Luân phiên làm cán sự lớp, tại sao không?

Thứ sáu, 24/08/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Câu chuyện đầu năm học mới 2012-2013 mà chúng tôi muốn đề cập trong bài viết này là cách làm hay của Trường Tiểu học (TH) Hoàng Văn Thụ (Hải Châu, Đà Nẵng). Thầy Cao Hữu Công - Hiệu trưởng Trường TH Hoàng Văn Thụ-kể: một lần đi tham quan nền giáo dục Singapore, thầy đã học hỏi được nhiều điều về cách giáo dục của nước này, trong đó có một  cách làm hay có thể áp dụng được trong môi trường giáo dục nước ta, đó là sự thay đổi, luân phiên chức danh lớp trưởng ở Singapore gọi là “phát thanh viên" cho giáo viên chủ nhiệm (GVCN). Theo đó, cứ mỗi tuần, ở nước này, các lớp học bậc TH lại thay đổi một "phát thanh viên". Về nước, thầy đem chuyện này bàn trước HĐSP nhà trường và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Không chỉ thay đổi chức danh lớp trưởng, nhà trường còn thay đổi luân phiên đội ngũ cán sự lớp như tổ trưởng, tổ phó. Theo đó, mỗi tháng cán sự lớp lại được thay đổi một lần. Qua một năm triển khai thực hiện, mô hình đã phát huy hiệu quả tích cực, tạo không khí thi đua học tập sôi nổi trong trường học...

Cô Phan Ánh Thu-GVCN khối lớp 3-tâm sự, có nhiều em sau khi bốc thăm trúng chức danh lớp trưởng suốt đêm không ngủ được vì hồi hộp. Có em, sau khi “trúng cử” liền tìm đến bạn lớp trưởng vừa “bãi nhiệm” để hỏi cách thức điều khiển lớp: “Khi hô các bạn xếp hàng, giữ yên trật tự, bạn hô như thế nào? Giờ  truy bài thì hô ra sao? Ngày thường mình vẫn nghe nhưng không chú ý lắm, giờ bạn giúp mình với...”. Được hỏi “kinh nghiệm”, “cựu lớp trưởng” liền hào hứng, nhiệt tình lấy giấy bút ra ghi cho bạn ngay. Có em thì về nhà hỏi bố mẹ cách thức điều khiển lớp học sao cho trật tự, quản lớp tốt khi vắng GVCN, làm thế nào để được bạn bè tín nhiệm... Trong quá trình “tiếp quản” công việc mới, không phải HS nào cũng nhanh chóng thích nghi, có em mất một tuần, lại có em đến cận ngày “bổ nhiệm” mới làm quen với công việc. Dù vậy, tâm lý chung là rất phấn khởi, hào hứng...

 Lớp trưởng Nguyễn Minh Trí đang điều khiển lớp ôn bài. Ảnh: P.T

Cô Ánh Thu nhận xét: “Tôi thấy đó là sự thay đổi, luân phiên rất hợp lý. Thực tế hiện nay, có rất nhiều HS ở nhà được cha mẹ chiều chuộng, bảo bọc quá kỹ nên rất nhút nhát, rụt rè. Việc luân phiên các chức danh cán sự lớp đã giúp các em dạn dĩ, tự tin hơn. Không những thế, qua việc thay đổi, luân phiên các chức danh cán sự lớp, hoạt động của giờ sinh hoạt lớp có hiệu quả, sôi động hơn...”. Được biết, nhờ sự luân phiên thay đổi chức danh lớp trưởng, tổ trưởng, tổ phó mỗi tháng/lần, nên trong một năm, hầu hết các HS trong lớp đều có cơ hội để trở thành cán sự lớp. Khác với lớp trưởng, tổ trưởng, tổ phó lại làm những công việc mang tính “chuyên môn” hơn như giúp lớp trưởng kiểm tra vở học của các bạn, xem các bạn có làm bài tập ở nhà không, ghi tên những bạn được điểm tốt trong từng tuần để GVCN căn cứ đó có chế độ tuyên dương, khen thưởng... Thông qua mô hình thay đổi chức danh cán sự lớp hàng tháng, mỗi HS trở nên có trách nhiệm với công việc, có ý thức hơn trong việc tự rèn mình. Em Nguyễn Minh Trí- lớp trưởng tháng đầu tiên năm học mới 2012-2013 của lớp 3/1, nói: “Em thấy mình càng phải cố gắng, nỗ lực hơn trong học tập, cố gắng không nói chuyện trong lớp để làm gương cho các bạn, để không “xấu hổ” với chức danh lớp trưởng của mình”...

Được biết, hiện cũng có một số trường học trên địa bàn TP thực hiện mô hình thay đổi cán sự lớp và đều nhận được những hiệu quả đáng mừng. Tạo điều kiện cho các em tự tin hơn vào chính mình, giúp các em năng động, dạn dĩ hơn. Đó chính là kỹ năng mềm mà các em cần có trong quá trình học tập, rèn luyện dưới mái trường...

P.Nết