Mất bò mới lo làm chuồng… cũng tốt
Việc Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV) loay hoay sửa chữa bản quy chế lỗi thời sau vụ chuyển nhượng hụt của cô trò Kim Huệ giống như chuyện mất bò mới lo làm chuồng. Nhưng, ít nhất, “cái chuồng” mới khang trang hứa hẹn sẽ mở ra một chương hoàn toàn khác cho bóng chuyền chuyên nghiệp Việt Nam.
Kim Huệ cùng các học trò trở thành nạn nhân của quy chế lỏng lẻo. |
Bản quy chế lỗi thời
Cho đến tận bây giờ, vụ ồn ào xung quanh vụ chuyển nhượng hụt của cô trò Kim Huệ đến Bamboo Airways Vĩnh Phúc vẫn là câu chuyện thời sự của làng thể thao. VFV sau những động thái cứng rắn, kiên quyết trừng phạt huấn luyện viên (HLV) Phạm Thị Kim Huệ và 3 vận động viên (VĐV) Ngân hàng Công thương (NHCT) Ninh Anh, Phương Anh, Thu Hoài cuối cùng cũng phải mềm mỏng, xem lại án kỷ luật.
Trên thực tế, Kim Huệ và các học trò không làm sai quy định khi đàm phán với Bamboo Airways Vĩnh Phúc. Bởi theo bản quy chế chuyển nhượng dài... 5 trang, có tổng cộng 1.647 chữ đang lưu hành trên trang chủ VFV, không có quy định nào cấm các HLV, các VĐV bóng chuyền đàm phán sang CLB khác khi đang còn hợp đồng với CLB hiện thời. Riêng về chuyển nhượng HLV vốn không nằm trong quy chế của VFV. Với đặc thù của bóng chuyền, khi các HLV thường gắn bó với ngành nghề công việc của mình, việc thay đổi CLB hiếm khi xảy ra, nếu có, nó sẽ đi theo việc thay đổi công việc của HLV chứ không phải một vụ chuyển nhượng đơn thuần.
Với các VĐV, bản quy chế do VFV phát hành 11 năm trước có quá nhiều lỗ hổng, cho dù có riêng một chương quy định việc này. Đáng chú ý, phần lớn chương “Chuyển nhượng VĐV” là các quy định cho các... CLB. Chỉ có một điều (Điều 5) - chia làm 2 tiểu mục bắt buộc với các VĐV bóng chuyền. Một, trong thời gian VĐV có hợp đồng đào tạo (dưới 18 tuổi) với CLB thì không được chuyển nhượng (trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác). Hai, VĐV theo quy định tại khoản 1 điều này, sau khi ký hợp đồng lao động với CLB đào tạo thì không chuyển nhượng và thi đấu cho CLB khác trong thời hạn 4 năm (trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác) tính từ thời điểm VĐV đủ 18 tuổi.
Trong quy định này hoàn toàn không nhắc đến việc nếu muốn chuyển nhượng, VĐV phải làm gì hoặc không được làm gì sau khi “đủ tuổi” rời CLB - tức 22 tuổi trở lên như Thu Hoài. Trường hợp VĐV dưới 22 tuổi nhưng hết hợp đồng bắt buộc với CLB đào tạo như Vi Thị Như Quỳnh cũng bị bỏ qua. Khác với Như Quỳnh được hòa giải vì đã sớm chia tay NHCT và chấp nhận không thi đấu từ cuối mùa giải trước, 3 cô trò Kim Huệ đã lãnh đủ vì quy định lỏng lẻo của VFV.
Nói theo dân mê bóng chuyền thì VFV đã áp dụng... luật bất thành văn để đưa ra án kỷ luật. Chia sẻ với báo giới, Chủ tịch VFV Lê Văn Thành tuyên bố: “Chúng tôi đủ cơ sở để xử phạt Kim Huệ và các VĐV vì làm ảnh hưởng tới hình ảnh của môn bóng chuyền”. Thế nhưng, các quy định cho thấy cô trò Kim Huệ không làm gì sai, bởi lẽ không có điều luật nào cấm họ hành động như vậy.
Không dừng lại ở đó, ông Thành còn có những lời nói mang tính công kích cá nhân khi cho rằng Kim Huệ và các VĐV không đứng đắn, thiếu đạo đức khi “đi đêm” với Bamboo Airways Vĩnh Phúc và nhận tiền hàng tỷ đồng. Ông nói thêm: “Nếu đôi bên chuyển đặt cọc 100 hoặc 200 triệu để giao địch chuyển nhượng thì còn chấp nhận vì số tiền chưa lớn. Nhưng, số tiền lên tới hàng tỷ đồng thì câu chuyện đã khác. Xét về đạo đức, không HLV, VĐV nào làm thế cả”.
