Mang thai hộ mở ra nhiều hy vọng cho các cặp vợ chồng vô sinh đặc biệt

Thứ bảy, 28/03/2015 10:08

(Cadn.com.vn) - Bệnh viện Trung ương Huế (BVT.Ư) là một trong ba BV trên cả nước và BV duy nhất ở miền Trung - Tây Nguyên được Bộ Y tế cho phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ (MTH). Hiện, BV đã tiếp nhận một số hồ sơ của các vợ chồng có nhu cầu MTH. Để bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này, P.V đã có cuộc trao đổi với Th.s - BS Lê Việt Hùng - Trưởng đơn vị Hỗ trợ Sinh sản - BVT.Ư Huế.

Th.s.BS Lê Việt Hùng đang tư vấn cho một trường hợp chậm có con.

P.V: Xin BS cho biết về tình trạng vô sinh ở Việt Nam trong thời gian gần đây? Một số nguyên nhân dẫn đến vô sinh?

Th.s.BS Lê Việt Hùng: Những nghiên cứu gần đây cho thấy tỉ lệ vô sinh ở Việt Nam khoảng 8%, có khoảng  700 ngàn đến 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn, nhu cầu điều trị vô sinh hiện nay ngày càng tăng. Ở đơn vị Hỗ trợ Sinh sản BVT.Ư Huế, hằng năm chúng tôi phải thực hiện hơn 500 chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) và số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị tăng lên từng năm.

Trong đó, hầu hết bệnh nhân ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Theo thống kê, những cặp vợ chồng vô sinh, nguyên nhân dẫn đến vô sinh khoảng 40% do vợ; 30% do chồng; 10% không rõ nguyên nhân và 20% do cả vợ và chồng. Những nguyên nhân do vợ hay gặp: tổn thương vòi trứng và viêm dính hố chậu, rối loạn phóng noãn, lạc nội mạc tử cung, giảm dự trữ buồng trứng. Những nguyên nhân do chồng hay gặp là bất thường về số lượng chất lượng tinh trùng, không có tinh trùng.

Điều đáng mừng là hầu hết các nguyên nhân vô sinh nói trên đều có thể được giải quyết thông qua việc áp dụng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiện đại là kỹ thuật TTTON và các kỹ thuật liên quan. Tuy nhiên, một số cặp vợ chồng có hoàn cảnh hết sức đặc biệt chỉ có thể có con nhờ biện pháp MTH. Trước đây, phương pháp MTH đã được thực hiện thành công ở Việt Nam tại Bệnh viện Từ Dũ với sự cho phép đặc biệt của Bộ Y tế.

Từ năm 2003, kỹ thuật MTH không cho phép thực hiện ở Việt Nam. Từ đó đến nay, các cặp vợ chồng có chỉ định y khoa để thực hiện MTH phải đi nước ngoài điều trị nếu có điều kiện, hoặc chấp nhận không thể có con vĩnh viễn. Luật hôn nhân gia đình sửa đổi 2014 cho phép trở lại việc thực hiện MTH ở Việt Nam là một quyết định hết sức nhân văn, mở ra nhiều cơ hội và hy vọng cho nhiều cặp vợ chồng.

P.V: Mang thai hộ sẽ được thực hiện với những trường hợp nào? Quy trình được tiến hành như thế nào, thưa BS?

Th.s.BS Lê Việt Hùng: Kỹ thuật MTH được áp dụng cho 3 nhóm nguyên nhân chính, thứ nhất là người vợ không có tử cung do dị dạng bẩm sinh hoặc đã bị cắt tử cung do bệnh lý tử cung  hoặc tai biến sản khoa. Người vợ có tử cung nhưng tử cung bị dị dạng nặng hoặc bệnh lý nặng không thể mang thai. Thứ hai, người vợ bị những bệnh nội khoa nặng khi mang thai sẽ nguy hiểm tính mạng. Thứ ba là những trường hợp sẩy thai nhiều lần hay TTTON thất bại nhiều lần do nguyên nhân liên quan đến tử cung hoặc nội mạc tử cung.

