Màu mắt sơ ngộ
Giới nhiếp ảnh Việt Nam, đặc biệt là các tay săn ảnh miền Trung- Tây Nguyên không xa lạ với nhiếp ảnh gia MPK- Nguyễn Văn Phước, con người của rừng sâu rú thẳm, sống và sáng tạo hoang tràn như cỏ dại, song nghệ thuật của gã là một thế giới ám ảnh sang trọng, miên man trí thức cùng nỗi đói khát ngậm ngùi nguyên thủy muốn đạt tới cái đẹp khác đời, dị biệt.
Nhiếp ảnh gia MPK, Phước... khùng.
Nếu đâu đó trên những nẻo đường chênh vênh của Đà Lạt bất chợt xuất hiện một gã đãng tử, tóc dài, da ngăm đen, khoác chiếc ba lô cố hữu trên lưng, chiếc máy ảnh trước ngực, cứ thế cuốc bộ, mặc nắng mặc mưa vẫn phong phanh quần jean áo cộc, trông tả tơi như một đại lão Cái Bang; hoặc thấy gã phong trần đó đang bò toài dưới đất, mê mải tìm kiếm sự lạ, mà chỉ mỗi mình gã biết, ta hẵng mặc nhiên thưa rằng: đấy chính là MPK, Phước... khùng, nhiếp ảnh gia, một quái kiệt của Đà Lạt.
Chẳng hàm oan trước thiên đàng hay địa phủ, ảnh nghệ thuật MPK là những tiếng vọng miền thẳm về giọt sương, nắng gió, mây trời, mưa, lá hoa, cây cỏ, mắt côn trùng... Qua cách xử lý ảnh tương phản, điều tiết cự ly, khẩu độ tạo nét nhòe mờ, biến tấu chất liệu nhằm làm cho hình tượng lưu vong trong không gian hư ảo, nhập nhằng, MPK đã loại bỏ đằng sau khả năng tả thực tầm thường của máy, để dẫn dụ người xem bước vào một trò chơi khao khát, nơi ánh sáng và hình thể chừng như cũng phiêu phất trong tiếng động tôn giáo huyền bí, trong những giọt sương bâng khuâng đẹp, những lời tự vấn triết học... Tất cả hiện lên nhụy nhàng, thuần khiết pha chút ma quái, ảo dị dưới mắt nhìn sơ ngộ của một tâm thức duy mỹ quái chiêu.
Mang sẵn tâm chất người tiền sử ban sơ, tự đắm mình tìm kiếm, gom nhặt những giá trị thiên nhiên bình nhật để tôn vinh, MPK đã sa chân vào một lãng mạn lưu ly thơ ngộ trong không gian hư huyền của nắng - trăng - sương Đà Lạt. Ở đấy, gã rưng rưng một đốm lửa sáng tạo và cũng là nơi nỗi ưu tâm nghệ thuật của gã được giải tỏa, thăng hoa. Tất nhiên, cô đơn là hệ lụy đa đoan muôn đời mà người nghệ sĩ khó tránh khỏi: "Tôi rơi vào sự cô đơn trống rỗng kinh khủng. Nhưng tôi vẫn nghĩ nỗi cô đơn chính là người tình tuyệt vời nhất của người nghệ sĩ. Tôi gọi tên nỗi cô đơn của mình là nỗi - cô - đơn - thần - thánh. Vì nhờ nó, tôi lại bừng thức sáng tạo", gã chia sẻ.
Thế giới ngày càng ầm ã, người nghệ sĩ đến với nghệ thuật bây giờ cũng ít thơ ngây hơn. Riêng MPK là một biệt lệ. Gã vẫn ngây ngô sống kiếp người rừng giữa nền văn minh chợ búa, vốn không thiếu những thói đời thớ lợ, tráo trâng. Bởi gã tâm niệm: "Lòng tư kỷ sẽ giết chết tình yêu đời và yêu cuộc sống". Tiền MPK sống hàng ngày là từ lòng hào hiệp của bè bạn, hoặc có ai đó nhờ đỡ gã việc gì, rồi tự nguyện gửi tiền tùy hỉ. Nhà không có thì gã ở nhờ phía sau một khách sạn nhỏ, dưới chân cầu thang. Tuy vậy, gã sống rất hạo nhiên và chẳng bao giờ than trách nghèo khó cả.
Bao năm nay, MPK cứ lang thang như người hoang khắp phường phố Đà Lạt, hết ngõ cùng xóm cụt lại đến núi đồi, hồ thác. Với một bản chất lành ngoan như suối, gã mãi chảy trôi về miền thiên nhiên sơ sử uyên nguyên miên viễn, để linh hồn được phiêu diêu trong thế giới hòa điệu thơ trẻ, bầu bạn cùng cào cào, châu chấu, bọ ngựa, chuồn chuồn, ong, kiến, gió, nắng, trăng, sương... để hư vô hóa những hệ lụy, những bất trắc của đời sống thực đặt ra, quan trọng hơn, để minh chứng cho những mảnh đời xanh mướt dưới cánh lá Bồ Đề, mà con mắt hồn nhiên MPK đã có dịp khả kiến và ghi hình.
Rồi ngày nọ, gã lại cho ra đời những bộ sưu tập ảnh mới, mang đúng thương hiệu người rừng, vô tiền khoáng hậu. Có được gã người rừng dâng hiến tuyệt đối cho nghệ thuật nhiếp ảnh này quả là không dễ, trở thành của hiếm thời nay. Ở lăng kính của gã, người xem nhận ra một nhân cách thẩm mỹ có uy quyền. Ở đó, tranh chấp và thù hận được loại bỏ. Ở đó, không có chỗ cho sự khoe khoang và đố kỵ, cũng không có chỗ cho sự thù hằn và tàn phá. Ở đó, chỉ thấy vô biên những xúc cảm chân thành. Ở đó, có sự chinh phục của cuộc sám hối bình an, có cái im lặng cao thẳm.
TRỊNH CHU