Lý Gia võ đạo và tuyệt quyền “Miêu tẩy diện”

Thứ ba, 11/01/2011 00:00

(Cadn.com.vn) - Nhắc đến Bình Định, có lẽ trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam đều gợi lên niềm cảm mến sâu sắc về một vùng đất thượng võ lâu đời, đã hun đúc nên khí chất anh hùng bất khuất của dân tộc. Chúng tôi giới thiệu đến độc giả một trong những “cao danh” của miền đất võ, đó là Đại võ sư Lý Xuân Hỷ (71 tuổi, trú thôn Tây Phương Danh, TT Đập Đá, H. An Nhơn) - nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật tỉnh Bình Định, hội viên Liên đoàn Võ thuật thế giới… Ông còn được mệnh danh là “võ sư mèo”, bởi phái Lý gia võ đạo của ông ngoài thế mạnh gồm 2 môn roi và quyền thì còn có một tuyệt kỹ công phu nữa là bài quyền “Miêu tẩy diện” (mèo rửa mặt). Bài quyền ấy được ông Tổ của ông mô phỏng theo thế đánh nhu nhuyễn, linh hoạt của loài mèo, thể hiện được những tinh hoa, uyên thâm của nền võ học cổ truyền Việt Nam.

Biệt danh “Hùm xám Cao Nguyên”...

Trong khu vườn rộng hàng ngàn mét vuông, ngoài căn nhà mới xây, còn lại là khu đất rộng mênh mông mà bao thế hệ dòng họ Lý dùng để làm võ đường. Bên ấm trà nóng, ông dẫn tôi về một thời trai trẻ đầy oai phong của mình bằng những câu chuyện kể...

Ông bảo, phái Lý gia võ đạo đến nay (tính đến thời cháu nội) đã là đời thứ 8. Đặc điểm nổi bật nhất của Lý gia võ đạo là dùng bộ chỏ. Bởi, dựa trên vóc dáng nhỏ con nhưng cực kỳ nhanh nhẹn, dễ áp sát đối thủ nên ông tổ dòng họ Lý đã dùng bộ chỏ để sáng tạo ra cách đánh cận chiến và phát huy tác dụng tốt nhất. Kế thừa và phát huy tinh hoa võ học của dòng họ Lý qua các thời kỳ, ông đã biến bộ chỏ thành tuyệt chiêu của mình. 

Cũng chính vì ông nổi tiếng về dùng bộ chỏ nên đã khiến nhiều võ sư, võ sĩ ở khắp nơi ngưỡng mộ lẫn bất phục. Vì vậy, có người lặn lội tìm đến ông để giao lưu, học hỏi, thậm chí là để... thách đấu. Ông còn nhớ như in trận đấu tại Gia Lai vào năm 1969, khi ấy ông bị một võ sư Thái cực đạo của Quân đoàn 2 (ngụy) tên là Long khiêu chiến. Mặc dù biết ông ta đã lên đến cấp Tứ đẳng huyền đai của một môn võ Đại Hàn (Hàn Quốc), nhưng Lý Xuân Hỷ cũng muốn thử sức. “Hồi đó ông ta nặng 68kg, còn tôi chỉ 55kg. Biết tôi đang giữ chức Vô địch Cao Nguyên trung phần (các tỉnh nam miền Trung và Tây Nguyên) nên ông ta cứ huênh hoang với mọi người rằng: Đêm nay hạ Lý Xuân Hỷ, đêm mai hạ Minh Cảnh” (Minh Cảnh lúc đó là trọng tài, là thầy Quyền Anh của tôi)...

3 thế hệ dòng họ Lý gia: Đại võ sư Lý Xuân Hỷ (giữa) cùng con trai trưởng -
Võ sư Lý Xuân Vân (trái) và cháu nội Lý Xuân Vũ. 

Đến lúc thượng đài, thấy ông ta tấn công liên tục, tôi giả đò dựa dây rin, lựa thời cơ ông ta lao tới công thẳng vào mặt mình thì tôi cúi xuống, lập tức đánh vào chấn thủy của ông ta. Khi biết ông ta đã dính đòn sụp xuống, tôi câu đầu đối phương đập chỏ… Kết quả là ông ta đã bị tôi hạ gục ở nửa hiệp thứ 2 với cái răng bị gãy…” - Đại võ sư Lý Xuân Hỷ hồi tưởng.

Lần đầu tiên trong đời ông bị thua là trận đấu vào năm 1970 cũng tại Gia Lai. Năm ấy, ông với tư cách là một võ sĩ cấp tỉnh đánh với võ sư cổ truyền cấp quốc gia có tên là L.T.T, người Sài Gòn. Trận đấu đó ông bị xử thua (vì nhiều nguyên nhân không tiện nói ra), nhưng nhờ đó mà ông tiến thân cao hơn trong nghiệp võ. Điều đó được thể hiện trong câu nói của võ sư Lê Thanh Tịnh sau trận đấu, rằng: “Trong đời tôi chơi chỏ nhưng chưa gặp ai có chỏ hay như anh”.

Võ sư Hỷ tâm sự: “Vốn võ thuật tôi có được, ngoài sự chỉ dạy của cha, còn có sự giúp đỡ của nhiều sư phụ các môn phái khác như Thiếu Lâm Tự, Quyền Anh... Bởi thế, tôi được lĩnh hội nhiều cái hay, tinh hoa trong võ thuật”... Có lẽ vì vậy mà thời đó người ta gọi Lý Xuân Hỷ là “Hùm xám Cao nguyên” khi ông vô địch giải Cao nguyên trung phần nhiều năm liền.