Kỹ thuật MTH chỉ có thể được thực hiện thông qua kỹ thuật TTTON. Người vợ trong cặp vợ chồng có nhu cầu nhờ MTH sẽ được kích thích buồng trứng, theo dõi và chọc hút noãn. Noãn sẽ được thụ tinh với tinh trùng người chồng để tạo phôi. Phôi có thể được chuyển ngay vào tử cung người mang thai hộ đã được chuẩn bị bằng nội tiết hoặc phôi sẽ được đông lạnh và sẽ được rã đông và cấy vào tử cung người nhận MTH vào thời điểm thích hợp. Người chồng trong cặp vợ chồng nhờ MTH phải đảm bảo có đủ tinh trùng để TTTON và người vợ phải có dự trữ buồng trứng đủ để cho việc thực hiện TTTON.

P.V: Nhằm ngăn chặn tình trạng thương mại hóa trong việc MTH, ngành Y tế sẽ siết chặt quản lý như thế nào, thưa BS?

Th.s.BS Lê Việt Hùng: Pháp luật Việt Nam (theo Luật Hôn nhân gia đình sửa đổi 2014) chỉ cho phép MTH vì mục đích nhân đạo. MTH được giải thích là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi đã áp dụng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Đứa trẻ sinh ra được trao lại cho bố mẹ sinh học là cặp vợ chồng nhờ MTH. Con sinh ra trong trường hợp MTH là con chung của cặp vợ chồng nhờ MTH, kể từ thời điểm con được sinh ra. Nói nôm na, người MTH chỉ là cho “mượn bụng”.

Nghị định Chính phủ đã có quy định chặt chẽ về việc MTH vì mục đích nhân đạo. Trong đó, quy định rõ các điều kiện của các cặp vợ chồng nhờ MTH và người MTH; người MTH chỉ là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng của cặp vợ chồng nhờ MTH cùng nhiều quy định chặt chẽ khác về các lĩnh vực y tế, tâm lý, pháp lý. Về việc triển khai bước đầu kỹ thuật MTH, chúng tôi sẽ bám sát các điều khoản của nghị định Chính phủ và thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế quy định về sinh con bằng kỹ thuật TTTON và MTH.

Giám đốc BV thành lập Đơn vị Điều phối để rà soát tính pháp lý của các hồ sơ MTH; thành lập Hội đồng chuyên môn của BV để  tư vấn về y tế và tâm lý cho vợ chồng nhờ MTH và người MTH, đồng thời quyết định kỹ thuật TTTON; phối hợp với các Trung tâm tư vấn về pháp luật để tư vấn về pháp luật; báo cáo Bộ Y tế các trường hợp MTH có đủ điều kiện để tiến hành kỹ thuật. Tất cả việc làm này nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các cặp vợ chồng vô sinh cần sinh con qua kỹ thuật MTH có được đứa con của chính mình, đảm bảo tính nhân đạo của phương pháp MTH và tránh hiện tượng thương mại hóa và các hệ quả xấu về sau.

P.V: Dự kiến khi nào việc thực hiện MTH sẽ được tiến hành tại BVT.Ư Huế và kinh phí mỗi ca điều trị như thế nào, thưa BS?

Th.s.BS Lê Việt Hùng: Hiện tại, BV đã nhận hồ sơ của 3 cặp vợ chồng (đều ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên) có nhu cầu nhờ MTH vì mục đích nhân đạo. Trong đó, một cặp vợ chồng, vợ đã bị cắt tử cung vì u xơ tử cung; một cặp do vợ bị u xơ tử cung lớn không thể mang thai và một cặp vợ chồng đã làm TTTON nhiều lần nhưng thai vẫn không làm tổ được do nguyên nhân tử cung. Ngoài ra, có nhiều trường hợp MTH khác đang chờ làm hồ sơ. Sau khi có thông tư hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế trong thời gian sắp tới, BV tiến hành thực hiện ngay những trường hợp đầu tiên. Trước mắt chi phí thực hiện kỹ thuật cho mỗi trường hợp MTH được tính như chi phí mỗi trường hợp TTTON.

P.V: Xin cảm ơn Th.S.BS Lê Việt Hùng về cuộc trò chuyện!

Hải Lan - Thị Hòa
(thực hiện)