Mất liên lạc với chồng đã xuất cảnh, có ly hôn được không?
*Bà Đặng Ngọc Nga, trú Quảng Nam, hỏi: Tôi và chồng tôi kết hôn năm 2011 và đã có 1 người con chung. Năm 2014, chồng tôi đi xuất cảnh theo diện đoàn tụ với cha mẹ ở Mỹ, sau đó dần cắt đứt liên lạc với tôi và tôi được biết hiện anh ấy đã có gia đình khác bên Mỹ. Nay tôi muốn ly hôn (LH) với chồng tôi nhưng nghe nói khi nộp đơn LH phải cung cấp được địa chỉ nơi cư trú của chồng cho tòa án (TA). Vì vậy, tôi mong Chuyên mục tư vấn cho tôi các vấn đề sau: tôi có thể LH với chồng tôi khi không cung cấp được địa chỉ cư trú của anh ấy không; trường hợp, sau khi TA chấp thuận giải quyết LH và tôi được quyền nuôi con, chồng tôi có quyền đòi lại con không?
*Ths. LS Lê Ngô Hoài Phong, Trưởng Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng, trả lời: Theo bà Nga trình bày thì trường hợp này thuộc thủ tục LH đơn phương và bà có quyền khởi kiện ra TA để yêu cầu giải quyết theo quy định của pháp luật. Cụ thể, bà Nga có thể tham khảo hướng dẫn của TANDTC theo nội dung Công văn 253/TANDTC-PC ngày 26-11-2018 như sau: Vụ án LH có bị đơn là người Việt Nam ở nước ngoài là một trường hợp đặc thù; quyền LH là một trong các quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình được pháp luật bảo vệ theo quy định tại Điều 39 Bộ luật Dân sự năm 2015, Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Do vậy, trường hợp người Việt Nam ở trong nước xin LH với người Việt Nam ở nước ngoài và chỉ cung cấp được địa chỉ nơi cư trú cuối cùng ở Việt Nam của bị đơn mà không cung cấp được địa chỉ của bị đơn ở nước ngoài, nếu thông qua thân nhân của bị đơn mà có căn cứ để xác định họ vẫn có liên hệ với thân nhân ở trong nước nhưng thân nhân của họ không cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho TA cũng như không thực hiện yêu cầu của TA thông báo cho bị đơn biết để gửi lời khai về cho TA thì coi đây là trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ, từ chối khai báo, từ chối cung cấp những tài liệu cần thiết. Nếu TA đã yêu cầu đến lần thứ hai mà thân nhân của họ cũng không chịu cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho TA cũng như không chịu thực hiện yêu cầu của TA thông báo cho bị đơn biết thì TA đưa vụ án ra xét xử vắng mặt bị đơn theo thủ tục chung... Về quyền đòi lại con như sau: Theo quy định tại Khoản 2 Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, chồng bà phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của TA; nếu vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng, TA phải hoãn phiên tòa; nếu đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà chồng bà vẫn vắng mặt, TA vẫn xét xử vắng mặt. Mặc dù bị xét xử vắng mặt nhưng chồng vẫn được quyền kháng cáo. Thời hạn kháng cáo đối với bản án của TA cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự không có mặt tại phiên tòa, thời hạn kháng cáo sẽ tính từ ngày bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết. Như vậy, nếu sau thời hạn kháng cáo theo quy định của pháp luật mà chồng bà không có ý kiến gì, nghĩa là lúc đó bản án của TA đã có hiệu lực pháp luật, thì ông ta không có quyền đòi quyền nuôi con cũng như các quyền khác theo nội dung bản án đã có hiệu lực của TA.