Mặt trái của World Cup
(Cadn.com.vn) - Bóng đá, World Cup không chỉ là chuyện của giới quần đùi áo số. Như đã nói, bóng đá thậm chí là tôn giáo, là môn thể thao thu hút được nhiều người hâm mộ nhất. Thế nên cứ bóng lăn, nó tác động không ít tới những người xung quanh, thậm chí những người vốn không biết gì hoặc không mấy yêu quả bóng tròn, vẫn cứ phải quan tâm hoặc bị ảnh hưởng bởi nó.
Có người nói rằng, World Cup chỉ là những trận bóng đá, thích thì xem, không thích thì thôi. Không đơn giản như vậy và thực sự cho đến lúc này, vẫn không thể nào lý giải cặn kẽ vì sao bóng đá lại có sức hút ma lực đến thế. Ngay như câu trào lộng "có mỗi quả bóng mà hơn 20 con người lao vào tranh giành" cũng đã cho thấy dù không hiểu gì về bóng đá thì cũng đã quan tâm đến nó, biết có hơn 20 con người tranh nhau một quả bóng... Chính vì thế, bóng đá và đặc biệt mỗi một kỳ World Cup, luôn có tác động rất lớn đến xã hội.
Ví dụ các doanh nghiệp sản xuất: đấy là nỗi lo năng suất lao động của công nhân giảm. Các trận bóng tại World Cup 2014 sẽ lăn sớm nhất vào 23 giờ và kéo dài cho đến tận sáng hôm sau, nếu là tín đồ, chắc chắn họ sẽ thức để "nuốt" trọn các trận đấu hấp dẫn 4 năm mới có một lần. Mà đâu chỉ 1 hay 2 đêm mà hơn 1 tháng trời ròng rã như thế thì hiển nhiên hình ảnh đội ngũ công chức, công nhân sáng sáng "vật vờ" đến Cty, nhà xưởng không hiếm, khi đó sức lao động không đủ chứ chưa nói đến năng suất. Mà các cơ quan, doanh nghiệp thì không thể cấm nhân viên, lao động không được xem World Cup.
Ở góc độ nhỏ hơn, những gia đình có con cái chuẩn bị thi đại học cũng lo ngay ngáy. Ở độ tuổi 18 mộng mơ, ngay ngưỡng cửa cuộc đời với kỳ thi quan trọng lại vấp phải kỳ World Cup hấp dẫn như thế. Nếu không cưỡng lại được, các sĩ tử sẽ phải trả một cái giá không nhẹ...
Đó là chưa kể World Cup chắc chắn kéo theo những tệ nạn như cá độ, trộm cắp... và những hệ lụy tiêu cực của nó. Nhưng, vẫn không thể không đam mê.
Mai Hàn