Đây là một vấn đề lớn khác trong quy chế chuyển nhượng ngầm hiểu của bóng chuyền Việt Nam. Các thương vụ có thể dàn xếp nếu mức đền bù thấp - vài trăm triệu và ngược lại, nó sẽ thành “trái phép” nếu lên đến hàng tỷ đồng mà không thông qua thỏa thuận chung giữa 2 CLB.
Trong quy chế của VFV thậm chí ghi rõ cách tính tiền chuyển nhượng VĐV trong trường hợp 2 CLB không tìm được tiếng nói chung. Theo Điều 14.2, tổng chi phí đào tạo VĐV = 45.000.000đ x 5 năm đào tạo x hệ số CLB mà VĐV hiện đang thi đấu. Với các CLB ở giải vô địch quốc gia, hệ số bằng 6. Ngoài ra, với các tuyển thủ quốc gia, phí chuyển nhượng sẽ nhân thêm 30% so với phí đào tạo.
Có nghĩa với một VĐV bình thường, phí chuyển nhượng tối đa - theo cách đơn phương chấm dứt hợp đồng với CLB chủ quản chỉ là 1,35 tỷ đồng. Với tuyển thủ quốc gia, số tiền đó là 1,755 tỷ đồng. Những con số này thậm chí chưa bằng tiền “đặt cọc” mà Bamboo Airways Vĩnh Phúc đã gửi cho cô trò Kim Huệ. Theo chính Kim Huệ tiết lộ, cô đã nhận được 2 tỷ đồng, bằng Ninh Anh và Phương Anh, trong khi Thu Hoài nhận được 3 tỷ đồng.
Muộn còn hơn không
Chính vì lỗ hổng trong quy chế chuyển nhượng nên VFV không thể “quy phục” Kim Huệ và các VĐV. Vụ việc trở nên ầm ĩ và nằm ngoài ý chí kiểm soát của VFV khi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vào cuộc. Lúc này, VFV giống như ông lão mất bò mới lo làm chuồng.
Từ nay cho đến tháng 10, Tổng cục Thể dục thể thao sẽ cùng VFV nghiên cứu, thay đổi quy chế chuyển nhượng vốn không được cập nhật suốt 11 năm qua nhằm tránh lặp lại sai lầm trong vụ chuyển nhượng bất thành của Kim Huệ. Có thể, bóng chuyền chứ không phải bóng đá sẽ là môn thể thao đầu tiên được vận hành theo nguyên tắc thương mại quốc tế, bằng việc bãi bỏ luật đền bù đào tạo trẻ để thay vào đó bằng phí giải phóng hợp đồng, tạo ra các giao dịch dân sự giữa các CLB - tiền lệ chưa từng có trong lịch sử thể thao Việt Nam.
Chỉ có như vậy, dòng tiền mới thực sự luân chuyển giữa các CLB và tạo ra sức bật mới cho công tác đào tạo. Các CLB mạnh vì gạo, bạo vì tiền có thể chiêu mộ các ngôi sao như ý, trong khi các CLB bán các VĐV này có ngân sách đủ lớn để tái đầu tư vào công tác đào tạo trẻ, tăng thêm cơ hội phát hiện các tài năng mới cho quốc gia.
Nói cách khác, cho dù VFV đã ngủ quên quá lâu trong việc kiểm soát sự phát triển của bóng chuyền chuyên nghiệp, thì vụ “án lệ” Kim Huệ sẽ là tiền đề tạo ra bước ngoặt lớn cho không chỉ bộ môn này mà nhiều bộ môn khác, đặc biệt là bóng đá. Đó chính là điểm tích cực đáng chờ đợi nhất sau mọi chuyện.
Nếu như bóng đá châu Âu và nhiều giải đấu lớn ở châu Á đã biến chuyển nhượng thành “đặc sản” với người hâm mộ thì cơ chế mua bán cầu thủ đặc thù ở V-League tước đi “món ngon” này. Cho dù theo dõi bóng đá Việt Nam sát đến đâu, một người bình thường cũng không thể biết CLB yêu thích của họ muốn mua ai, bán ai cho đến khi vụ chuyển nhượng đó “coi như xong”.
Trong lịch sử V-League, chỉ có một vụ chuyển nhượng diễn ra đúng chuẩn thế giới, đó là vụ Đặng Văn Lâm rời Hải Phòng sang Muangthong United vào năm 2019. Khi đó, Hải Phòng đàm phán phí chuyển nhượng với Muangthong, đồng thời cho phép Đặng Văn Lâm tìm kiếm các thỏa thuận cá nhân với CLB Thái Lan. Kết quả, CLB Hải Phòng nhận được 500.000 USD từ đối tác, trong khi Văn Lâm có bản hợp đồng với mức lương 10.000 USD/tháng, được cấp nhà, cấp xe và nhiều điều khoản ràng buộc khác - bao gồm điều khoản cho phép anh đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu không được nhận đủ lương, thưởng như anh đã kích hoạt vào đầu năm nay.
ĐƠN CA