Luồng gió mới của giáo dục mầm non

Thứ năm, 15/09/2016 09:30

(Cadn.com.vn) - Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục mầm non với mục tiêu không chỉ thực hiện phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ 5 tuổi một cách bền vững, mà còn nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Năm học 2016-2017, ngành GD-ĐT Quảng Nam tiếp tục kỳ vọng những bước phát triển mới của GDMN khi hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đã được đầu tư, trang bị bắt đầu phát huy hiệu quả.

Tạo nền tảng vững chắc

Để thực hiện nhiệm vụ phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, phát triển nguồn nhân lực. Đến cuối năm 2015, toàn tỉnh đã cơ bản xóa thôn, bản trắng về GDMN. Quy mô, mạng lưới trường lớp tiếp tục được mở rộng. Hệ thống cơ sở vật chất trường học được đầu tư theo hướng hiện đại, đạt chuẩn quốc gia.

Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Trưởng phòng GDMN - Sở GD-ĐT Quảng Nam, năm học 2015-2016, quy mô trường lớp cấp học mầm non của tỉnh phát triển so với những năm học trước, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Các huyện Điện Bàn, Nam Trà My, Tây Giang, Núi Thành đã quy hoạch đất, xây dựng mới các điểm trường, xóa những cơ sở lẻ không đảm bảo điều kiện. Tổng số lượng công trình trường học được xây mới trên toàn tỉnh là 362 công trình, trong đó có 132 phòng học, 46 nhà chức năng, 22 công trình bếp ăn, 162 vệ sinh. Đến nay, có 128/246 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, với 11 trường đạt chuẩn mức độ 2.

Bà Liên cho biết thêm: Công tác huy động trẻ đến lớp tăng so với năm học trước và vượt chỉ tiêu, nhất là tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 99,8%. Cơ sở vật chất, trang thiết bị ở các trường không ngừng được tăng cường về số lượng và chất lượng, đáp ứng cơ bản nhu cầu dạy học. 100% trẻ học tại các cơ sở GDMN đều được đảm bảo an toàn tuyệt đối, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ được nâng lên. Tỷ lệ trẻ mầm non suy dinh dưỡng thể nhẹ cân chỉ còn 9,1% (giảm 4,7% so với năm học trước), tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi còn 9,6% (giảm 3,1% so với năm học 2014-2015). Theo đó, tháng 9-2015, tỉnh Quảng Nam đã được Bộ GD-ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập GDMN 5 tuổi.

Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Nam không ngừng được nâng cao.

Nâng cao chất lượng 

Với chủ trương huy động cả hệ thống chính trị vào thực hiện công cuộc phổ cập GDMN, Quảng Nam luôn ưu tiên đầu tư cho phát triển giáo dục. Trong đó, ưu tiên hàng đầu xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, công tác phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi đang được những kết quả vững chắc, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ nâng cao toàn diện.

Không dừng lại ở mục tiêu thực hiện thành công công tác phổ cập GDMN, tỉnh Quảng Nam còn đề ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nhằm cụ thể hóa kế hoạch hành động của ngành GD-ĐT thực hiện Nghị quyết số 29 và chương trình hành động của Tỉnh ủy về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Theo ông Hà Minh Quốc – Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng GDMN, năm học 2016-2017, tỉnh tập trung tăng cường phát triển mạng lưới trường lớp tại các khu công nghiệp, khu đông dân cư; ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho các vùng khó, đẩy mạnh xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ trong các cơ sở GDMN; tăng cường các điều kiện để nâng cao chất lượng Chương trình GDMN, đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm “lấy trẻ làm trung tâm”. Đặc biệt, nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú cho trẻ; hỗ trợ thực hiện chương trình GDMN ở các vùng khó khăn; tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số. Toàn tỉnh huy động nguồn lực để duy trì bền vững kết quả phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi; phấn đấu thực hiện tỷ lệ huy động trẻ ra lớp đạt từ 20-22%, trẻ mẫu giáo đạt từ 88-90%.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT Quảng Nam thể hiện niềm tin trước những kết quả của công cuộc thực hiện Nghị quyết 29 và thành quả từ nhiều quyết sách mang tính đột phá của chính quyền địa phương trong những năm qua sẽ là tiền đề để ngành tiếp tục thực hiện một cách quyết liệt, hiệu quả. Trong đó, ngành GD-ĐT sẽ tiếp tục đổi mới phương pháp dạy - học gắn với  đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục theo hướng đánh giá người học.

Khải Minh