Lực lượng CAND và QĐND phối hợp thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển
Nhân kỷ niệm 74 năm Ngày thành lập QĐND (22-12-1944-22-12-2018); 29 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 - 22-12-2018), Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an có bài viết quan trọng: "Công an nhân dân và Quân đội nhân dân phối hợp, hiệp đồng thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Báo Công an TP Đà Nẵng xin trân trọng giới thiệu bài viết.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm |
1. Trải qua các giai đoạn cách mạng, kế thừa truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông, tiếp thu những thành tựu, kinh nghiệm thế giới, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, không ngừng đổi mới, hoàn thiện tư duy về bảo vệ quốc phòng, an ninh, trong đó có bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực biển, đảo, coi đây là một thành tố đặc biệt quan trọng của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc VNXHCN.
Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 09-02-2007 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 xác định định hướng chiến lược quốc phòng, an ninh; Đại hội lần thứ XI khẳng định "Mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững chủ quyền biển đảo" (1), đồng thời xác định rõ mục đích, yêu cầu kết hợp đối ngoại với an ninh, quốc phòng nhằm "giải quyết các vấn đề tồn tại về biên giới, lãnh thổ, ranh giới và thềm lục địa với các nước liên quan" (2). Ngày 22-10-2018, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; trong đó xác định: "Tăng cường năng lực bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật trên biển" là một giải pháp chủ yếu để thực hiện thắng lợi Chiến lược.
Quán triệt thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, lực lượng CAND, QĐND đã phối hợp hiệp đồng chặt chẽ, thường xuyên trao đổi thông tin, chủ động nắm chắc tình hình, thống nhất nhận định đánh giá tình hình khu vực biển, nhất là quan điểm, đối sách, hoạt động của các nước liên quan Biển Đông, tình hình ANTT tuyến biên giới biển, âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, các hoạt động tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến vấn đề biển, đảo..., phối hợp chặt chẽ, thống nhất tham mưu với Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, giải pháp có ý nghĩa chiến lược trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biển đảo, xử lý tốt các tình huống phức tạp trên biển và ven biển. Hai lực lượng đã chủ động phối hợp xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các phương án, kế hoạch bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội, đối ngoại của đất nước, hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, hội nghị quốc tế diễn ra tại khu vực ven biển, hải đảo, nổi bật là bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các sự kiện Năm APEC 2017, Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng, góp phần quan trọng vào những thành công trong tiến trình hội nhập quốc tế, triển khai đối ngoại đa phương, củng cố xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển, nâng cao vai trò, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Lãnh đạo hai Bộ rất quan tâm chỉ đạo xây dựng, bổ sung, điều chỉnh các phương án, kế hoạch phối hợp phòng, chống gây rối ANTT, bạo loạn, khủng bố tại các mục tiêu, địa bàn trọng điểm; tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ, chiến đấu phòng thủ, phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; góp phần giải quyết kịp thời, hiệu quả các tình huống phức tạp nảy sinh, ngăn ngừa những thiệt hại về tính mạng, tài sản, được nhân dân đồng tình và đánh giá cao. Thông qua các hoạt động TTKS và thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh, cư trú, phương tiện, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, hoạt động kinh doanh lưu trú, CAND, QĐND đã phối hợp đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý từ sớm các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, tổ chức thành công nhiều chuyên án, phá nhiều vụ án lớn, qua đó kiềm chế sự gia tăng của tội phạm và các tệ nạn xã hội, tạo chuyển biến tích cực về TTATXH ở các địa phương ven biển.
Hai lực lượng đặc biệt quan tâm, phối hợp tham mưu, thực hiện nhiều giải pháp sáng tạo, đạt hiệu quả cao về công tác dân vận; xây dựng hàng nghìn bến bãi, tổ tàu thuyền an toàn; bố trí các tổ công tác liên ngành bám dân, bám địa bàn, giải quyết các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện trong nhân dân, những vấn đề phức tạp trong dân tộc, tôn giáo; tổ chức hoạt động tình nghĩa; hỗ trợ nhân dân lao động sản xuất, chăm sóc sức khỏe; tích cực tham gia thực hiện các kế hoạch của địa phương về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Mối quan hệ mật thiết, mang đậm bản chất cách mạng, kế thừa sâu sắc truyền thống yêu nước quý báu của dân tộc giữa CAND và QĐND là yếu tố quan trọng trong việc nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm an ninh, an toàn trên biển; điều chỉnh mở rộng chiến lược quốc phòng bao gồm cả đất liền và biển đảo theo nguyên tắc bảo vệ từ xa, từ sớm; xây dựng và củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và "thế trận lòng dân" khu vực biển ngày càng vững chắc, giữ ổn định chính trị xã hội để phát triển đất nước.
2. Trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, vấn đề giải quyết tranh chấp, bảo vệ chủ quyền, lợi ích giữa các quốc gia trên Biển Đông; ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nước biển dâng trở thành vấn đề toàn cầu. Ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững, bảo vệ vững chắc chủ quyền, ANTT khu vực biển đảo vẫn là những khó khăn, thách thức lớn. Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) xác định tầm nhìn đến năm 2045 "Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng XHCN; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương", thể hiện quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị, toàn dân, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cấp các ngành, trong đó các lực lượng CAND và QĐND.
Để tổ chức thực hiện hiệu quả giải pháp trọng tâm "Tăng cường năng lực bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật trên biển", công tác phối hợp, hiệp đồng giữa CAND và QĐND cần được nâng lên tầm cao mới, chủ động, chặt chẽ hơn, trở thành nguồn sức mạnh để phát triển kinh tế biển bền vững, xây dựng, phát triển và bảo vệ vững chắc Tổ quốc VNXHCN, cần chú ý một số nội dung sau đây:
(1) Phối hợp triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TW và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về bảo đảm ANTT, xây dựng khu vực ven biển, hải đảo thành các khu vực phòng thủ vững chắc. Tăng cường phối hợp tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn dân trong bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ ANTT khu vực ven biển, đảo; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các sự kiện chính trị, văn hóa, đối ngoại quan trọng diễn ra tại khu vực biển.
(2) Tiếp tục phối hợp làm tốt công tác nắm tình hình, chủ động trao đổi, thống nhất đánh giá, dự báo tình hình liên quan đến nhiệm vụ quốc phòng, an ninh khu vực ven biển, trên biển, đảo; kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước có giải pháp phù hợp, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Tập trung rà soát, hoàn thiện các phương án, kế hoạch phối hợp, hiệp đồng giữa hai lực lượng và chủ động sẵn sàng ứng phó với các tình huống phức tạp xảy ra về ANTT tại khu vực ven biển, các tình huống quốc phòng trên biển, nhất là các tình huống an ninh phi truyền thống do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường.
(3) Phối hợp tham mưu với Đảng, Nhà nước thể chế hóa quan điểm phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm QP-AN, bảo đảm kết hợp chặt chẽ, hài hòa quốc phòng, an ninh với phát triển KT-XH khu vực biển, đảo trong từng chiến lược, bước đi, chính sách phát triển và trong từng dự án đầu tư. Tập trung phối hợp rà soát, bổ sung các quy định, quy trình, thủ tục, điều kiện đầu tư các dự án phát triển KT-XH khu vực biển liên quan đến QP-AN, nhất là các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, các dự án của tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoặc các dự án thuê sử dụng đất ven biển, mặt biển lâu dài. Chủ động phát hiện, phối hợp ngăn chặn hoạt động lợi dụng hợp tác nghiên cứu, đầu tư, kinh doanh, du lịch khu vực biển... để gây phương hại đến an ninh, lợi ích quốc gia Việt Nam. Nghiên cứu, đề xuất quy hoạch khu vực dành riêng cho nhiệm vụ QP-AN trong quá trình xây dựng Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ.
(4) Tăng cường phối hợp bảo đảm an ninh, an toàn cho dân cư, người lao động và các hoạt động kinh tế khu vực biển; bảo vệ tàu cá, ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản trong vùng biển Việt Nam, ngư trường truyền thống; điều tra, xử lý các trường hợp tổ chức đưa tàu cá và ngư dân ra nước ngoài khai thác hải sản trái pháp luật. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, mua bán người, buôn lậu đường biển. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ANTT, nhất là trong quản lý cư trú, quản lý xuất, nhập cảnh, quản lý người nước ngoài, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trọng tâm tại các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu du lịch, dịch vụ, cảng biển.
(5) Chăm lo, phối hợp xây dựng CAND và QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm nòng cốt bảo vệ chủ quyền, bảo đảm ANTT khu vực biển; lấy vững mạnh về chính trị tư tưởng, tăng cường tính Đảng, tính nhân dân, đề cao ý thức trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật là nền tảng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân. Phát huy vai trò của báo chí CA,QĐ tuyên truyền về những chiến công, thành tích của lực lượng vũ trang trong bảo đảm QP-AN, bảo đảm trật tự trị an và an toàn cho nhân dân và các hoạt động kinh tế khu vực biển, đảo, gương người tốt, việc tốt trong thực hiện phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng nền an ninh nhân dân gắn với nền quốc phòng toàn dân; đấu tranh phản bác kịp thời những luận điệu sai trái, thù địch chia rẽ, "phi chính trị hóa" lực lượng vũ trang.
Tiếp tục phối hợp nghiên cứu, đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 77/2010/NĐ-CP, trong đó có cụ thể hóa các nội dung phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT và nhiệm vụ quốc phòng tại khu vực biển, đảo phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.233
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.139