ảnh cho các thanh tra viên, theo Tân Hoa Xã. Tuần trước, Bộ quản lý tình trạng khẩn cấp cho biết, số người chết hoặc mất tích do lũ lụt từ tháng 6 đến đầu tháng 8 giảm xuống còn 219 người - thấp hơn một nửa so với con số trung bình mỗi năm trong 5 năm qua. Tuy nhiên, ảnh hưởng kinh tế đã tăng 15% trong năm nay, lên tới 179 tỷ nhân dân tệ (26 tỷ USD), các quan chức cho biết tại một cuộc họp báo tuần này.

Một chuyên gia đã nhấn mạnh rằng, cuối cùng, việc ngăn chặn lũ lụt cũng sẽ đòi hỏi hành động toàn cầu chống lại biến đổi khí hậu. “Trong khi các quốc gia đang chuẩn bị tốt hơn, thế giới nói chung vẫn chưa chuẩn bị”, bà Cecilia Tortajada, nhà nghiên cứu về chính sách nước tại Đại học Quốc gia Singapore, nói với AFP.

KHẢ ANH