Luôn trăn trở với nỗi đau của người bệnh

Thứ tư, 26/02/2014 09:53

(Cadn.com.vn) - Trong hàng ngàn "bút tích" chia sẻ của các bệnh nhân về Bệnh viện Y học Cổ truyền Đà Nẵng, thật hiếm tìm ra một lời chê trách về thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ tại đây.

“Điều tâm niệm lớn nhất mà tôi rút ra được trong mấy chục năm làm nghề là phải biết trăn trở với nỗi đau của người bệnh, khi đó mình sẽ tìm mọi cách để chữa khỏi bệnh cho họ, thay vì chỉ khám, điều trị theo kiểu "cho xong trách nhiệm".

Chia sẻ của BS Nguyễn Văn Ánh - Giám đốc BV Y học Cổ truyền Đà Nẵng cũng là tâm sự chung của nhiều y, BS tại đây. Và để minh chứng cho điều đó, không gì rõ nét hơn bằng chính "những lời gan ruột" từ các bệnh nhân.

Bác Trần Anh Phong (80 tuổi), nguyên Viện trưởng Qui hoạch thiết kế Nông nghiệp Trung Ương đang điều trị ở đây nói: "Thái độ của BS ở đây rất tốt, họ chăm sóc chúng tôi từng li, từng tí. Khi mới tới, tôi bị liệt, chỉ ngồi trên xe lăn, nhưng nhờ sự tận tình của BS giờ tôi có thể tự đi lại được, xương khớp không còn đau nữa, tôi rất mừng".

Tận tâm vì người bệnh, các y, bác sĩ của BV Y học Cổ truyền luôn được người bệnh yêu mến.

Tại mỗi khoa điều trị ở BV đều có một cuốn sổ để bệnh nhân chia sẻ, góp ý trong những ngày điều trị tại đây. Điều này thể hiện sự cầu thị và quyết tâm xây dựng BV thực sự là môi trường  thân thiện. Những góp ý chân thành của người bệnh đều được lãnh đạo BV xem xét, nếu đó là những sai sót thì ngay lập tức chấn chỉnh.

Nhưng đáng mừng là trong hàng ngàn "bút tích" để lại, thật hiếm để tìm ra một lời chê trách về thái độ phục vụ của các y, BS. Có chăng là sự phản ánh về hạ tầng BV chưa đáp ứng đủ khi vẫn còn những giường bệnh phải nằm ghép. Chúng tôi xin trích đăng một vài ý kiến bệnh nhân để lại trong một sự lựa chọn ngẫu nhiên. Bệnh nhân Nguyễn Xuân Nguyệt - phòng 206 viết: "Tôi là bệnh nhân bị liệt nửa mặt (sau khi phẫu thuật). Tôi vô cùng cảm ơn các BS đã có thái độ tận tình trị bệnh, đạt kết quả tốt, luôn tôn trọng, không phân biệt đối xử với bệnh nhân, điều này khiến chúng tôi được an ủi và yên tâm điều trị".

Bệnh nhân Trần Thị Lộc ở Hòa Phước, Hòa Vang viết: "Tôi bị liệt không đi lại được, nhưng đến điều trị tại BV 25 ngày đã có thể đi lại bình thường. Những ngày ở đây chứng kiến sự nhẹ nhàng, nhiệt tình của các BS, y tá, nên dù phải điều trị, chống chọi với những đau đớn bệnh tật song tôi cảm thấy rất phấn chấn, vui vẻ, càng thấm thía hơn câu lương y như từ mẫu. Tôi rất mong các BS, y tá ở đây tiếp tục phát huy tinh thần này để nhiều bệnh nhân khác cũng được niềm vui và sức khoẻ tốt như tôi". Và còn rất, rất nhiều những chia sẻ của bệnh nhân nữa mà đọc xong, thậm chí một người ngoài ngành y cũng thấy vui lây vì niềm vui của các bệnh nhân.

Ở BV Y học Cổ truyền Đà Nẵng, việc nâng cao chất lượng điều trị và sự hài lòng của bệnh nhân là "kim chỉ nam" của BV. Sự hài lòng của người bệnh không chỉ đến từ thái độ tận tâm, tận lực trong khám chữa bệnh, mà còn là cách cư xử, lễ phép. Ngay từ khi bệnh nhân vào cổng BV thì đã có các tình nguyện viên thuộc Đoàn thanh niên của BV ra tận nơi hướng dẫn chu đáo các thủ tục.

