"Ma trận" thực phẩm chức năng
(Cadn.com.vn) - Thực phẩm chức năng (TPCN) hiện đang được bày bán phổ biến ở khá nhiều cửa hàng, hiệu thuốc, các Cty đa cấp, tràn lan trên các trang mạng, đủ các chủng loại bổ não, tim mạch, gan, mắt, xương, khớp, thoái hóa cột sống, đĩa đệm, tiểu đường, giảm cân, các loại mỹ phẩm làm đẹp... Các hình thức quảng cáo vô cùng cường điệu, giá cả thì không biết đâu mà lần. Cơ quan chức năng thì không thể quản lý nổi mặt hàng này về giá cũng như chất lượng.
Giá theo… "made in USA"
Khảo sát của chúng tôi tại các hiệu thuốc cũng như các Cty chuyên cung cấp TPCN trên địa bàn TP thì giá cả mỗi nơi, mỗi loại đều có sự chênh nhau rất lớn, đa số giá cả đều được nhân viên bán hàng chào theo xuất xứ của Mỹ (USA), hoặc công nghệ Mỹ, thậm chí cùng một loại có thể chênh lệch lên đến hàng trăm ngàn đồng, người tiêu dùng không biết đâu là giá chính xác của sản phẩm.
Việc giá TPCN được bày bán công khai hiện nay rất phức tạp, người tiêu dùng không biết đâu để biết được giá thực của nó. Đó là chưa nói đến kiểu kinh doanh, phân phối sản phẩm theo hình thức đa cấp như Amway, Herbalife, Visson…, giá lại càng đội lên cao hơn nhiều so với giá của nhà sản xuất. Trong khi người tiêu dùng lại có tâm lý, tiền nào của nấy, nên họ tin rằng giá cả đi kèm với chất lượng sản phẩm nên cứ mua mà không biết có thực sự là tốt hay không?
Ngay cả các cơ sở bán TPCN thường xuyên khoe sản phẩm của Mỹ để thổi giá. Ông Nguyễn Ngọc Triều, Giám đốc kinh doanh Cty XNK Nature Herl (nhà nhập khẩu TPCN Nature Herb từ Mỹ) cho biết, thị trường TPCN hiện đang phát triển khá tốt, các dòng sản phẩm của Mỹ đều sản xuất theo quy trình chất lượng rất khắt khe. Tuy nhiên, giá cả thường đắt gấp đôi gấp ba các dòng TPCN khác.
Do đó, nhiều hãng đã lợi dụng các dòng TPCN sản xuất từ Mỹ để bồi thêm những câu như công nghệ Mỹ, xuất xứ Mỹ hoặc dán nhãn mác từ Mỹ để làm giá đối với người tiêu dùng. Là người lâu năm trong nghề, Dược sỹ Trần Bá Thành, chủ hiệu thuốc Tâm Nguyện (Q. Hải Châu) cho biết, giá TPCN thường được các hiệu thuốc tự ý niêm yết giá bán, không theo quy định của hãng sản xuất, không có sự kiểm soát giá của các cơ quan chức năng, nên khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng, giá đã bị đội lên cao là điều bình thường, đó là chưa nói đến trong quá trình bán, thường chủ hiệu thuốc tư vấn cho người tiêu dùng là hàng có nguồn gốc hoặc công dụng thì lập tức người tiêu dùng tin ngay mà không phân vân về giá cả…
Theo bác sỹ Nguyễn Minh Tiến, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm Đà Nẵng, việc kinh doanh TPCN không phải là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, cũng không cần đăng ký và kê khai giá hay đăng ký giá với cơ quan quản lý Nhà nước, mà chỉ cần niêm yết và bán theo giá niêm yết tại quầy, nên tình trạng loạn giá và không kiểm soát về chất lượng là điều dễ hiểu. Vừa qua, Chi cục có tổ chức nhiều đoàn thanh tra các cơ sở kinh doanh trên địa bàn nhưng chỉ thanh tra về giấy phép kinh doanh còn giá cả, chất lượng thì chúng tôi không có thẩm quyền và cũng không thể biết được giá thành sản xuất là bao nhiêu. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý thị trường cũng chỉ kiểm tra việc cơ sở có niêm yết giá tại điểm bán hay không và bán đúng giá niêm yết hay không, còn vấn đề giá cao hay giá thấp thì nằm ngoài chức năng nhiệm vụ.
Tại các nhà thuốc TPCN đang ngày càng lấn át cả các loại thuốc. |
Tha hồ "tung hô" quảng cáo
Quảng cáo rầm rộ, lẫn lộn thật - giả hoặc thổi phồng tác dụng của sản phẩm lên đến mức "thần dược" khiến nhiều người tiêu dùng bị rối trước "cơn lốc" TPCN hiện nay, mặc cho các cơ quan chức năng Bộ Y tế đã có nhiều khuyến cáo về quảng cáo đối với TPCN. Không chỉ quảng cáo rầm rộ trên các kênh truyền hình, TPCN còn được quảng cáo trên báo, đài, trên mạng online và nhiều nhất là qua hệ thống bán hàng đa cấp. Do đó, người tiêu dùng bị choáng trong việc lựa chọn sản phẩm. Hầu hết, TPCN đều tha hồ "tung hô" quảng cáo, ví dụ mở đầu thường là hình ảnh người bệnh bị đau đầu, đau bụng, đau đại tràng, ho rũ rượi, hen suyễn, biếng ăn, cảm cúm, đau nhức các khớp xương...
Sau một hồi quằn quại, vật vã, nhăn nhó với nhiều dáng vẻ khác nhau, họ cùng uống thuốc. Thuốc thì chưa trôi khỏi miệng, người bệnh đã cười nói hớn hở, mãn nguyện chẳng khác nào "thần dược" để thu hút người tiêu dùng, một số TPCN giảm cân có nội dung quảng cáo "chỉ sau một tháng sử dụng bạn sẽ giảm từ 2-6kg, tương tự đối với TPCN dành cho sinh lý nam- nữ, giúp chị em luôn phơi phới sắc xuân, hay nam giới nhanh chóng tìm lại được "bản lĩnh" đàn ông… khiến người tiêu dùng sẵn sàng bỏ ra số tiền không nhỏ mua về sử dụng. Tuy nhiên, với sản phẩm này giá cả rất cao và người tiêu dùng phải trả cho chi phí quảng cáo lên đến khoảng 30% giá của sản phẩm.
Bác sỹ Hồ Lai Dũng, Chánh Thanh tra Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, theo quy định mới của Bộ Y tế khi quảng cáo TPCN, nội dung phải được cơ quan y tế thẩm định, xử lý nghiêm các vi phạm trong quản lý TPCN, đặc biệt là quảng cáo không đúng quy định để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, trên địa bàn TP đa số các nội dung quảng cáo TPCN đều được duyệt từ Bộ Y tế nên khi kiểm tra đa số đều có giấy phép. Hơn nữa, việc kiểm tra sai phạm trong quảng cáo rất khó khăn vì không có biện pháp để đo được chất lượng sản phẩm. Đó là chưa kể, có nhiều sản phẩm được bán qua mạng online hay mạng lưới bán hàng đa cấp khiến chúng tôi rất khó phát hiện để xử lý.
Thiết nghĩ, bên cạnh việc xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh quảng cáo thổi phồng quá mức về TPCN, thì công tác thông tin, quảng cáo TPCN cần được nhanh chóng chấn chỉnh, siết chặt hơn để bảo vệ quyền lợi chính đáng người tiêu dùng.
Xuân Đương