Luật tiếp cận thông tin: Người dân có quyền yêu cầu thông tin, cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp

Thứ ba, 24/07/2018 15:00

Luật Tiếp cận thông tin (TCTT) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2018. Vậy, Luật TCTT có hiệu lực, người dân có những quyền gì, được tiếp cận những thông tin gì..., P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông Tạ Tự Bình- Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Đà Nẵng.

Ông Tạ Tự Bình.

P.V: Ông có thể cho bạn đọc biết một số điểm cơ bản của Luật TCTT? Luật TCTT quy định công dân được và không được tiếp cận những thông tin gì và TCTT  bằng cách nào?

Ông Tạ Tự Bình: Luật TCTT được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 11, ngày 6-4-2016 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2018. Theo quy định của luật: Thông tin công dân không được tiếp cận gồm thông tin thuộc bí mật nhà nước, bao gồm những thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác theo quy định của luật; thông tin mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; gây nguy hại đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác; thông tin thuộc bí mật công tác; thông tin về cuộc họp nội bộ của cơ quan nhà nước; tài liệu do cơ quan nhà nước soạn thảo cho công việc nội bộ.

Thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện, bao gồm: Thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh được tiếp cận trong trường hợp chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó đồng ý. Thông tin liên quan đến bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân được tiếp cận trong trường hợp được người đó đồng ý; thông tin liên quan đến bí mật gia đình được tiếp cận trong trường hợp được các thành viên gia đình đồng ý.

Điều 10 Luật quy định công dân được TCTT bằng hai cách thức, đó là tự do tiếp cận với thông tin được công khai và yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp. Với thông tin đơn giản, có sẵn có thể cung cấp ngay thì người yêu cầu CCTT được trực tiếp đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp tài liệu hoặc yêu cầu cung cấp ngay bản sao, bản chụp tài liệu. Với thông tin phức tạp, không có sẵn mà cần tập hợp từ các bộ phận của cơ quan đó hoặc thông tin cần thiết phải có ý kiến của cơ quan, tổ chức, đơn vị khác thì chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ, cơ quan được yêu cầu phải thông báo cho người yêu cầu đến trụ sở để đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp tài liệu hoặc nhận bản sao...

P.V: Quy định mới trong Luật TCTT là Nhà nước phải công khai thông tin nhưng hình thức công khai như thế nào là vấn đề người dân đặc biệt quan tâm.  Ông có thể cho bạn đọc rõ hơn về các hình thức công khai này?

Ông Tạ Tự Bình: Theo Luật TCTT, Nhà nước phải công khai thông tin trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử. Luật TCTT cũng quy định căn cứ vào điều kiện thực tế, cơ quan nhà nước chủ động đăng tải thông tin khác do mình tạo ra trên trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử. Do đó, Luật cũng yêu cầu cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước phải được liên kết, tích hợp với cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan trực thuộc để cập nhật thông tin, tạo thuận lợi cho công dân trong việc tìm kiếm, khai thác thông tin. Bên cạnh đó, việc công khai thông tin còn được thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, Luật TCTT còn quy định việc công khai thông tin bằng hình thức đăng Công báo, niêm yết được thực hiện theo quy định của pháp luật. Ngoài các hình thức công khai thông tin được quy định cụ thể, Luật TCTT quy định: “Các hình thức khác thuận lợi cho công dân do cơ quan có trách nhiệm công khai thông tin xác định”.

P.V: Để Luật TCTT phổ biến rộng và hiệu quả, tại thành phố Đà Nẵng việc triển khai Luật TCTT được Sở Tư pháp thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Tạ Tự Bình: Để triển khai Luật TCTT trên địa bàn thành phố, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND thành phố có kế hoạch tổ chức Hội nghị triển khai Luật TCTT cho đội ngũ cán bộ các sở, ban, ngành và đoàn thể, UBND quận, huyện; đồng thời tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành và đoàn thể, UBND quận, huyện khẩn trương xây dựng, ban hành Quy chế nội bộ về tổ chức cung cấp thông tin thuộc phạm vi trách nhiệm của mình, bảo đảm theo quy định của Luật tiếp cận thông tin. Căn cứ vào điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị mình, chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết cho việc cung cấp thông tin cho công dân; tổ chức rà soát, phân loại, kiểm tra và bảo đảm tính bí mật của các thông tin do cơ quan, đơn vị tạo ra; duy trì, lưu giữ, cập nhật cơ sở dữ liệu thông tin mà cơ quan, đơn vị mình có trách nhiệm cung cấp cho công dân, bảo đảm thông tin có hệ thống, đầy đủ, toàn diện, kịp thời, dễ tra cứu.

Việc thực hiện Luật TCTT là công việc khá mới mẻ và cần phải có những điều kiện và nguồn lực cần thiết để đáp ứng quyền tiếp cận thông tin của người dân nên các cấp, các ngành cần phải hết sức quan tâm, tích cực và chủ động. Việc tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật TCTT và Nghị định số 13/2018/NĐ-CP của Chính phủ là một trong những việc làm hết sức cần thiết thể hiện tinh thần công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của Nhà nước, qua đó đáp ứng ngày càng tốt hơn quyền TCTT, một trong những quyền cơ bản của công dân.

P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

TRANG TRẦN (thực hiện)