Má và áo dài
Tôi cứ nhớ hoài cái hình ảnh cô bé con nhỏ xíu, đứng chỉ ngang hông của má, mặc áo dài, mang guốc mộc, đi lại trước sân nhà trong nắng đẹp mùa xuân. Má kêu thợ ảnh chụp cho tôi vài tấm rồi chọn tấm ưng ý nhất phóng to ra, treo trên vách căn nhà được cất theo kiểu ba gian truyền thống. Má nói: "Để sau này nhìn vô mà nhớ mình hồi nhỏ. Mai mốt lớn lên, ra thành phố, thích váy thích áo, không biết có còn mê áo dài, áo bà ba nữa không ha". Năm tháng trôi qua, rồi má cũng mù xa trên cánh đồng đầy gió. Chị hai tôi đi lấy chồng xa. Những chiếc áo dài chị mặc thuở còn xuân sắc cũng được xếp gọn vào trong rương. Hôm chị về giỗ má, tôi thấy chị tôi thay đổi quá nhiều. Mái tóc dài ngày xưa chị cũng cắt lên cũn cỡn. Tôi thắc mắc. Chị buồn buồn ngoảnh mặt về sông: "Chị giờ có chồng, có con, suốt ngày lo chuyện đồng áng ruộng vườn, lấy thời gian đâu mà giữ hoài cái vẻ đẹp ngày xưa cũ".
Càng lớn, tình yêu áo dài càng sâu đậm trong tôi. Rồi tôi cũng đi qua cái thời nữ sinh mặc áo dài, cắp sách đi trên con đường rợp màu tre trúc. Tốt nghiệp cao đẳng, tôi về dạy trường làng. Thật ra tôi có nhiều con đường để đi, nhưng tôi vẫn thấy vấn vương miền quê yên bình đằm thắm này, luyến lưu cái dòng sông hiền lành chảy ngang qua trước nhà, mé sông có hàng phượng vĩ mùa hè lại trổ bông đỏ rực. Tôi chọn trở thành cô giáo tiểu học chỉ đơn giản vì tôi muốn trụ lại mảnh đất quê mình, muốn được mặc áo dài lên lớp. Ngày má đi xa, "di sản" mà má để lại cho chị em tôi chính là mấy cái rương áo dài của má. Má là thợ may, lại có vóc dáng đẹp nên má may nhiều áo dài lắm, mỗi bộ một màu, một kiểu khác nhau. Sau khi hai chị em tôi sòng xành, chọn lựa, cuối cùng chị dồn hết về phía tôi. "Không có cái nào vừa vặn sao Hai?" - Tôi hỏi. Chị cười hiền khô: "Vừa chứ. Vừa hết. Mà chị có mặc làm gì nữa đâu, chẳng lẽ lại mặc áo dài đi họp phụ huynh cho con à". Tôi nhìn chị, thoáng buồn. Tôi biết chị đã hy sinh cho gia đình nhỏ của mình rất nhiều.
Áo dài má để lại, tôi đem bóp eo, nới ngực… cho phù hợp với dáng mình. Dáng tôi cũng không khác dáng má bao nhiêu, ai đi sau lưng tôi cũng tưởng đâu là má. Tôi mặc áo dài, đứng xoay xoay trước bàn thờ của má, hỏi "Má thấy con mặc áo dài có đẹp không?". Má không còn, nhưng tôi cứ ngỡ đâu má vẫn hiện ra đâu đó trong ngôi nhà này, má nhìn tôi thay má nối tiếp tình yêu áo dài như con sông vẫn không ngừng tuôn chảy. Má tôi từng nói: "Áo dài là tâm hồn dân tộc. Bởi vậy má mới may áo dài, may riết nên khéo léo". Tiếng lành đồn xa, cái tiệm may nhỏ của má tôi ngày một đông hơn. Phụ nữ lấy chồng, nữ sinh đi học… đều đến đặt má tôi may áo dài. Tôi không khéo léo được như má nên không thể xoay tiếp cái bánh xe của chiếc máy may, vạch phấn lên tấm vải mềm rồi cắt xén thành từng tà áo đẹp.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Quê hương đã đổi thay ít nhiều nhưng tình yêu áo dài trong tôi vẫn không hề thay đổi. Mỗi lần diện chiếc áo dài lên người, tự dưng tôi thấy mình đẹp, đẹp một cách lạ kỳ. Đó là nét đẹp dịu dàng, tế nhị, kín đáo và tiết hạnh của người phụ nữ Việt Nam.
Hoàng Khánh Duy