Mặt trời trong tranh Bửu Chỉ
(Cadn.com.vn) - Sinh thời, họa sĩ Bửu Chỉ cho biết: “Đó là những năm tháng mà tôi đã sử dụng hội họa như một thứ ngôn ngữ thực sự, một sự bày tỏ mạnh mẽ, hướng ngoại, về những nhân sinh quan và quan niệm xã hội của tôi. Tôi đã tham gia như thế vào phong trào học sinh - sinh viên (HSSV) ở miền Nam Việt Nam đòi hòa bình, tự do, và quyền dân tộc tự quyết... chống lại chế độ Sài Gòn cũ và can thiệp Mỹ”.
Trong suốt những năm tháng bị giam cầm, từ Đà Nẵng rồi đến các trại tù miền Nam, Bửu Chỉ từng bị cảnh sát ngụy đánh đập tàn nhẫn, đặc biệt là đánh vào hai bàn tay, vì hai bàn tay đó dám vẽ những bức tranh tố cáo chiến tranh phi nghĩa, chống đối chế độ hiếu chiến miền Nam. Thế nhưng, cũng chính trong thời gian ấy, những bức tranh bút sắt đen trắng của Bửu Chỉ lại ra đời nhiều hơn và được phát tán khắp nơi. Phần lớn những bức tranh này không phác thảo, được anh vẽ thoắt chốc trên những tờ rơi tung bay trong các cuộc xuống đường, trang bìa của những tờ báo tranh đấu, hoặc những mảnh giấy chuyền tay trong các nhà tù. Đây cũng là lúc tranh Bửu Chỉ được nhiều người biết đến, không chỉ tại các đô thị miền Nam, mà ở nước ngoài, các phong trào phản chiến thế giới ở Mỹ, Nhật, Châu Âu, và ngay cả Thái Lan, Hàn Quốc nhiều khi lấy làm biểu trưng.
Tranh Bửu Chỉ trên các tạp chí trước năm 1975. |
Hẳn nhiều người còn nhớ, những bức tranh ký tên Bửu Chỉ in trong các tạp chí Ý Thức, Đối Diện và các tập nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn một thời đã gây nên sự xúc động sâu xa trong công chúng. Có thể nhắc đến các đầu đề tiêu biểu như: Ta phải thấy mặt trời, Mặt trời tự do, Ngợi ca bình minh, 36 chiếc đinh của tội ác, Quê hương ta ngày trùng tu... Nơi ấy, người xem gặp gỡ những cánh tay gân guốc, vùng lên, bứt phá xiềng xích; những thân xác ốm o, sờ soạng trong bóng đêm tù ngục; một em bé cụt chân mặt mày ngơ ngác chống gậy đứng giữa quê hương bom đạn, hoang tàn; và đôi lúc, hiện ra một cánh đồng trĩu nặng lúa chín với những gương mặt hân hoan chào đón ngày đất nước thanh bình; chim câu bên chấn song sắt nhà tù với những con người mắt ngời hy vọng; chim câu đậu trên vai người thiếu nữ, chim câu đáp xuống mái hầm của hai vợ chồng nông dân trong vùng lửa đạn... Và nhiều nhất là hình tượng mặt trời. Mặt trời biểu tượng cho khát vọng phá tan gông cùm xiềng xích, là chiến thắng của quyền dân tộc tự quyết, là reo ca của độc lập - tự do...
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nêu rõ: “Trong những năm chiến tranh ác liệt nhất ở miền Nam, nếu ở địa hạt âm nhạc tôi viết những ca khúc phản chiến và khát vọng hòa bình thì ở phía hội họa, họa sĩ Bửu Chỉ gần như là người duy nhất vẽ rất nhiều về đề tài chiến tranh và hòa bình".
Bửu Chỉ sinh ngày 8-10-1948 tại Huế. Tốt nghiệp Cử nhân Luật năm 1971, song lại tự học để trở thành họa sĩ. Từ 1972-1975, anh bị bắt đến 3 lần và lần cuối cùng đã bị giam 2 năm ở khám Chí Hòa, vì tham gia phong trào chống chiến tranh của HSSV, cho đến tận ngày 30-4-1975 mới được giải thoát. Anh có tranh ở Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Singapore, cũng như trong các bộ sưu tập tư nhân của Châu Á, Châu Âu và Bắc Mỹ. Anh đã tham gia nhiều cuộc triển lãm trong và ngoài nước cùng họa sĩ Hoàng Ðăng Nhuận và những người bạn thân Đinh Cường, Trịnh Công Sơn... |
Sau ngày đất nước thống nhất, Bửu Chỉ trở lại quê nhà tham gia tích cực các hoạt động nghệ thuật xã hội, từng là Chủ tịch Hội Mỹ thuật TT-Huế, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật TT-Huế, ủy viên Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa III. Nhưng, cuối cùng, anh đã rời bỏ mọi thứ ràng buộc, để âm thầm sống, chiêm nghiệm tìm một hướng đi mới, một cách thể hiện mới, qua những tác phẩm sâu thẳm đầy chất tâm linh về con người, cuộc đời.
Vào những năm cuối đời, họa sĩ Bửu Chỉ sống gần như chỉ để vẽ, và vẽ bằng một nỗi đam mê mãnh liệt. Nhiều người thân cho biết, nhiều lúc, anh vẽ một ngày đến 10 - 12 tiếng và làm việc như gã tù khổ sai, gần như đang chạy đua với thời gian vì linh tính sợ cuộc sống của mình quá ngắn ngủi. Đầu năm 2002, Bửu Chỉ có ý định xuất bản một cuốn sách gồm một số bài viết và những bức tranh chọn lọc của mình. Công việc đang tiến hành, Bửu Chỉ đã tự vẽ bìa, trình bày cũng như chọn lấy một số lớn bài viết có sẵn, thì đột ngột qua đời. Theo ý nguyện của anh, một số bạn bè đã tiếp tục công việc để cho ra mắt bạn đọc cuốn sách này. Nhờ vậy mà đến nay chúng ta có điều kiện tiếp cận và tìm hiểu khá đầy đủ về tranh Bửu Chỉ trước và sau ngày hòa bình.
Trần Trung Sáng