Mang chiêng đi đánh xứ Hàn

Thứ sáu, 22/09/2023 07:51
Chương trình biểu diễn đầu tiên vào chiều 16-9 của đoàn nghệ nhân Gia Lai đã gây ấn tượng mạnh đối với khán giả tại Lễ hội Âm thanh Thế giới 2023 (Jeonju International Sori Festival) được tổ chức tại TP Jeonju, tỉnh Jeollabuk, Hàn Quốc.
Cồng chiêng và các nhạc cụ tre nứa đậm chất Tây Nguyên chinh phục khán giả khó tính Hàn Quốc.
Cồng chiêng và các nhạc cụ tre nứa đậm chất Tây Nguyên chinh phục khán giả khó tính Hàn Quốc.

Chương trình gồm 7 tiết mục nối tiếp nhau của đoàn nghệ nhân Gia Lai trên sân khấu ngoài trời có mái che đã thu hút đông đảo khán giả từ khắp nơi đến thưởng thức.

Với trang phục truyền thống và phong cách trình bày dân dã nhưng không kém phần sôi động và sâu lắng, 14 nghệ nhân Gia Lai đã hoàn toàn chinh phục người xem, dù không có bất kỳ lời giải thích nào kèm theo. Mặc dù trời mưa nhẹ nhưng khán giả vẫn đến chật kín sân biểu diễn, khiến các tình nguyện viên phải kê thêm nhiều hàng ghế phụ.

Phần đông khán giả đã hết sức ngạc nhiên khi lần đầu tiên được chứng kiến dàn cồng chiêng độc đáo và sự phong phú của các nhạc cụ tre nứa đến từ vùng đất Bắc Tây Nguyên, Việt Nam. Nhiều khán giả đã cảm động và hết sức ngạc nhiên khi biết rằng các nghệ nhân của đoàn Gia Lai không phải là “dân chuyên nghiệp” mà chỉ là những người nông dân đam mê âm nhạc, quen việc ruộng rẫy, chưa từng bước lên sân khấu lớn như lần này. Nhưng chính sự chân chất của những nghệ nhân đại diện cho cộng đồng “da nâu, mắt sáng, vóc dáng hiền hòa” ấy lại có sức hút kỳ lạ với những khán giả xứ sở kim chi.

Có mặt tại Hàn Quốc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng đoàn công tác Châu Ngọc Tuấn cùng các thành viên trong đoàn đã tham dự sự kiện và dành cho các nghệ nhân những lời khen ngợi, động viên.

Lễ hội Âm thanh Thế giới là sự kiện được tổ chức thường niên ở Jeonju, bắt đầu từ năm 2001. Bên cạnh các nghệ sĩ, nghệ nhân Hàn Quốc, lễ hội năm nay thu hút 14 đoàn đến từ 11 quốc gia trên thế giới. Tại đây, các nghệ nhân của Việt Nam, Chile và Uzbekistan biểu diễn các tác phẩm âm nhạc dân gian với chủ đề “Cùng bảo tồn và phục hồi” (Co-existence and Resilience). Sự kiện năm nay diễn ra trong 10 ngày (từ 15-9 đến 24-9) với gần 90 chương trình nghệ thuật và hơn 100 buổi biểu diễn, hội thảo. Ngoài sân khấu chính ở Trung tâm Nghệ thuật Sori, lễ hội còn được tổ chức tại 14 địa điểm khác nhau của tỉnh Jeonbuk.

Đoàn nghệ nhân Gia Lai có 3 buổi trình diễn chính thức và các hoạt động hội thảo, trải nghiệm, giao lưu cùng khán giả Hàn Quốc.

G.L