Lưu giữ nét đẹp làng quê

Thứ ba, 20/03/2018 09:47

Trong làn sóng đô thị hóa hiện nay, nhiều làng quê đã trở nên "phố hóa". Nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều nơi lưu giữ được nét đẹp lâu đời, như ở làng Bồ Bản (xã Hòa Phong, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) trước đây, nay chia tách địa giới hành chính thành các thôn Bồ Bản 1 và Bồ Bản 2. Nơi đây vẫn thấp thoáng hình ảnh của một làng quê cổ kính với ngôi đình và nhiều miếu cổ, âm linh có tuổi thọ hàng trăm năm luôn được người dân gìn giữ như tài sản vô giá của cộng đồng. "Những người có tuổi như chúng tôi rất lo sợ thời gian sẽ làm mất dần đi những giá trị văn hóa làng, sợ cuộc sống xô bồ của lớp trẻ sẽ không giữ nổi những gì mà cha ông ngày xưa để lại. Ở làng Bồ Bản, riêng vấn đề bê-tông hóa giao thông nông thôn cũng trăn trở, suy tính nhiều lắm. Nhiều người dân đã tự nguyện hiến đất mở đường để giữ lại những di tích cổ. Bởi dù có thay đổi, có công nghiệp hóa như thế nào đi chăng nữa thì vẫn phải lưu giữ nét quê, không chỉ trong không gian, cảnh vật mà trong cả tình cảm của con người "tối lửa tắt đèn có nhau" - cụ Trần Thống (86 tuổi, thôn Bồ Bản 1) chia sẻ.

Dân làng Bồ Bản đóng góp, trùng tu Di tích cổ "Dinh ông Cao Cát".

Có thể nói, nhờ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) mà làng Bồ Bản hôm nay đã thực sự khởi sắc, đường làng ngõ xóm rộng rãi, những cánh đồng xanh bát ngát không còn manh mún như trước nữa. Đời sống người nông dân ngày càng ấm no, sung túc nhờ được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất... Theo ông Nguyễn Sâm (65 tuổi, thôn Bồ Bản 2), khi đất nước thực hiện công cuộc đổi mới thì doi đất hẹp ở ngã ba sông Yên - Túy Loan này cũng bắt đầu hồi sinh. Chính quyền cùng với nhân dân đồng thuận trong "cuộc chiến" chống đói nghèo, lạc hậu. Cũng từ đó, dân làng nung nấu thêm dự định, Bồ Bản phải phấn đấu trở thành một làng văn hóa. Những người có uy tín, tâm huyết trong làng được đề cử vào Ban vận động với những tiêu chí cụ thể về kinh tế, văn hóa, giáo dục, vệ sinh môi trường... Ngoài việc Nhà nước đầu tư, bảo tồn đình làng (Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia), dân làng còn vận động, đóng góp trùng tu các miếu cổ, mộ Tiền hiền với kinh phí hàng trăm triệu đồng. Năm 1996, làng Bồ Bản được Bộ VH-TT&DL công nhận là "Làng văn hóa 20 năm"... Nhiều lão nông khác còn khẳng định: "Thế hệ chúng tôi rồi sẽ qua đi nhưng những tấm lòng ở ngôi làng nhỏ ven sông đầy ắp tình người này sẽ mãi mãi tồn tại với lịch sử, với dân tộc; mãi còn soi bóng bên các dòng sông như minh chứng với thời gian rằng, dân làng Bồ Bản sẽ không ngừng góp công sức để tạo nên những tầng vỉa văn hóa dân gian bền vững, giữ gìn truyền thống quê hương để không hổ thẹn với lớp người đi trước".

Văn hóa làng là sức mạnh nội lực để người dân chống chọi với thiên tai, vượt qua những khó khăn trong lao động, cuộc sống. Nông thôn cần thay đổi tiến tới văn minh, giàu mạnh nhưng bản sắc văn hóa làng vẫn phải được gìn giữ, phát huy tạo nền móng bền vững cho sự phát triển. Nói về kinh nghiệm xây dựng làng văn hóa, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Bồ Bản 1 Tán Văn Thạnh cho biết: "Điều cốt yếu trong công tác xây dựng làng văn hóa là phải phát huy dân chủ trong nhân dân gắn kết với việc thực hiện hiệu quả cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trước đây, nay là cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh" trên cơ sở "lấy sức dân xây dựng đời sống cho dân" đã được các tộc họ trong làng cam kết thi đua, thực hiện. Năm 2018, hai thôn Bồ Bản 1 và 2 được xã chọn đăng ký xây dựng Thôn kiểu mẫu NTM"...

Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Phong Nguyễn Thị Vân, chủ trương xây dựng NTM là chủ trương đúng, hợp lòng dân. Với người Bồ Bản, mỗi di tích cổ xưa đều gắn với rất nhiều thăng trầm lịch sử của làng, để rồi trong tâm thức của người đi xa mỗi lần nghĩ về làng lại thấy đau đáu, còn người ở lại thấy mình cần có trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ, phát huy. Vì thế, trong tiến trình xây dựng NTM, xã chủ trương nghiên cứu cụ thể từng vùng, miền có những đặc điểm khác nhau để làm thế nào vừa giữ được dáng dấp của làng quê, vừa đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương.

VY HẬU