Mai này có còn làng cổ Kon K’tu?

Thứ sáu, 18/09/2009 00:00

(Cadn.com.vn) - Làng Kon K’tu, xã Đắc Rơ Wa, TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum) được coi là làng cổ hiếm hoi còn sót lại trên địa bàn tỉnh Kon Tum hiện nay. Trước sự biến đổi từng ngày của cuộc sống hiện đại,  những ngôi nhà sàn xưa - nay đang được thay thế bằng những ngôi nhà bê-tông, cốt sắt, những lễ hội truyền thống đang dần mai một, cho dù ngành VĂN hóa đã có nhiều nỗ lực để lưu giữ... Liệu mai này có còn làng cổ Kon K’tu!?

Nét đẹp văn hóa đang mất dần

Làng Kon K’tu nằm cách TP Kon Tum chừng 10km về phía đông. Làng có 99 hộ gia đình, 538 nhân khẩu. Bà con trong buôn làng thuộc cộng đồng dân tộc Ba Na sống quần tụ bên dòng sông Đắc Kroong, những năm gần đây đời sống của bà con được khởi sắc rõ rệt nhờ biết canh tác cây cao su, bời lời, lúa nước! Giữa làng Kon K’tu là ngôi nhà rông cao sừng sững uy nghi tọa lạc. Nơi đây vào mỗi buổi sáng thứ hai đầu tuần bà con đều tập trung đầy đủ trước nhà rông để chào cờ, nghe phổ  biến những chủ trương mới của Đảng, Nhà nước, đồng thời nghe trưởng thôn đánh giá các hoạt động trong tuần qua của thôn.

Theo các già làng cao niên ở làng Kon K’tu kể lại rằng: “Kon K’tu theo nghĩa của tiếng Ba Na là làng không người, làng hoang. Từ xưa, làng này có khoảng 100 nóc nhà. Sau đó, tại đây đã xảy ra một trận đại dịch đậu mùa, người dân trong làng chết gần hết, chỉ còn lại 3 hộ gia đình, mãi đến năm 1920, làng Kon K’tu mới được tái lập”. Chúng tôi tìm gặp ông A Chưih (75 tuổi) khi nói về các lễ hội truyền thống của buôn làng nét mặt ông đượm buồn: “Lễ hội bây giờ khác trước nhiều lắm. Ngày trước, lễ hội K’lang T’nglang (bắt giọt nước) thường được tổ chức vào đầu tháng Giêng âm lịch để cầu cho mưa thuận, gió hòa mùa màng tươi tốt bội thu...

Ngày đó để tổ chức được lễ này, thầy phù thủy và già làng đứng ra tổ chức cúng tới hai ngày đêm. Dân làng phải mất rất nhiều ngày để làm máng dẫn nước về làng. Vật dẫn nước là những cây lồ ô, chặt bỏ hết mắt bên trong. Nước được dẫn từ con suối đầu làng Đắc Kơ Chăh, xa khoảng 1.000m. Đường ống được treo trên những sợi dây rừng, rồi dẫn về nhà rông của làng... Còn bây giờ tổ chức lễ K’lang T’nglang cũng rất đơn giản, chuẩn bị một con heo, mỗi nhà đóng góp một ghè rượu để uống chung là xong. Không có chuyện mời thầy cúng, thầy phù thủy như xưa... Nhưng tổ chức lễ K’lang T’nglang ở làng Kon K’tu cũng đã cách đây 5 năm rồi, mà lẽ ra mỗi năm tổ chức một lần”.

 Nhà rông Kon K’tu, nơi du khách thường ghé thăm.

Già làng A Xép cho biết thêm: "Bây giờ nhà nào cũng có giếng nước sạch, có máy bơm nước, rồi công trình nước tự chảy nữa... nên không ai còn chú trọng đến lễ hội K’lang T’nglang nữa, ít năm nữa thôi người Ba Na ở làng Kon K’tu sẽ không còn biết đến lễ hội này nữa! nó sẽ mất đi - cái bụng mình buồn lắm”.  “Ngay cả dòng sông bên cạnh làng nữa nè! Người Ba Na gọi là sông Đắc Kroong, nhưng bây giờ ai ai cũng gọi là sông Đắc BLa - thật không thể hiểu nổi!”.

Qua quan sát của chúng tôi, hiện nay làng Kon K’tu chỉ còn duy nhất một nhà sàn - được coi là còn khá nguyên bản của ngôi nhà dài cổ xưa nằm gần nhà rông của làng Kon K’tu. Ngôi nhà dài chừng 12 sải tay, loại nhà này ngày xưa thường có từ 4-6 cái bếp (mỗi bếp thể hiện một gia đình riêng), nhưng nay chỉ còn hai gia đình chung sống. Ngôi nhà cổ xưa mái được lợp bằng tranh, sàn được được lát bằng cây lồ ô, xung quanh được đan ken thành phên liếp. Tôi được già làng A Xép kéo vào thăm gia đình cặp vợ chồng A Bơn (25 tuổi) - Y Vui (26 tuổi) gia đình đang tổ chức uống rượu ghè, họ mừng xây dựng được ngôi nhà mới để ra ở riêng, với số tiền chừng 70 triệu đồng - cũng là nhà sàn nhưng rất khác xưa. Xung quanh gầm nhà được xây bằng gạch, xi-măng kiên cố. Đứng xa nhìn vào giống như ngôi nhà biệt thự. “Sao không làm theo kiểu truyền thống?” - tôi hỏi. “Ồ không được đâu, mình phải làm giống như mấy nhà trong làng Kon K’tu này thôi” - A Bơn nói.

