Mái ấm của người kém may mắn
(Cadn.com.vn) - Ngày 9-3, Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố Đà Nẵng khánh thành và đón tiếp những người bị bại liệt vào chăm sóc theo mô hình nội trú. Khác với nạn nhân chất độc da cam được chăm sóc ban ngày, buổi tối về với gia đình, đây là công trình nhận nuôi dưỡng tập trung những người không còn khả năng vận động, có hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo. Điều đặc biệt, đây là mái ấm được xây lên từ tấm lòng của một tỷ phú Singapore yêu thương Đà Nẵng.
Tấm lòng của người cha nuôi
Tại buổi khánh thành, ông Harold Chan (74 tuổi), người từng giữ chức vụ Kỹ sư hệ thống trong của Cty tin học lớn nhất thế giới IBM không giấu được niềm hạnh phúc vì đã xây thêm được một tổ ấm cho những đứa con nuôi kém may mắn. Cuối năm 2015, khi bỏ tiền túi 33 tỷ đồng tặng Bệnh viện Đà Nẵng chiếc máy MRI (máy chụp cộng hưởng từ) để góp phần chăm sóc sức khỏe cho người nghèo thành phố, Harold Chan nói, ông đến với Đà Nẵng một cách tình cờ nhưng sẽ đi cùng những người kém may mắn quãng đường càng xa càng tốt. Mỗi người sẽ chăm sóc họ bằng một cách khác nhau và chúng ta đều biết rằng, chỉ có tấm lòng nhân hậu, sự yêu thương mới có thể xoa dịu được những nỗi đau do chiến tranh, bệnh tật gây ra.
Phó Chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng tặng hoa cảm ơn tấm lòng của ông Harold Chan. |
Đến Đà Nẵng từ giữa năm 2015, "ông Bụt người Singapore" lặng lẽ, miệt mài đi cùng bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố, đến từng bệnh viện, từng ngôi nhà để lên kế hoạch và thực hiện nó một cách nhanh chóng. Với ông, mọi thứ đều có thể lên kế hoạch, duy chỉ có thời gian là không thể, và ông cần mọi người sát cánh để rút ngắn khoảng cách đến với những số phận cần giúp đỡ. Chưa đầy một năm, gói hỗ trợ của Harold Chan dành cho những phận đời tận cùng nghèo khó, bất hạnh là một số tiền rất cụ thể: gần 35 tỷ đồng cho chiếc máy MRI và ngôi nhà bán trú cho trẻ bại liệt cùng 36.000USD phân kỳ chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng cho nạn nhân chất độc da cam và trẻ em nghèo bất hạnh.
Tri ân tấm lòng của tỷ phú đã chọn Đà Nẵng làm quê hương thứ hai, ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP nói rằng, chính quyền thành phố trân trọng mọi tấm lòng của các tổ chức, cá nhân dành cho người nghèo, người bất hạnh. Những hiệu quả trong công tác an sinh xã hội của chính quyền những năm qua luôn có sự đồng hành của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. "Với ông Harold Chan, chỉ 11 tháng sống với Đà Nẵng, ông đã mang lại tiếng cười, niềm vui, niềm hạnh phúc cho người kém may bằng những quyết định nhanh chóng và thiết thực", ông Đặng Việt Dũng nói.
Thăm nhà nội trú chăm sóc trẻ bại liệt tại cơ sở 3 của Hội Nạn nhân chất độc da cam. |
Ấm áp "nhà thương"
40 năm qua, nhịp sống của gia đình bà Hoàng Thị Thê (trú tổ 16, P. Hòa Thọ Đông, Q. Cẩm Lệ) gắn chặt với 2 đứa con bị bại liệt. Người con đầu là anh Trần Đức Nghĩa bị liệt bẩm sinh, người thứ hai là chị Trần Thị Ty Nga đang học cấp 3 thì phải nghỉ giữa chừng vì khả năng vận động ngày càng hạn chế rồi mất hẳn. "Nhà có người bệnh thì anh biết rồi, không có cách chi mà khá lên được. Suốt ngày quanh quẩn chăm sóc chúng nó, đâu có rảnh tay mà làm được việc chi. Giờ hai anh em được nương nhờ ở đây thì mình cũng già mất rồi. Nhưng dù sao thì cũng còn thời gian mà làm việc này việc nọ", bà Thê tâm sự. Vuốt ve hai đứa cháu nằm liệt giường, bà Đinh Thị Huệ (trú thôn Phước Thái, xã Hòa Nhơn, H. Hòa Vang) kể, Lê Văn Tâm là cháu nội, Lê Đặng Ngọc Hưng là cháu ngoại, bố mẹ chúng đều vừa nghèo lại vừa bệnh tật. Nhìn những đứa cháu nằm bất động, thương đứt ruột nhưng chẳng biết làm chi, thuốc men cũng bó tay rồi, cuộc đời chúng sẽ mãi gắn liền với chiếc giường chứ không thể khác được. "Cũng tìm mọi cách rồi nhưng đành chịu, giờ gửi gắm được vào đây, được cán bộ điều dưỡng, bác sĩ chăm sóc hàng ngày cũng đỡ xót lòng. Nghe ông Chan (ông Harold Chan-P.V), bà Hiền gọi chúng là con tui cũng muốn khóc. Chúng thiệt thòi quá rồi, giờ được cưu mang cũng là may mắn", bà Huệ rưng rưng.
Bà Nguyễn Thị Hiền, cho biết, công trình nhà nội trú với diện tích 250m2 được xây dựng với giá trị 1,2 tỷ đồng do ông Harold Chan tài trợ ban đầu sẽ chăm sóc, nuôi dưỡng 15 trẻ bại liệt có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Với việc sẽ hoạt động bằng nguồn vận động tài trợ, không dùng tới ngân sách, mặc dù rất mong muốn nhưng Hội chưa thể tiếp nhận nhiều hơn. "Ngoài việc tài trợ tiền xây dựng, ông Harold Chan sẽ dành 36.000USD để trợ dưỡng cho 147 nạn nhân chất độc da cam đang được chăm sóc tập trung tại các cơ sở cùng số trẻ bại liệt mà Hội vừa tiếp nhận. Song song với việc lập kế hoạch chăm sóc, cam kết sử dụng hiệu quả nguồn tài trợ này, chúng tôi mong muốn nhận được sự giúp đỡ, đồng hành của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước để nuôi dưỡng, giúp đỡ nhiều hơn, hiệu quả hơn, lâu dài hơn cho những người bất hạnh. Chúng tôi gọi đây là "nhà thương" vì các cháu ở đây sống bằng tình thương, sự sẻ chia của mọi người", bà Hiền tâm sự.
Đông A