Lừa đảo ẩn & hiện
(Cadn.com.vn) - Thời gian gần đây, trên địa bàn TP Đà Nẵng xảy ra nhiều vụ lừa đảo với thủ đoạn khá đơn giản nhưng vẫn khiến nhiều người sập bẫy. Số tài sản bọn tội phạm chiếm đoạt tuy không lớn, nhưng khi đã mất tiền, “ngộ” ra mình bị đưa vào “tròng” thì nhiều nạn nhân tức đến “lộn ruột” vì “không ngờ mình ngây thơ đến vậy”.
Những “bà già đáng thương”
Đến lúc này, anh Trương Quang Q. (quê Quảng Điền, TT-Huế, tạm trú Q. Hải Châu, Đà Nẵng) vẫn chưa hết “cay sống mũi” khi cứ nghĩ mình đã làm việc tốt, không ngờ lại sập bẫy bà già. Sáng hôm ấy, trên đường điều khiển ô-tô đến cơ quan, anh Q. tranh thủ ghé Bệnh viện Đà Nẵng thăm người bà con đang điều trị tại đây. Sau khi trở ra, anh Q. đang mở cửa xe thì có một phụ nữ khá luống tuổi, trông dáng vẻ lam lũ, tất tưởi chạy đến đon đả: “Con! Con không nhận ra cô à? Chà, cả chục năm ni không gặp, chừ con khác nhiều rồi. Cô Ty ở cùng làng với con đây”. Quá bất ngờ, trông người đàn bà là lạ, nhưng nghe giọng cùng quê, lại tỏ ra gần gũi nên anh Q. lễ phép vâng dạ, hỏi vài câu xã giao.
Chỉ chờ có vậy, người đàn bà chuyển giọng than thở: “May quá, đang kẹt thì gặp con. Cô đưa thằng Bi vô đây nhập viện gấp nên không kịp chuẩn bị tiền. Thôi thì chỗ làng xóm, con có tiền cho cô mượn tạm vài ba trăm, bữa mô về quê cô gửi lại”. Không nhớ người đàn bà tên gì, nhưng nghĩ dù sao cũng là người trong làng trong xã gặp cảnh không may nên anh Q. rút ví lấy 300.000 đồng đưa ra, bảo: “Thôi, cô cầm tạm góp thêm lo cho Bi, không phải vay mượn chi hết, ai cũng gặp lúc khó khăn”. Cầm 300.000 đồng, liếc thấy trong ví anh Q. còn 200.000 đồng, người phụ nữ ngập ngừng: “Không được mô, phiền lắm. Thôi, con có thì cho cô mượn 500.000 đồng chứ không làm ri được, người trong làng, làm ri ốt dột chết!”. Thôi thì đành vậy, anh Q. “vét” 200.000 còn lại đưa cho “người cùng làng” với suy nghĩ giúp đỡ chứ không phải vay trả gì. Anh Q. lên xe rồi, người đàn bà còn dặn với theo: “Bữa mô về nhớ ghé nhà cô chơi hỉ!”.
Trưa về nhà, anh Q. đem chuyện kể lại và nói bố mình tranh thủ hỏi xem cô Ty đang chăm sóc con ở phòng nào để lên thăm chứ không sau này về làng lại khó ăn nói vì biết người ta đau ốm mà không đến. Nghe con kể chuyện, bố anh Q. hỏi đặc điểm người đàn bà rồi bảo: “Mắc bẫy lừa rồi con. Hôm trước ba vào bệnh viện cũng có người đàn bà đặc điểm y chang hỏi mượn tiền”. Đến lúc này anh Q. mới thấy “cay” vì cứ nghĩ giúp “người cùng làng”, ai dè sập bẫy lừa của bà già.
Đường Lê Văn Hiến xuất hiện đối tượng đóng vai bà già đi thăm con, bị lỡ đường để lừa đảo. |
Chập choạng một ngày đầu tháng 10, anh Huân (trú Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) đến Bệnh viện Phụ sản - Nhi chăm con đang điều trị tại đây. Sau khi soạn đồ đạc và giao con cho vợ, anh Huân ra quán đối diện cổng bệnh viện uống cà-phê cho thoáng. Ngồi nhìn sang bên kia đường, thấy một phụ nữ tầm 60 tuổi, dáng người khắc khổ đứng ở trạm chờ xe buýt trông ra điều lo lắng lắm. Anh Huân băng qua đường hỏi chuyện xem có giúp gì được không thì người phụ nữ run run: “Bà đi xe buýt từ Hội An lên Bệnh viện Đà Nẵng thăm con và cháu. Ở quê ra, bà không biết, đến đây nghe người ta nói đến bệnh viện rồi, cứ tưởng là Bệnh viện Đà Nẵng nên xuống. Chừ không biết đi mô, tiền thì hết, số điện thoại của con cũng không nhớ”. Nghe vậy, anh Huân liền rút ví lấy 200.000 đồng đưa cho người phụ nữ và hướng dẫn bà đón xe buýt tiếp tục đến Bệnh viện Đà Nẵng. Cầm tiền, người đàn bà cảm ơn, ôm bọc quần áo lặng lẽ bước đi rồi khuất dạng ở con đường ngang cách đó mấy chục mét.
