“Lựa chọn zero” - Sự thật hay kế thương lượng của Mỹ?

Thứ sáu, 12/07/2013 11:35

 

(Cadn.com.vn) - Washington mới đây bất ngờ tuyên bố đẩy nhanh kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan, trong đó gồm cả “lựa chọn zero” - phương án dẫn đến việc không còn lực lượng Mỹ nào hiện diện tại quốc gia Nam Á này sau năm 2014. Liệu tuyên bố này có đúng sự thật hay chỉ là “kế giận hờn” của Nhà Trắng?.

 

“Lựa chọn zero” được Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố hôm 9-7 không khiến giới quan sát quá bất ngờ. Bởi lẽ, ai cũng hiểu rằng, đây chỉ là công cụ gây áp lực lên chính quyền Tổng thống Hamid Karzai ký hiệp ước an ninh, qua đó giúp Nhà Trắng chi phối các mối quan hệ an ninh song phương sau năm 2014.

 

Mỹ có hai mục tiêu chính ở Afghanistan sau khi sứ mệnh của NATO do Nhà Trắng dẫn đầu kết thúc vào tháng 12-2014: ngăn chặn đà phát triển của Taliban, Al-Qaeda và tiếp tục đào tạo các lực lượng Afghanistan giúp duy trì an ninh và ổn định. Vậy tại sao Mỹ lại ngỏ ý viện đến “lựa chọn zero”?

 

 Theo giới phân tích, điều này bắt nguồn từ hai lý do. Thứ nhất là ông chủ Nhà Trắng đang ngày càng thất vọng về người đồng cấp Afghanistan Karzai, người trong những tháng gần đây chuyển sang quở trách Mỹ và NATO với giọng điệu chua cay và thậm chí còn ra lệnh cho lực lượng an ninh không giúp Mỹ thực hiện các cuộc không kích ở nước này. Nguyên nhân thứ hai là bài học chiến tranh Iraq khi Nhà Trắng không thể đi đến một thỏa thuận về các điều khoản mà theo đó một lực lượng Mỹ đồn trú tại quốc gia này sau khi rút quân.

 

 

 

 Quân đội Mỹ làm nhiệm vụ tại Afghanistan. Ảnh: AFP

 

Nhưng “lựa chọn zero” là không khả thi mà chỉ là cách gây áp lực  buộc ông Karzai phải đặt bút ký về thỏa thuận hiện diện quân sự Mỹ-Afghanistan khi bàn đàm phán đang rơi vào bế tắc. “Washington đang đặt rõ áp lực đối với Kabul rằng, nếu không có Mỹ, Taliban sẽ trỗi dậy và trở lại nắm quyền ở Afghanistan”, giáo sư Đại học Kabul và là chuyên gia phân tích chính trị Faizullah Jalal nói với Tân Hoa Xã. Theo ông Jalal, cùng với sự gia tăng các cuộc nổi dậy của Taliban tại Afghanistan là sự rạn nứt đang nổi lên giữa Washington và Kabul về cách làm thế nào để đối phó với tình hình an ninh.

 

Hầu hết các chuyên gia đều nhận định, sẽ là rất khó khăn cho Washington trong việc theo đuổi 2 mục tiêu trên khi mà không có sự hiện diện quân sự khác ngoài vài trăm binh sĩ tại Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Kabul. “Chính quyền đã nói về một “sự hiện diện lâu dài” ở Afghanistan, nhưng các mục tiêu đặt ra sẽ khó khăn hơn nhiều nếu không có binh sĩ”, Trung tướng về hưu David Barno, người chỉ huy đầu tiên của lực lượng kết hợp Mỹ và NATO tại Afghanistan vào năm 2003 nhận định.

 

Ngoài ra, nếu không có lực lượng ở lại, Mỹ sẽ không có sự hiện diện quân sự trong khu vực Afghanistan-Pakistan rộng lớn. Đó sẽ là một sự tương phản đáng hổ thẹn so với khu vực Vịnh Ba Tư, nơi mà Washington duy trì một sự hiện diện đáng kể. Mục tiêu chống khủng bố sẽ “phức tạp và nhiều thách thức hơn” nếu Mỹ phải dựa vào nguồn lực quân sự nước ngoài. Hơn nữa, “thu thập thông tin tình báo ngày này qua ngày khác” một hoạt động rất quan trọng, sẽ rất khó để thay thế.

 

Ông Barno cũng cảnh báo không nên sử dụng “bài học chiến tranh Iraq” là một “hình mẫu” cho các lựa chọn về Afghanistan. Bởi theo ông, “Iraq là một quốc gia hiện đại hơn với một cơ sở hạ tầng rộng lớn hơn”. Đó là chưa kể đến việc Iraq có thu nhập từ dầu mỏ trong khi Afghanistan “không có khả năng tạo ra thu nhập đáng kể” ít nhất là cho đến khi lượng tài nguyên khoáng sản của nước này có thể được khai thác.

 

Giới phân tích cho rằng, quân đội Mỹ không có mặt tại Iraq vì chính phủ Baghdad không thể “miễn dịch” về sự an toàn cho các binh sĩ đến từ phương Tây. Nhưng ông Karzai thì cần phải suy nghĩa lại.

 

Khả Anh