Nếu như vài năm trước đây, làng Kon K’tu mỗi tháng đón hàng chục đoàn khách người nước ngoài đến tham quan, đêm ngủ lại cùng dân làng thì nay rất ít. “Tháng 8-2009 này chỉ đón được một đoàn khách du lịch người nước ngoài thôi. Họ đến 10 người, đêm họ đề nghị đốt một đống lửa to dưới sân nhà rông. Nam nữ thanh niên đánh cồng chiêng, múa xoang cho họ xem. Tối khách du lịch ngủ lại trên nhà rông. Họ mua một ghè rượu giá 50 ngàn đồng, trả tiền củi 50 ngàn đồng, bồi dưỡng cho đội cồng chiêng 400 ngàn đồng và riêng tiền ngủ thu 10 ngàn đồng/người. Vất vả nhưng thu không được bao nhiêu” - Trưởng thôn A Khẻo phân bua.

Ngôi nhà sàn xưa, nay được cách tân, nhìn vào giống ngôi biệt thự ở Kon K'tu.  

Đâu là nguyên nhân?

Từ năm 1998 làng Kon K’tu từng trở thành một làng du lịch sinh thái cuốn hút du khách thập phương, nhất là khách người nước ngoài. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại đang ùa vào rất nhanh ở làng cổ Kon K’tu. Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Đắc Rơ Wa (TP Kon Tum) Phan Thanh Nam cho biết: “Làng du lịch sinh thái Kon K’tu đang dần mất đi vẻ đẹp truyền thống, việc sản xuất như dệt thổ cẩm, chế tác thủ công mỹ nghệ... không còn được duy trì, đang dần mai một. Người dân vẫn chưa có ý thức cao trong bảo tồn văn hóa truyền thống, ví dụ nhà sàn được thay thế bằng nhà xây kiên cố.

* Trong thời gian qua, tỉnh Kon Tum đã có chủ trương bảo tồn và xây dựng nhà rông truyền thống, chủ trương này được người dân phấn khởi, đồng tình và góp hàng chục ngàn ngày công lao động để xây dựng nhà rông truyền thống, tính đến nay đã có khoảng 1.000 nhà rông được xây dựng.
Tuy nhiên, việc bảo tồn nhà sàn truyền thống chưa được chính quyền địa phương quan tâm đúng mức, nên những nhà sàn vì nhiều lý do khác nhau mà đang dần mất đi, thay vào đó là những ngôi nhà được xây dựng bằng xi-măng, cốt sắt, theo kiểu nhà... ở dưới đồng bằng! vào đầu năm 2008, thậm chí một số làng ven TP Kon Tum đã diễn ra rầm rộ cảnh người dân địa phương tháo dỡ nhà sàn để bán gỗ trắc cho thương lái, từng gây bức xúc trong dư luận.
Nếu trước đây nhà được xây dựng bằng những vật liệu sẵn có từ núi rừng, như mái nhà được lợp bằng cỏ tranh, cột gỗ, xung quanh đan bằng cây nứa, lồ ô... nhưng cũng phải nhìn nhận thực tế một điều rằng, làm nhà bằng loại vật liệu này thời gian sử dụng chỉ khoảng 3 năm là bị hư hỏng, và bây giờ đi lên rừng tìm kiếm vật liệu này cũng không dễ. Việc đầu tư xây dựng làng du lịch sinh thái Kon K’tu xã và thành phố đã bàn nhiều nhưng... lực bất tòng tâm! Nằm ngoài khả năng về vốn, về kinh phí để đầu tư...”.

Cũng theo ông Nam, nguyên nhân người dân trong buôn làng chưa hào hứng tham gia các hoạt động dịch vụ du lịch, mà chỉ quen với cái nương, cái rẫy làm kế sinh nhai vì người dân chưa thấy được hiệu quả kinh tế. Mà suy cho cùng là thiếu sự đầu tư, quy hoạch đúng nghĩa một làng cổ, giữ nguyên được các nét đẹp văn hóa truyền thống, nên khi du khách đến đây không còn thấy sự hấp dẫn của một làng cổ như xưa.

Trên thực tế tâm lý của nhiều khách du lịch khi đến Kon Tum đều rất thích đi thăm cảnh quan hoang dã, nguyên sơ, du lịch sinh thái nhưng đi tìm những ngôi làng cổ như Kon K’tu trước đây, bây giờ quá khó!... Liệu mai này có còn làng cổ Kon K’tu? Câu trả lời dành cho các ngành chức năng tỉnh Kon Tum.

Ánh Nguyệt