Trở lại quán cà-phê, ngồi trò chuyện với chủ quán, anh Huân mới biết mình đã sập bẫy lừa của bà già. Theo chủ quán và một số người sống trên tuyến đường Lê Văn Hiến, người phụ nữ này thường đóng vai bà già đi thăm con ở bệnh viện, bị lỡ đường, hết tiền nhằm đánh vào lòng tốt của mọi người để trục lợi.
Biết mà không tránh được
Chiều tối 3-10, trên đường đi làm về, anh Trần Công A. (trú Q. Ngũ Hành Sơn) sơ ý đánh rơi chiếc ví, bên trong có một số tiền, giấy tờ tùy thân, thẻ ra vào cơ quan nên vội đến một số tòa soạn báo nhờ đăng thông tin tìm kiếm với hy vọng ai nhặt được sẽ cho mình chuộc lại. 9 giờ hôm sau, một số thuê bao lạ gọi vào máy anh A. “Xin lỗi, có phải số máy của anh A. không?”. “Dạ phải”. “Anh đánh rơi cái ví?”. “Dạ đúng rồi”. “Vậy anh nói đặc điểm, giấy tờ trong ví xem có đúng không vì tôi nhặt được và liên lạc theo số điện thoại in trong cạc-vi-zít”. Anh A. mừng như bắt được vàng vì tiền thì chưa nói, quan trọng là giấy tờ nên anh liệt kê một số giấy tờ trong ví cho người kia kiểm tra. “Đúng rồi, vậy anh chạy lên Ngã ba Huế, tôi đưa lại cho”.
Bọn tội phạm thường thu thập thông tin tìm giấy tờ đăng tải trên báo hoặc dán trên cột điện để lừa đảo người dân. |
Anh A. lập tức điều khiển xe máy chạy lên Ngã ba Huế để nhận lại chiếc ví cũng như có chút lễ gọi là hậu tạ người ta. Tuy nhiên, khi gần đến nơi, anh A. nhận được điện thoại của người kia gọi lại: “Thôi, bây giờ tôi có việc gấp quá, hẹn hôm sau tôi sẽ đưa cho, anh đừng lo”. Anh A. năn nỉ, xin cho mình được gặp một chút để xin lại ví và hậu tạ rồi hẵng đi thì người kia bảo: “Nhặt được của rơi trả người đánh mất mà, hậu tạ gì”. Anh A. cố thuyết phục xin được gặp để hậu tạ, người kia ngập ngừng rồi bảo: “Mà không thì anh mua cho tôi cái thẻ điện thoại vài trăm, đọc mật mã nhập cũng được”. Không cần hậu tạ mà lại nói mua card điện thoại, anh A. nghi ngờ, nhưng vì cần xin lại cái ví và giấy tờ nên đành làm theo với hy vọng đừng gặp phường lừa đảo. Mua card điện thoại mệnh giá 200.000 đồng, đọc mật mã nhập xong, ít phút sau anh A. gọi lại cho người kia thì “thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được”.
Tức anh ách trở về, anh A. cố nghĩ xem liệu có phải bạn bè nhặt được rồi trêu mình, chứ bọn lừa đảo thì làm sao có số điện thoại, lại biết rõ những gì có trong ví? Hay là chúng nhặt được rồi giở trò “vòi” tiền? Khi bình tĩnh suy nghĩ, anh A. mới vỡ lẽ, rằng đối tượng đã đọc được thông tin tìm vật rơi mà anh đã nhờ đăng tải trên một số tờ báo nên lợi dụng để lừa đảo.
Không chỉ anh A., thời gian gần đây một số người cũng trở thành nạn nhân của loại tội phạm này. Bọn lừa đảo luôn nghĩ ra những chiêu trò từ đơn giản đến phức tạp, cả ra mặt và giấu mặt với mục đích chính là đánh vào lòng tốt, sự nhẹ dạ và cả những tình huống người bị hại biết mà không tránh được nhằm chiếm đoạt tài sản. Đề nghị người dân cần nâng cao cảnh giác.
Nhật Minh