Machu Picchu và lịch sử diệt vong của người Inca

Thứ ba, 12/07/2011 00:00

(Cadn.com.vn) - Hôm 7-7, người dân Peru tưng bừng kỷ niệm tròn 100 năm ngày tái phát hiện di tích Machu Picchu - phế tích thiên đường của người Inca trên dãy núi Andes – vốn được một số học giả cho là nơi khai sinh của đế chế Inca hùng mạnh nhất trong lịch sử cổ đại. Tuy nhiên, sau khi đế chế Inca bất ngờ bị diệt vong vào năm 1533. Machu Picchu cũng dần bị rơi vào quên lãng trước khi gây chú ý trở lại vào năm 1911.

Machu Picchu - tàn tích thiên đường của Inca

Machu Picchu (theo tiếng Quechua, có nghĩa là đỉnh cũ) hay còn được gọi là “Thành phố đã mất của người Inca” là một khu phế tích Inca thời tiền Columbo trong tình trạng bảo tồn tốt. Thành cổ Machu Picchu nằm ở độ cao 2.430m trên dãy núi Andes bên trên Thung lũng Urubamba tại Peru.

Vào ngày 7-7-1911, nhà khảo cổ học người Mỹ Hiram Bingham đã trở nên nổi tiếng trên khắp thế giới khi có công tái khám phá nơi này và viết một cuốn sách bán rất chạy về nó. Sau nhiều tháng phát quang rừng núi, diện mạo của Machu Pichu càng trở nên rõ ràng hơn. Di tích này ngày nay là điểm thu hút đông du khách nhất của Peru, với trung bình 1.800 du khách tới tham quan mỗi ngày. UNESCO đã công nhận Machu Picchu là Di sản Thế giới vào năm 1980 và vào năm 2007, thành cổ này được bình chọn là 1 trong 7 kỳ quan của thế giới. Theo các thông tin ghi lại, thành phố này do Sapa Inca Pachacuti xây dựng, bắt đầu từ khoảng năm 1440, và không có người ở cho tới cuộc chinh phục Peru của người Tây Ban Nha năm 1532.

 Thành cổ Machu Picchu. Ảnh: AFP

Bằng chứng khảo cổ cùng với những nghiên cứu gần đây về các văn bản thời kỳ đầu thuộc địa cho thấy, Machu Picchu không phải là một thành phố thông thường, mà chỉ là một thị trấn làm nơi nghỉ dưỡng của giới quý tộc Inca. Nơi này có một cung điện lớn và các đền đài dành cho các vị thần Inca bao quanh một sân với những công trình kiến trúc khác cho người hầu. Ước tính rằng, không quá 750 người sống tại Machu Picchu cùng một thời điểm, và có lẽ chỉ một phần nhỏ trong số đó sống tại nơi này trong mùa mưa và khi không có vị quý tộc nào tới đó.

Vì sao đế chế Inca diệt vong?

Trình độ xây dựng, nghệ thuật chiến tranh và kỹ thuật canh tác của người Inca khiến cả thế giới ngưỡng mộ suốt hàng ngàn năm qua. Tuy nhiên, cho đến nay, không ai có thể giải thích vì sao, một nền văn minh rực rỡ với 6 triệu người của Inca lại bị mấy trăm người Tây Ban Nha tiêu diệt dễ dàng.

Người Inca là một tộc người da đỏ cư trú tại miền Nam Mỹ. Từ thế kỷ XIII -XVI, người Inca đã làm chủ một vương quốc rộng lớn có mức độ tổ chức cao. Trong thời điểm mở rộng nhất, ảnh hưởng của vương quốc này trải dài từ Ecuador ngày nay cho đến Chile và Argentine (người ta gọi là Đế chế Inca). Trung tâm văn hóa, kinh tế và tế lễ là thủ đô Cuzco trong nước Peru ngày nay. Inca cũng là danh hiệu của người thống trị Vương quốc Inca và danh hiệu của một trong số nhiều bộ tộc xuất thân từ thần mặt trời Inca.

Khi đang tận hưởng cuộc sống thịnh vượng và nền văn minh rực rỡ, đế chế Inca đột ngột suy tàn vào ngày 29-8-1533 khi vị vua cuối cùng của vương triều này, Atahualpa bị thực dân Tây Ban Nha xử tử bằng cách xiết cổ cho đến chết. Theo các tư liệu truyền miệng, chính vụ ám sát bẩn thỉu này của lính thực dân Tây Ban Nha đã khiến vương triều Inca bị chia rẽ từ đó gây nêm thảm họa diệt vong cho nội bộ hoàng gia và nhanh chóng làm suy tàn cả vương quốc rộng lớn. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn một số tài liệu đưa ra những giả thuyết khác nhau về sự diệt vong của đế chế Inca là do dịch bệnh và thiên tai hoành hành.

Ngay từ vài năm trước khi người Tây Ban Nha đổ bộ vào bờ biển Peru trong tháng 4-1532, người Inca đã mắc phải những bệnh mà trước nay họ chưa từng có như đậu mùa, sởi với những hậu quả chết người. Khi quân Tây Ban Nha đến, vương quốc Inca không không còn là một vương quốc hùng cường nữa mà là một quốc gia đang chìm đắm trong cuộc chiến thừa kế giữa hai anh em Atahualpa và Huascar. Rồi khi người Tây Ban Nha có mặt ở Inca, họ mang theo cả chứng bệnh giang mai khủng khiếp lây lan khắp vương quốc này, cướp đi sinh mạng của hàng triệu người nơi đây. Cũng có nguồn tin cho rằng, chính thiên tai khắc nghiệt như hạn hán, mưa lũ, lở đất… là nguyên nhân chính khiến người Inca bị diệt vong. Khí hậu khô nóng quá khiến phần lớn cây lương thực do người Inca trồng không thể sống được và họ đã thiếu ăn từ đó.

Ngoài ra, vì là một bộ tộc da đỏ sống biệt lập với thế giới nên những cuộc tấn công của người Tây Ban Nha đã gây ra một cơn sốc kinh hoàng cho người Inca. Họ chưa từng biết đến chiến thuật mai phục và không thể nào chống lại vũ khí làm bằng thép của người Tây Ban Nha. Họ không biết đến con ngựa mà người tấn công cưỡi. Đối với họ, người Tây Ban Nha cưỡi ngựa là những sinh vật kỳ quái đến từ một thế giới khác, vì thế mà thường là họ chỉ cố gắng chạy trốn chứ không có bất kỳ một kháng cự nào.

Thanh Văn (Theo BBC, Wikipedia)