Kỷ niệm 50 năm Chiến công Mẹ Nhu và 7 Dũng sĩ Thanh Khê (26-12-1968 – 26-12-2018)

Mãi mãi niềm tự hào

Thứ tư, 26/12/2018 11:42

Đến với thành phố biển Đà Nẵng, du khách được ngắm nhìn Tượng đài Mẹ Dũng sĩ Thanh Khê sừng sững, uy nghi đứng giữa con đường trung tâm dẫn vào thành phố. Đây chính là biểu tượng tôn vinh sự hy sinh anh dũng của Mẹ Nhu gắn liền với chiến công hiển hách của 7 Dũng sĩ Thanh Khê. Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng đã làm tượng đài bằng vỏ bom, đạn đồng thay vì làm bằng bê tông. Người nghệ sĩ này chỉ còn nhớ loáng thoáng đã dùng khoảng 7.000 vỏ, bom đạn được tập kết về khắp chợ Hàn và chân tượng đài bây giờ. Bức tượng cao gần 12 mét thành hình sau 6 tháng để kịp khánh thành năm 1985, nhân kỷ niệm 10 năm ngày giải phóng Đà Nẵng. Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng từng tâm sự: “Đạn là vũ khí giết người, với người nghệ sĩ chiến tranh là tội ác, nhưng xây dựng tượng đài người mẹ thì phải ở tấm lòng. Tượng đài tôi làm thì không thấy vũ khí. Chỉ một cánh tay người mẹ đặt vào lồng ngực và một cánh tay chỉ về phía trước”. Năm tháng qua đi, tượng đài Mẹ Dũng sĩ Thanh Khê vẫn đứng hiên ngang ngay cửa ngõ ra vào thành phố và là niềm tự hào của người Đà Nẵng.

Các đoàn đại biểu đến viếng, đặt vòng hoa tại Tượng đài Mẹ Nhu. 

Nhắc đến Mẹ Nhu (tên thật là Lê Thị Dãnh), ai cũng nhớ về trận đánh huyền thoại của 7 Dũng sĩ Thanh Khê cách đây 50 năm. Đó là, vào thời điểm rạng sáng ngày 26-12-1968, trong khi bà con vẫn chưa thức giấc thì cảnh sát dã chiến đã ập vào ngõ nhà Mẹ Nhu. Từ 3 hướng, quân địch ồ ạt kéo đến bao vây nhà Mẹ Nhu, bắc loa kêu gọi các chiến sĩ biệt động ra đầu hàng. Chúng đánh, bắt anh Hai Long (con trai Mẹ Nhu) áp tải lên xe chở đi, tra tấn Mẹ dã man rồi giết Mẹ ngay giữa sân nhà khi Mẹ không khai ra hầm bí mật chứa các chiến sĩ biệt động. Tiếp đó, bọn chúng lùng sục, xông vào hầm bí mật, nơi các chiến sĩ trong thế bị động và cô lập. Tuy nhiên, với ý chí “Có chết cũng phải đánh đến cùng”, các chiến sĩ biệt động đã quả cảm chiến đấu và phối hợp với các chiến sĩ ở nhà Mẹ Hiền đánh trả địch quyết liệt, mở đường máu cho toàn lực lượng.

Sau khi thoát ra khỏi hầm nhà Mẹ Nhu, trong làn mưa đạn của địch, các chiến sĩ biệt động tiếp tục phản công đẩy lùi 5 đợt tấn công của Mỹ-ngụy, tiêu diệt tại chỗ nhiều tên địch, làm cho chúng hoang mang, dao động. Để đối phó với một đội biệt động có 7 người trên một địa bàn hẹp, quân địch đã phải huy động thêm một tiểu đoàn thủy quân lục chiến, một đại đội lính thủy đánh bộ Mỹ với trang bị xe, pháo và máy bay, có cả cố vấn và lính Mỹ tham gia. Lúc này, ở nhà Mẹ Hiền, cảnh sát dã chiến ngụy đã bao vây, chốt chặn tất cả các đường ra vào nhưng các chiến sĩ biệt động vẫn đánh trả quyết liệt. Địch tiếp tục viện binh, dùng lực lượng mạnh để áp đảo, liên tiếp mở nhiều đợt tấn công nhưng đã gặp phải sự bắn trả, phản công quyết liệt của quân ta nên địch không sao tiến vào được. Kho chứa muối của Mẹ Hiền đã trở thành nơi quyết chiến của các chiến sĩ biệt động. Địch mỗi lúc một đông, tiếng súng nổ xen lẫn với tiếng gầm thét của máy bay chở xác lính làm cho quân địch càng hoang mang, sợ hãi. Với thủ đoạn thâm độc, địch bắt bà con mang quang gánh đến nhà Mẹ Hiền để phá kho muối nhưng thực chất là làm bia đỡ đạn cho bọn chúng. Mặc dù vậy, các chiến sĩ biệt động đã mưu trí lách mình trong đám đông thoát ra khỏi vòng vây. 4 trong số 7 chiến sĩ biệt động đã về căn cứ an toàn...

Lãnh đạo Q.Thanh Khê thăm tặng quà đối tượng nhân kỷ niệm 50 năm Chiến công Mẹ Nhu và 7 Dũng sĩ Thanh Khê.

Đến bây giờ, Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Tám, một trong 7 Dũng sĩ Thanh Khê, hiện ở P.Thạc Gián, Q.Thanh Khê vẫn nhớ như in lời yêu cầu khẩn thiết của đồng chí Nguyễn Văn Huề đối với đồng đội trước lúc hy sinh: “Đừng vì tôi mà hy sinh cả tổ. Các đồng chí hãy đi ngay đi” và anh quay sang trao súng cho tôi và dặn dò “Cầm lấy để tiếp tục chiến đấu, tôi sẽ sống chết với bọn chúng”. Chiến công Mẹ Nhu, Mẹ Hiền và 7 Dũng sĩ Thanh Khê được Đặc khu ủy Quảng Đà tuyên dương công trạng anh hùng và tháng 6-2003, nhân dân và LLVTND Quận Nhì-Thanh Khê vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ chống Mỹ cứu nước của Chủ tịch nước phong tặng. Nối tiếp truyền thống anh hùng, theo đồng chí Nguyễn Đăng Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Thanh Khê: “Với quyết tâm chính trị cao nhất của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của nhân dân, sự quan tâm ủng hộ của thành phố, sự hợp tác từ các địa phương bạn; đặc biệt là tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của mỗi CBCC thì mục tiêu, nhiệm vụ không chỉ là tham vọng mà là hiện thực rất gần, xứng đáng với những gì mà các thế hệ đi trước đã dày công xây dựng cho thế hệ hôm nay”.

PHƯƠNG KIẾM