Trước đây các điều dưỡng được giao nhiệm vụ châm cứu cho bệnh nhân nhưng nay để tăng sự hài lòng của bệnh nhân thì nhiệm vụ này phải do các BS làm. Dù thiếu BS nên khi phải nhận thêm nhiệm vụ châm cứu chuyển giao từ các điều dưỡng, các BS sẽ phải tốn thêm nhiều thời gian làm việc, song không ai phàn nàn gì.

Với thái độ tận tâm vì người bệnh nên các y, bác sĩ của BV Y học Cổ truyền luôn được
người bệnh yêu mến.

BS Ánh nói: "Trước đây châm cứu chỉ tốn 10 ngàn đồng thì nay qui định mới lên 38 ngàn đồng. Tiền bệnh nhân bỏ ra nhiều hơn đòi hỏi công sức, thái độ của các BS cũng phải tận tình hơn". Với phương châm hoạt động như thế nên số người đến điều trị tại BV không ngừng tăng lên.

Qui mô của BV chỉ có 120 giường nhưng nhiều lúc lên tới 150 bệnh nhân. Trong đó rất nhiều bệnh nhân ngoại tỉnh từ Tây Nguyên, Huế, Quảng Trị, Quảng Ngãi cũng về điều trị. Đặc biệt với các bệnh nhân nghèo, dân tộc thiểu số, bên cạnh việc được miễn chi phí điều trị, BV còn miễn luôn tiền ăn.

Thế mạnh của BV là việc điều trị bệnh trĩ, phục hồi di chứng tai biến mạch máu não, các bệnh xương khớp…Phần lớn các bệnh nhân sau khi phẫu thuật tại các BV đa khoa đều trở về BV Y học cổ truyền để châm cứu, uống thuốc đông y, tập vật lý trị liệu. Thậm chí có những bệnh nhân tới BV Đa khoa đã chỉ định mổ, song khi tới BV Y học Cổ truyền kết hợp điều trị đông y đã khỏi bệnh.

BS Ánh nhớ nhất trường hợp một bệnh nhân bị trĩ biến chứng, tới cấp cứu trong tình trạng phù nề không đi đứng được, vô cùng đau đớn, song chỉ trong thời gian ngắn bằng các thủ thuật và phương pháp đông y, bệnh nhân đã khỏi hẳn, tỏ ra rất mừng rỡ. Cũng có những bệnh nhân bị đau lưng cấp, vẹo cổ cấp không đi đứng được, rất đau đớn nhưng khi tới BV chỉ sau 20 phút làm thủ thuật đã trở lại bình thường.

Lúc đó nhìn cảm xúc vui mừng của người bệnh thật khó diễn tả. BS Ánh cho rằng, hiệu quả nổi bật nhất của việc điều trị bằng đông y chính là các bệnh mãn tính (dạ dày, cột sống, khớp…). Phần lớn bệnh nhân bị bệnh mãn tính thường đã dùng rất nhiều thuốc tây, tới lúc thuốc tây không còn tác dụng gì nữa họ mới tìm tới BV để điều trị bằng đông y. Lúc này các BS phải sử dụng đông dược, các liệu pháp điều trị đơn giản để dần phục hồi cho bệnh nhân.

Bên cạnh việc thay đổi thái độ phục vụ BV còn tập trung mạnh vào chuyên môn như tăng cường hội chẩn liên khoa, liên viện với các ca bệnh khó; quản lý chặt chẽ chất lượng thuốc (trong nhiều năm qua BV chưa có trường hợp nào ngộ độc thuốc); mời các BV tuyến Trung ương chuyển giao một số kỹ thuật tiên tiến về điều trị thoát vị đĩa đệm bằng phương pháp tác động cột sống…

Với tất cả cách làm đó BV Y học Cổ truyền Đà Nẵng đang không ngừng thu hút bệnh nhân tới điều trị, được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, 4 năm liền đạt danh hiệu "Bệnh viện xuất sắc toàn diện".

Hải Quỳnh