Mãi là niềm tự hào

Thứ bảy, 28/03/2015 07:00

(Cadn.com.vn) - Những người trong cuộc vẫn nhớ như in cuộc tấn công và nổi dậy giải phóng thành phố Đà Nẵng. Với họ, ký ức những ngày tháng 3-1975 mãi mãi là niềm tự hào...

Đại tá Lê Ngọc Bảy (An Hải Bắc-Sơn Trà-Đà Nẵng), nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 Quảng Đà:

Đại tá Lê Ngọc Bảy.

... Chiều 27-3, từ Xuyên Trà (Duy Xuyên), tiểu đoàn cấp tốc hành quân, vượt qua Xuyên Hiệp, Xuyên Thanh, rạng sáng 28-3, đến trú quân tại Điện Quang (Điện Bàn). Đơn vị khẩn trương huy động ghe thuyền của nhân dân, tổ chức vượt sông Thu Bồn, vượt đường 100, qua Điện Văn, Điện Thọ, đến khuya 28-3 dừng chân tại thôn La Thọ, xã Điện Hòa (Điện Bàn). Rạng sáng 29-3, toàn tiểu đoàn vận động đến Quốc lộ 1A, tại khu vực Quán Bốn Anh. Trên Quốc lộ 1A lúc đó có nhiều ô-tô chở nhân dân từ Đà Nẵng về lại các vùng quê. "Chúng tôi liền vận động nhân dân nhường xe cho bộ đội tiến ra giải phóng Đà Nẵng. Tôi trực tiếp chỉ huy Đại đội 1 và Đại đội 2 xuất phát trước trên 6 ô-tô. Đồng chí Lê Công Thạnh, Phó Chính ủy Mặt trận 4 Quảng Đà cùng đi với tôi trên xe", ông Bảy nói.

6 ô-tô chạy hết tốc lực tiến vào Đà Nẵng, đến chợ Miếu Bông, thì gặp tàn quân địch nổ súng ngăn chặn. Đồng chí Thạnh lệnh cho 2 đại đội dùng hỏa lực khống chế, tiêu diệt và tiếp tục tiến quân. Tiểu đoàn theo đường Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn) tiến vào trung tâm thành phố. Đến khu vực Cầu Vồng, ông Bảy cho bộ đội xuống xe, chia thành 2 mũi: một mũi tiến vào Tòa thị chính, Bưu điện Đà Nẵng, mũi thứ 2 khẩn trương chiếm Kho Bạc, Quân vụ Thị trấn...Ông Bảy nhớ lại: Trong buổi sáng 29-3 lịch sử ấy, quân dân ta đồng loạt tấn công và nổi dậy, các cánh quân từ phía Nam tiến ra, phía Bắc tiến vào, phía Tây tiến xuống và cùng thần tốc tiến vào thành phố. 11 giờ 30 phút ngày 29-3, cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tung bay trên nóc Tòa thị chính Đà Nẵng.

Bà Nguyễn Thị Tố Nga (P.Thanh Bình-Q.Hải Châu-Đà Nẵng), nguyên cán bộ công vận Nhà máy đèn Đà Nẵng:

Cụ Nga thường xem lại các tài liệu về ngày Giải phóng Đà Nẵng.

Cuối tháng 3-1975, tôi được giao nhiệm vụ tìm cách trở lại hoạt động tại Nhà máy đèn Đà Nẵng. Trước đó, tôi đã làm việc và tham gia hoạt động cách mạng tại nhà máy này. Tôi và các đồng chí trong Ban Cán sự Công nhân Giải phóng tích cực tuyên truyền vận động công nhân không di tản, không bỏ việc, bảo vệ trang, thiết bị nhà máy và giữ vững nguồn điện khi quân ta tiến vào thành phố. Sáng 28-3, tôi cùng một số đồng chí nhân danh đại biểu công nhân, đến gặp tên Marot, Giám đốc Nhà máy đèn Đà Nẵng, yêu cầu ông ta tạm thời cho nhà máy ngừng hoạt động để bảo vệ tài sản và ứng cho mỗi người lao động 10.000 đồng để giải quyết nhu cầu cuộc sống. Marot chấp nhận và cho thực hiện ngay những yêu cầu đó.

