Lực lượng vũ trang chủ động giúp dân phòng chống, khắc phục hậu quả bão số 11

Thứ tư, 16/10/2013 09:58

(Cadn.com.vn) - Bão số 11 với tên quốc tế Nari đã đổ bộ vào đất liền và hậu quả của nó để lại vẫn chưa thể thống kê được. Trước, trong và sau bão, CATP Đà Nẵng và các đơn vị quân đội đóng chân trên địa bàn đã chủ động xây dựng kế hoạch cùng người dân phòng, chống và khắc phục hậu quả.

Những hình ảnh đó càng tô thắm tinh thần "vì nhân dân phục vụ", "quân với dân như cá với nước".

Thiếu tướng Phạm Quang Cử phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: A.T

Tại Đà Nẵng: Chiều 15- 10, Đoàn công tác của Bộ Công an do Thiếu tướng Phạm Quang Cử - Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Hậu cần Kỹ thuật - Bộ Công an có buổi làm việc với CATP Đà Nẵng về công tác khắc phục hậu quả do bão số 11 gây ra.

Thay mặt Đảng ủy, Giám đốc CATP, Đại tá Lê Văn Tam - Thành ủy viên, Phó Giám đốc CATP báo cáo sơ lược về tình hình với đoàn. Theo đó, sau khi nhận được chỉ đạo về công tác phòng, chống đối với cơn bão số 11, Giám đốc, Ban chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu, Phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn CATP tổ chức họp chỉ đạo, triển khai phương án ứng phó với cơn bão Nari và triển khai đến công an các đơn vị, địa phương; huy động 100% CBCS ứng trực, tổ chức chằng chống trụ sở, cơ quan, doanh trại, bảo quản hồ sơ, tài liệu; Phối hợp với UBND các quận, huyện di dời nhân dân đến nơi an toàn; phối hợp với BĐBP thành phố nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, quản lý và thông báo kịp thời cho các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến của bão để có phương án phòng tránh, tổ chức bắn pháo hiệu báo bão theo quy định.

Phòng CSGT phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP, Sở GTVT tổ chức đưa toàn bộ tàu thuyền neo đậu trên sông Hàn vào tránh ở Âu thuyền Thọ Quang và vịnh Mân Quang. Các quận Sơn Trà, Thanh Khê, Liên Chiểu bố trí lực lượng đưa ghe thuyền công suất nhỏ và thúng máy neo đậu dọc các bãi ngang lên bờ tránh bão. CAH Hòa Vang huy động lực lượng công an xã, công an huyện phối hợp với Huyện đội tổ chức tuần tra, túc trực các hồ chứa nước trên địa bàn phòng chống nước tràn, chủ động triển khai lực lượng cứu hộ để xử lý sự cố phát sinh... Giám đốc CATP còn lập các đoàn do lãnh đạo CATP dẫn đầu đi chỉ đạo, kiểm tra trực tiếp tại các đơn vị, địa phương.

Trước, trong và sau khi bão đổ bộ, lãnh đạo, CBCS các đơn vị, địa phương đã tổ chức lực lượng ứng trực nghiêm túc theo phương án từ trước. Trong đó, Phòng CSGT, Công an các quận Sơn Trà, Thanh Khê, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn đã phối hợp với BĐBP TP, Thủy đoàn 2-Cục C68 tổ chức hướng dẫn, sắp xếp 12 tàu du lịch, hơn 1.500 lượt tàu đánh cá vào trú bão an toàn tại Âu thuyền Thọ Quang và vịnh Mân Quang; kéo hàng trăm thuyền, thúng nhỏ lên bờ tránh, trú bão.

CBCS BĐBP TP Đà Nẵng giúp bà con nhân dân P. Thọ Quang, Q. Sơn Trà dựng lại nhà cửa.  Ảnh: B.V

CA các đơn vị, địa phương đã vận động di dời 6.492 hộ với hơn 42.000 nhân khẩu, trong đó có hơn 20.000 SV đến nơi tránh, trú an toàn; giúp 63 hộ dân chằng chống nhà cửa; khảo sát 24 điểm nguy hiểm, có nguy cơ ngập úng, sạt lở bố trí lực lượng ứng trực, hướng dẫn nhân dân; tổ chức phân luồng giao thông trên QL1A, các tuyến đường, cầu nguy hiểm. Đến 1 giờ 26 ngày 15-10, hướng dẫn không cho tham gia giao thông trên Ql1A, trú tại các cây xăng đến 7 giờ sáng mới cho lưu thông trở lại bình thường...