 Đại võ đường Lý Xuân Hỷ tại Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam năm 2010.

... Và tuyệt quyền “Miêu tẩy diện”

“Võ thuật cổ truyền là sự vận dụng linh hoạt các nguyên tắc âm dương ngũ hành và quan sát từ tự nhiên để hình thành nên nhiều đòn thế chiến đấu hiểm hóc. Các đòn thế ấy chủ yếu để chống chọi với thú dữ, đối đầu với trộm cướp. Khi có giặc ngoại xâm, nó là đòn thế lợi hại để xua đuổi kẻ thù” - Đại võ sư Lý Xuân Hỷ đúc kết. Cũng chính vì nghiệm ra chân lý võ học ấy mà tổ tiên của ông đã sáng tạo ra “tuyệt quyền” để lại cho con cháu muôn đời.

Gia phái họ Lý của ông còn lưu lại sự tích rằng, vào một buổi sáng, ông tổ của ông trong lúc ngồi quan sát con mèo mới ngủ dậy thì thấy 2 chân trước con mèo đưa lên vuốt râu, xoa mặt cho tỉnh táo rồi nhẹ nhàng phốc người xuống đất. Từ sự quan sát đó, ông tổ đã sáng tạo ra bài quyền “Miêu tẩy diện”. Bài thảo này có hơn 20 động tác phỏng theo thế con mèo chuyển tải lý thuyết ẩn tàng, uyển chuyển và không gây tiếng động nhưng lại là một ẩn họa cực lớn với đối phương khi bị tấn công. Nhất là khi sử dụng tay để điểm chỉ vào tử huyệt đối phương.

Lên 10 tuổi ông bắt đầu nhập môn học võ, đến năm 12 tuổi, ông mới được cha mình là cố Võ sư Lý Tường truyền lại bí kíp “Miêu tẩy diện”. Ông cho biết, để học thuộc nó chỉ mất khoảng 2 ngày, nhưng để đánh cho ra “bộ” thì phải mất cả năm trời, với điều kiện người đó phải có năng khiếu về võ học. “Khó nhất là tập thân pháp, tập đến khi nào tới - lui uyển chuyển, mặt lắc theo bộ đồng điệu thì mới coi là đạt. Nó tha thướt, nhẹ nhàng lắm nhưng cũng mạnh mẽ và ảo diệu lắm. Tập “Miêu tẩy diện” là phải tập cho được đôi tay. Đôi tay phải cực kỳ nhanh nhẹn” - ông Hỷ thổ lộ.

Năm 1990, “Miêu tẩy diện” có dịp trình làng ra thế giới và đem lại tiếng vang lớn cho nền võ thuật cổ truyền Việt Nam khi Võ sư Hỷ hạ đo ván một võ sư người Ba Lan cao lớn, vượt hạng cân của ông gần 10kg chỉ với một chiêu trong Miêu tẩy diện. Đặc biệt là cho đến nay, người dân và giới võ học Bình Định vẫn chưa hết lời ca tụng khi ông hạ đối thủ người Italia vào năm 2007. Cũng vì ngưỡng mộ ông từ cái lần chứng kiến cú hạ đo ván vị võ sư người Ba Lan nên ông ta đã tìm đến nhà võ sư Hỷ xin thách đấu. Thấy đối thủ nước ngoài cao to, trẻ khỏe (nặng hơn ông gần 30kg), có người bảo ông không nên nhận lời, ông cười và nói: “Mình phải giữ thể diện quốc gia chứ”. Và quả thực, trận đấu mới chỉ kéo dài chừng 3 phút thì võ sư người Italia đã bị ông đánh ngã và xin gọi ông bằng sư phụ.

Ông bảo rằng, người Việt Nam học võ là để rèn luyện và “tu mình”, điều đó thể hiện rõ trong “ngũ luyện pháp”: Phong dạ đăng sơn/Hắc dạ đả quyền/Nguyệt dạ luyện kiếm/Vũ dạ cán binh/Trí dạ tọa tĩnh.

Đến bây giờ, điều mà Đại võ sư Lý Xuân Hỷ luôn canh cánh trong lòng là rồi đây liệu tinh hoa võ thuật cổ truyền của dân tộc có được phát triển. “Ngày xưa, do quy định của bản môn, không chỉ bài võ này mà còn rất nhiều môn phái khác chỉ truyền dạy cho con em trong dòng họ mình. Đã đến lúc chúng ta cần phải truyền dạy hết những hiểu biết của mình ra ngoài, nếu để thất truyền thì có tội với tiền nhân lắm” - Võ sư Lý Xuân Hỷ trải lòng. Ông bảo cái chính của sự thất truyền võ thuật là do tâm lý sợ người ta hơn mình nên không đem ra chỉ hết. Và theo ông, Việt Nam còn nhiều bí quyết võ công tuyệt diệu nữa, nhưng bằng cách nào để tìm cho ra thì các ngành chức năng liên quan cần có những biện pháp cụ thể để khuyến khích các môn phái còn “ẩn dật” sớm thể hiện “bí kíp” của riêng mình.

Doãn Nguyên Hưng