Mạnh tay với tình trạng chèo kéo, bu bám du khách
(Cadn.com.vn) - Ngày 7-3, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Xuân Anh chủ trì cuộc họp với các cơ quan chức năng nhằm rà soát lại việc vận hành của cơ quan thường trực chống chèo kéo, bu bám khách du lịch đồng thời đề ra các giải pháp để xử lý mạnh tay với hiện tượng này.
Đã có dấu hiệu hạ nhiệt
Đà Nẵng đã làm một việc chưa có trong tiền lệ: thành lập cơ quan thường trực chống chèo kéo, bu bám khách du lịch vào tháng 2-2013. Với sự tham gia của lực lượng Công an, Sở VH-TT &DL, Văn phòng UBNDTP, Sở Công thương, Sở LĐ-TB&XH, Sở GTVT, cơ quan này có nhiệm vụ tham mưu giúp Chủ tịch UBNDTP trong việc theo dõi, chỉ đạo công tác đảm bảo ANTT, an toàn cho du khách.
Theo đánh giá của ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT& DL, với việc thành lập và đi vào hoạt động của cơ quan này, tình trạng đeo bám, chèo kéo khách du lịch của các đối tượng cò mồi, ăn xin, ăn xin trá hình đã có giảm đáng kể. Tại khu vực trung tâm Đà Nẵng, tình trạng ép giá, nâng giá các dịch vụ, các mặt hàng lưu niệm hay taxi chở khách vòng vèo để bắt chẹt, lấy thêm tiền đã không còn.
Sở Công Thương đã vào cuộc kiểm tra, giám sát chặt chẽ và phối hợp với lực lượng chức năng xử lý kịp thời các đối tượng ăn xin trá hình ở chợ, thực hiện việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, tổ chức tập huấn về văn minh thương mại tại các địa điểm du lịch của thành phố.
Trong khi đó, với sự vào cuộc của lực lượng CA, tình hình ANTT tại các danh lam thắng cảnh và khu vực địa bàn công cộng cũng đã được đảm bảo tốt. UBND các quận huyện cũng đã nhắc nhở, cảnh cáo, xử phạt, tịch thu tang vật của hàng trăm trường hợp bán hàng rong.
Với việc đón ngày càng nhiều khách du lịch bằng đường biển, Sở VH-TT&DL cũng đã thành lập quầy thông tin du lịch trước Nhà hát Trưng Vương để cung cấp thông tin cần thiết cho du khách đồng thời có đội sứ giả du lịch hướng dẫn du khách đến các điểm du lịch. Các hãng taxi phục vụ việc vận chuyển theo sự phân công luân phiên và thống nhất một giá, phục vụ bản đồ, tờ gấp, đĩa phim giới thiệu sản phẩm du lịch miễn phí đến với du khách.
Tại một số địa điểm du lịch, đội quân chèo kéo vẫn ra sức bu bám, tấn công du khách. |
Nhưng vẫn còn “điểm nóng”
Mặc dù môi trường du lịch của Đà Nẵng đang ngày càng trong lành song theo đánh giá của các cơ quan liên quan, nếu không mạnh tay với các hành vi chèo kéo, bu bám, ăn xin trá hình, “chặt chém”, để diễn ra dai dẳng thì sẽ là điểm trừ trong mắt du khách.
Cụ thể, trong báo cáo của cơ quan thường trực chống chèo kéo, bu bám khách du lịch, các địa điểm như đỉnh đèo Hải Vân, chợ Cồn, một số tuyến đường tại trung tâm thành phố và danh thắng Ngũ Hành Sơn vẫn được coi là “điểm nóng”.
Theo khảo sát, theo dõi của ngành chức năng, “đội hình” của vấn nạn này chia làm 2 địa bàn hoạt động, trong đó tại danh thắng Ngũ Hành Sơn có 40 người và đỉnh đèo Hải Vân có 30 người. Hiện lực lượng cò mồi đang “tác nghiệp” tại trung tâm thành phố là từ đỉnh đèo Hải Vân di chuyển xuống.
Lý giải về nguyên nhân chưa giải quyết triệt để được “đội quân làm phiền” khách du lịch, các cơ quan chức năng cho rằng ngoài việc thiếu kiên quyết của chính quyền địa phương thì các tổ chuyên trách trật tự du lịch dù đã được thành lập ở một số địa phương nhưng lực lượng còn quá mỏng, còn thiếu sự chủ động trong công tác triển khai, xử lý.
Các đối tượng chèo kéo ở trung tâm thành phố chủ yếu đến từ nhiều địa phương khác nhau nên rất khó khăn trong công tác xử phạt hành chính. Cạnh đó, tại một số điểm du lịch không thực hiện niêm yết giá, thậm chí chủ cửa hàng kinh doanh còn bắt tay với các đối tượng cò mồi để “chặt chém” du khách.
Ngoài việc đề cập đến sự thiếu đồng bộ, thiếu nhịp nhàng giữa các bộ phận trong cơ quan thường trực, các ngành và các địa phương thì vấn đề cốt lõi nhất là kinh phí cho hoạt động chống chèo kéo, bu bám du khách “không đủ đổ xăng”.
Sẽ mạnh tay và quyết liệt
Để tiến tới xử lý triệt để vấn nạn chèo kéo, bu bám du khách cần phải tháo gỡ từ khâu kinh phí để tổ chức hoạt động của các tổ chuyên trách, trật tự du lịch. Tuy nhiên, kinh phí sự nghiệp cho ngành du lịch thường được phân bổ cho các nhiệm vụ cụ thể khác mà không có hạng mục này. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Xuân Anh cho rằng, nguồn thu từ du lịch thời gian qua là tương đối lớn thì chi ra một phần cho nhiệm vụ này là rất thỏa đáng.
Chính vì vậy, nếu không có trong các hạng mục của kế hoạch năm 2014 thì các cơ quan, địa phương cần nhanh chóng đề xuất kinh phí, báo cáo Sở VH- TT & DL để Sở tham mưu UBND thành phố bổ sung kinh phí. “Nhiệm vụ thì phát sinh mà không có kinh phí thì chịu. Chẳng có lý do gì khi ta thu về mà không chi ra để phục vụ lại cho nó”, đồng chí Nguyễn Xuân Anh nói.
Phó Chủ tịch UBND TP cũng chỉ đạo, để đủ sức răn đe, trong thời gian tới, cơ quan chức năng tăng cường xử phạt hành chính đối với các hành vi bán hàng rong ở những tuyến đường cấm, đeo bám, chèo kéo du khách theo Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Từ trước tới nay, mức phạt thường rất thấp nên các đối tượng không ngại, chỉ cần “cò” được một vụ là còn có tiền dư sau khi nộp phạt nên họ không “ngán”. Với mức phạt từ 1-3 triệu đồng và tịch thu tang vật liên quan đến hành vi theo Nghị định 158, lực lượng chức năng hy vọng sẽ hiệu quả hơn trong công tác xử lý.
Về việc thiếu nhân lực cho các tổ chuyên trách, ngành chức năng cũng đang kiến nghị trong năm 2014, Đà Nẵng sẽ cho thêm biên chế làm nhiệm vụ chuyên trách, được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và có thẩm quyền trong việc xử lý. Quan trọng là có chế độ chính sách để chuyên tâm cho công tác chuyên môn thay vì làm kiêm nhiệm, “không có tiền đổ xăng” như lâu nay.
Công Khanh