Lưu giữ giá trị văn hóa cơ sở

Thứ năm, 28/11/2019 13:00

Dân làng Túy Loan (xã Hòa Phong, H. Hòa Vang) tổ chức lễ Rước sắc khai hội đình làng.

Với người dân nông thôn Hòa Vang (TP Đà Nẵng), mỗi di tích cổ xưa đều gắn với rất nhiều thăng trầm lịch sử của dân làng, để rồi trong tâm thức của người đi xa mỗi lần nghĩ về nơi "chôn nhau, cắt rốn" lại thấy đau đáu, còn người ở lại thấy mình cần có trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ, phát huy. Vì thế, trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, Hòa Vang chủ trương nghiên cứu cụ thể từng vùng, miền có những đặc điểm khác nhau để làm thế nào vừa giữ được dáng dấp của làng quê, vừa đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương.

Theo cụ Trần Thống (thôn Bồ Bản, xã Hòa Phong), những người có tuổi như ông rất lo sợ thời gian sẽ làm mất dần đi những giá trị văn hóa làng, sợ cuộc sống xô bồ của lớp trẻ sẽ không giữ nổi những gì mà cha ông ngày xưa để lại. Ở quê ông, riêng vấn đề bê-tông hóa giao thông nông thôn xây dựng nông thôn mới (NTM) cũng trăn trở, suy tính nhiều lắm. Không ít người đã tự nguyện hiến đất mở đường để giữ lại những di tích cổ xưa. Bởi dù có thay đổi, có công nghiệp hóa như thế nào đi chăng nữa thì vẫn phải lưu giữ nét quê, không chỉ trong không gian, cảnh vật mà trong cả tình cảm con người "tối lửa, tắt đèn" bên nhau... Cùng với đó, mặc dù đất nông nghiệp bị thu hẹp, đa số hộ dân nằm trong vùng giải tỏa, di dời nhưng cứ đến mồng 1-10 Âm lịch hằng năm, người dân thôn Phú Hòa 1 (xã Hòa Nhơn) lại tề tựu ở miếu làng tổ chức lễ Xuống đồng với đầy đủ nghi thức, hình thức diễn xướng phác họa lịch sử phát triển của một làng quê từ xa xưa đến hiện đại nhằm lưu giữ truyền thống và tinh thần cố kết cộng đồng bền chặt...

Còn ở làng Quá Giáng (xã Hòa Phước), điều đặc biệt là tồn tại song song với vẻ bề ngoài đầy dáng dấp đô thị, nơi đây vẫn thấp thoáng một làng quê cổ kính đang được người dân gìn giữ như tài sản vô giá của cả cộng đồng. Tâm điểm của không gian ấy chính là sự hiện hữu của 3 di tích: Nhà thờ chư phái tộc làng Quá Giáng được công nhận là Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia; Đình làng Quá Giáng và nhà thờ tộc Đinh được TP công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa và Kiến trúc nghệ thuật. Bên cạnh đó, điều giúp các tộc họ làng Quá Giáng lan tỏa chính là những nếp nhà được lớp người cao tuổi gìn giữ, từng ngày họ vẫn gói ghém nền nếp của gia đình để răn dạy cháu con... Ở xã Hòa Nhơn có 7/15 ngôi đình được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp TP. Những lễ hội làng nơi đây đều có lâu đời, bởi vậy đã ăn sâu vào tiềm thức, trở thành nét đẹp văn hóa, là nơi "về nguồn" ý nghĩa của biết bao thế hệ. Nét độc đáo ở mỗi lễ hội làng nơi đây là dù cuộc sống ngày càng hiện đại song mỗi người đều mong muốn được thành tâm dâng lên nơi thờ tự một vật phẩm do chính tay mình làm ra. Người thì dâng hoa, quả được trồng ở sân vườn; người thì đĩa xôi, con gà hay chục bánh nếp... cũng đều mang theo ước vọng cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Những người thôn quê hồn hậu ấy cũng vui hết mình với lễ hội, đặc biệt là những hoạt động mang tính cộng đồng của thế hệ trẻ.

Được biết, Hòa Vang là địa phương hứng chịu nhiều bão lửa trong chiến tranh, thiên tai thường xuyên xảy ra nên những loại hình di sản văn hóa bị mai một nhiều. Từ khi có Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) về việc phát huy nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", những thiết chế văn hóa truyền thống, cổ truyền dần được trùng tu, tôn tạo bằng chính sự khuyến khích của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền. Có thể nói, Nghị quyết T.Ư 5 đã thật sự kết nối những khoảng đứt gãy từ truyền thống tới hiện tại cho người dân nông thôn hôm nay... "Trong 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM, bên cạnh tiêu chí phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân, cấp ủy và chính quyền địa phương còn chú trọng tiêu chí xây dựng văn hóa, lưu giữ và phát huy những giá trị truyền thống ở các làng quê mãi trường tồn với thời gian", Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn Nguyễn Tấn Phát xác nhận.

VY HẬU