Đặc biệt, trong thời gian bão đổ bộ, dù đêm khuya nhưng các đơn vị, địa phương vẫn triển khai lực lượng ứng cứu, giúp đỡ nhân dân. Tiêu biểu là lúc 1 giờ ngày 15-10, CAQ Thanh Khê tổ chức lực lượng đưa một người say rượu về nhà; đưa 20 người dân ở vùng nguy hiểm về trụ sở CAQ tránh bão an toàn.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thiếu tướng Phạm Quang Cử đánh giá cao công tác triển khai phòng, chống bão số 11 của CATP và cho rằng, do ảnh hưởng của bão nên mưa lớn sẽ kéo dài, có thể gây lụt nên CATP cần tập trung thực hiện 4 nhiệm vụ ngay sau khi bão kết thúc như: Kiểm soát các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ, đường thủy và thực hiện lệnh cấm đường đối với các vị trí xung yếu; đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến; duy trì đảm bảo ANTT; hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả; tu sửa doanh trại và thống kê thiệt hại của các đơn vị, gia đình CBCS để báo cáo Bộ Công an trong thời gian sớm nhất.

Sáng 15-10, ngay sau khi bão tan, Bộ Chỉ huy BĐBP TP Đà Nẵng, cơ quan Quân sự các quận huyện đã huy động hơn 500 CBCS tham gia khắc phục hậu quả do bão số 11 gây ra. Đại tá Dương Đề Dũng - Chỉ huy trưởng đã trực tiếp đến các đơn vị, địa bàn bị thiệt hại nặng do bão số 11 gây ra chỉ đạo CBCS tích cực, khẩn trương giúp bà con nhân dân cứu kéo phương tiện, lợp lại nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh môi trường, nạo vét bùn cát và cây xanh bị đổ ngã trên các tuyến đường.

Bên cạnh đó, quân y BĐBP tổ chức phun thuốc khử trùng đề phòng các dịch bệnh, đồng thời cấp phát thuốc cho bà con đề phòng các bệnh tiêu chảy, ngoài da. Hiện nay, các đồn trạm, tổ đội công tác biên phòng đang trực tiếp xuống các địa bàn, cùng với chính quyền địa phương giúp nhân dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống.

 Lực lượng CATP dọn dẹp cây ngã đổ. Ảnh: LÊ HÙNG

Tại Quảng Nam: Bão số 11 đổ bộ vào đất liền với cường độ tăng dần bắt đầu khoảng 23 giờ ngày 14-10. Người dân được khuyến cáo không ra đường để phòng ngừa nguy hiểm có thể xảy ra. Trong khi đó, hàng trăm CBCS BĐBP, BCHQS tỉnh Quảng Nam suốt đêm không ngủ.

Thông tin nhanh với phóng viên, Thượng tá Nguyễn Trường Quy - Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Kỳ Hà cho biết: "Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện của ngư dân, trong đêm 14-10, lực lượng biên phòng cửa khẩu đã quản lý chặt chẽ toàn bộ tàu thuyền vào neo đậu tại các vũng neo đậu tàu thuyền. Các âu thuyền Tam Tiến, Tam Hòa, Tam Hải, Tam Anh Nam là nơi trú ẩn an toàn cho hàng trăm phương tiện của ngư dân Quảng Nam và các tỉnh bạn".

Chỉ huy trưởng BCHQS H. Núi Thành, Thượng tá Phan Cách cho biết: Để kịp thời giúp đỡ đồng bào vùng bị ảnh hưởng nặng của bão số 11, ngay trong đêm 14-10, Cơ quan quân sự huyện đã phân công lực lượng về tất cả các địa phương, nhất là các vùng có nguy cơ triều cường, vùng sạt lở ven sông, ven biển, vùng có nguy cơ lũ quét để sơ tán hàng nghìn người ra khỏi vùng nguy hiểm.

Sáng 15-10, Cơ quan quân sự H. Núi Thành đã thành lập 5 đội công tác về các địa phương phối hợp với lực lượng xung kích giúp đỡ nhân dân sửa chữa nhà ở, cung cấp thực phẩm và nước uống, xử lý cây cối ngã đổ để đảm bảo giao thông. Trong khi đó, để bảo vệ người và tài sản cho ngư dân và phương tiện vào neo đậu tại các vũng neo đậu tàu thuyền, Hải đội 2 thuộc BCH BĐBP tỉnh Quảng Nam đã huy động toàn bộ 100% quân số thường trực sẵn sàng nhận nhiệm vụ ứng cứu ngư dân.

Thượng tá Ngô Minh Tuấn, Hải đội trưởng Hải đội 2 cho biết: Toàn bộ tàu thuyền khi vào neo đậu đã được hướng dẫn neo đậu đúng kỹ thuật để tránh va đập và trôi dạt. Lao động trên các tàu cá được yêu cầu rời khỏi phương tiện để đảm bảo an toàn.

Nguyễn Tuấn-Bá Vĩnh-Đoàn Hữu Trung