Khi những tên cảnh sát canh gác nhà máy bỏ chạy, chúng tôi đã thành lập đội tự vệ và tổ chức bảo vệ cả bên trong và trước cổng nhà máy. Khoảng 8 giờ ngày 29-3, trong khi tiếng súng đang nổ ran khắp nơi, anh Nguyễn Đăng Lực (phân xưởng sửa chữa) đã treo lá cờ Mặt trận trước cổng nhà máy. Tiếp đó, anh Phạm Sĩ (công nhân sửa chữa điện) cũng trèo lên nóc bồn nước treo lá cờ thứ hai. Thấy cờ Mặt trận tung bay tại nhà máy đèn, nhiều hộ dân xung quanh cũng đem cờ ra cắm trước nhà để đón chào quân giải phóng. Đến 3 giờ chiều 29-3, khi tiếng súng phía Sơn Trà vừa dứt, chúng tôi đã cho nhà máy hoạt động trở lại.

Ông Phạm Thanh Ba (tổ 22 P.Phước Ninh, Hải Châu-Đà Nẵng), nguyên Chánh văn phòng Đặc khu ủy Quảng Đà:

Ông Phạm Thanh Ba.

Sau ngày giải phóng, trên cơ sở Đặc khu ủy Quảng Đà, ta thành lập Ủy ban Quân quản (UBQQ) TP Đà Nẵng, do đồng chí Hồ Nghinh làm Chủ tịch. UBQQ các quận, huyện, xã, phường cũng nhanh chóng thành lập. Nhiệm vụ quan trọng nhất lúc bấy giờ là khẩn trương lập lại ANTT và ổn định cuộc sống nhân dân. Văn phòng Đặc khu ủy trở thành Văn phòng UBQQ thành phố, làm việc suốt ngày đêm để giải quyết cả "núi việc". Các đơn vị vũ trang tập trung ngăn chặn  nạn trộm cướp, hôi của, bảo vệ các kho tàng, trụ sở, nhất là các kho vũ khí, xăng dầu, lương thực, thực phẩm. Lực lượng công an tiến hành nhiều biện pháp nghiệp vụ khôn khéo, kiên quyết trấn áp các phần tử phản động, bắt gọn hàng trăm tên.

Dù bọn phá hoại có nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, nhưng tất cả mưu mô của chúng đều bị ta đập tan. Chỉ trong thời gian ngắn, ta đã thiết lập được kỷ cương trật tự và giữ vững cuộc sống yên bình của nhân dân toàn thành phố. Lúc ấy, việc kêu gọi sĩ quan, binh lính và công chức chế độ cũ ra trình diện được tiến hành hết sức rầm rộ. Lúc đầu họ còn dè dặt, nhưng khi thấy một số người đã ra trình diện được cấp giấy chứng nhận, đi lại công khai, thuận lợi và hoàn toàn không có chuyện "tắm máu trả thù" thì binh sĩ và công chức cũ nhanh chóng đến các điểm trình diện.

Tiếp đó, nhiệm vụ cứu đói và đưa đồng bào tản cư trở về quê cũng hết sức nhộn nhịp. Sôi nổi nhất là công tác tiếp tế cho các đoàn xe chở quân vào Nam. Cán bộ các cấp phối hợp vận động nhân dân ủng hộ tiền bạc, lương thực, thực phẩm, tổ chức gói bánh chưng, bánh tét, chế biến lương khô, sắp xếp nhu yếu phẩm vào từng bao nhỏ... Toàn thành phố nhộn nhịp như ngày hội. Người đi vận động, quyên góp, người tự nguyện mang đến ủng hộ. Các đoàn xe hối hả chở hàng hóa, thực phẩm từ trong thành phố ra Quốc lộ 1 để tiếp tế cho bộ đội. Nhân dân phấn khởi reo hò, trao quà cho bộ đội, vẫy cờ, vẫy hoa tiễn các đoàn quân vào Nam giải phóng Sài Gòn.

Lê Văn Thơm