Máy bay Nga rơi ở bán đảo Sinai: IS nhận trách nhiệm, Nga - Ai Cập bác bỏ

Thứ hai, 02/11/2015 08:33

* BẮT ĐẦU MỞ CUỘC ĐIỀU TRA QUỐC TẾ

* NGA QUỐC TANG TRONG NGÀY 1-11

(Cadn.com.vn) - Giới phân tích cho rằng, việc nhóm cực đoan IS nhận trách nhiệm đứng sau vụ máy bay Airbus A321 mang số hiệu 7K9268 của Nga rơi ở bán đảo Sinai, Ai Cập hôm 31-10 chỉ là nhằm mục đích “khuếch trương thanh thế” trong bối cảnh đang bị suy yếu do các cuộc không kích của Moscow ở Syria.

Các nhà điều tra quốc tế ngày 1-11 bắt đầu mở cuộc điều tra vụ tai nạn kinh hoàng này, vốn khiến tất cả 224 người trên khoang, trong đó có 217 hành khách, thiệt mạng, trở thành một trong những thảm họa kinh hoàng nhất trong lịch sử Airbus.

Trong khi đó, các đội cứu hộ tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân, đồng thời mở rộng phạm vi tìm kiếm lên đến 15km2. Theo Reuters, tính đến cuối ngày 1-11, lực lượng cứu hộ tìm thấy 163 thi thể. Hai hộp đen máy bay cũng đã được tìm thấy và gửi đi phân tích. Trong ngày 1-11, các quan chức hàng đầu của Nga, trong đó có Bộ trưởng Giao thông Nga Maksim Sokolov - người đứng đầu ủy ban điều tra vụ tai nạn tại Ai Cập - cùng một đội điều tra cấp cao cũng đã có mặt tại Cairo và sau đó được quyền tiếp cận khu vực hiện trường vụ tai nạn.

Đội điều tra Nga kiểm tra các mảnh vỡ máy bay tại hiện trường vụ tai nạn trên bán đảo Sinai
của Ai Cập hôm 1-11. Ảnh: EFE

IS không phải là thủ phạm

Tại bán đảo Sinai - nơi các nhóm thánh chiến đang tăng cường hoạt động - nhóm cực đoan Hồi giáo IS lên tiếng nhận trách nhiệm bắn rơi máy bay Airbus A321 của Nga.

Tuy nhiên, cả Nga và Ai Cập đều bác bỏ tuyên bố này. Thủ tướng Ai Cập Sharif Ismail tuyên bố, các chuyên gia xác nhận, một máy bay không thể bị bắn rơi khi đang bay ở độ cao như máy bay Airbus 321 này. Thủ tướng Ismail cũng cho rằng, nguyên nhân gây tai nạn có thể là do lỗi kỹ thuật. Theo Bộ Hàng không Dân sự Ai Cập, máy bay xấu số đang ở độ cao 9.450m khi biến mất trên màn hình radar. Các chuyên gia an ninh khẳng định, một tên lửa đất đối không (Manpad) – vũ khí mà các chiến binh ở Sinai đang sở hữu – không thể nhắm mục tiêu một máy bay đang ở độ cao như thế này.

“Để nhắm trúng một máy bay đang ở độ cao đó, sẽ cần những tên lửa cực kỳ phức tạp, do đó IS có vẻ không hề liên quan”, ông Jean-Paul Troadec, cựu Giám đốc BEA (Cơ quan điều tra hàng không của Pháp) nhận định. Cựu Giám đốc bảo tàng Hàng không và Không gian Pháp Gerard Feldzer cũng cùng quan điểm khi cho rằng, IS không có loại vũ khí nào có thể bắn hạ máy bay ở độ cao như vậy. Theo ông, để làm được điều này, IS phải có hệ thống radar theo dõi tinh vi và tên lửa tầm xa.

 Trong khi đó, Bộ trưởng Giao thông Nga Maksim Sokolov nói với Interfax rằng, “tuyên bố nhận trách nhiệm như vậy không chính xác”. “Không có bằng chứng cho thấy, máy bay này  - vốn trên đường từ Sharm el-Sheikh (Ai Cập) đến St Petersburg (Nga) đã bị IS nhắm mục tiêu”, ông nói. Và theo các chuyên gia, việc IS tuyên bố đã bắn rơi máy bay này chỉ nhằm mục đích “khuếch trương thanh thế” trong bối cảnh đang bị suy yếu nghiêm trọng.

Tuy nhiên, vì lý do an toàn, nhiều hãng hàng không như Lufthansa của Đức, Air France-KLM của Pháp hay Emirates của Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) quyết định tạm thời điều chỉnh lộ trình bay nhằm tránh để máy bay bay qua không phận trên bán đảo Sinai bất ổn này cho đến khi nguyên nhân vụ tai nạn được làm rõ.

Người dân thắp nến, đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân xấu số trước Sân bay Pulkovo
ở St Petersburg, Nga. Ảnh: EFE

Vậy ai là thủ phạm?

Hiện không thể xác định được nguyên nhân khiến máy bay Nga bị rơi cho đến khi hoàn thành phân tích hộp đen máy bay. Trong khi các nhà điều tra quốc tế đang vào cuộc, nhiều giả thuyết về nguyên nhân gây tai nạn cũng được đưa ra. Trong đó, nguyên nhân do lỗi kỹ thuật được nói đến nhiều nhất.

Một quan chức kiểm soát không lưu Ai Cập cho biết, cơ trưởng máy bay Airbus A321 đã liên lạc với đài không lưu và thông báo về trục trặc kỹ thuật, yêu cầu đổi đường bay và hạ cánh tại sân bay ở Cairo trước khi biến mất. Tuy nhiên, trong tình tiết mới trái ngược, Bộ trưởng Hàng không dân dụng Ai Cập Mohamed Kamal khẳng định, cơ trưởng không yêu cầu trợ giúp như vậy trước khi xảy ra thảm họa. Hãng hàng không Kogalymavia cũng bác bỏ nguyên nhân máy bay gặp nạn do lỗi kỹ thuật hay lỗi của phi hành đoàn. Theo hãng này, máy bay được kiểm tra an toàn vào năm 2014 trong khi cơ trưởng Valery Nemov, có hơn 12.000 giờ kinh nghiệm bay, trong đó có 3.860 giờ bay với Airbus A321.

Cũng có nguồn tin cho rằng, máy bay bị khủng bố cài bom. Tuy nhiên, một chuyên gia cho rằng, nếu bom nổ trên máy bay, thì ở độ cao hơn 9.000m, máy bay sẽ tan tành vì áp suất cao. Tuy nhiên, trên thực tế, máy bay Airbus A321 chỉ gãy làm đôi. Và giả thuyết khác được nói đến là cơ trưởng có thể bị ai đó buộc hạ độ cao đột ngột, khiến động cơ máy bay phát nổ.

Ngày tồi tệ nhất nước Nga

Máy bay Airbus A321, thuộc Hãng hàng không Nga Kogalymavia, hoạt động với thương hiệu Metrojet, bay từ khu nghỉ mát Sharm el-Sheikh đến St Petersburg thì bất ngờ bị rơi ở bán đảo Sinai, chỉ 32 phút sau khi cất cánh.

Trong số 217 hành khách trên khoang có 213 người Nga, còn lại là 4 người Ukraine. Trong số này có đến 25 trẻ em và 138 phụ nữ. Hầu hết đang trên đường trở về nước sau kỳ nghỉ ở Ai Cập. Tại Nga, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố quốc tang trong ngày 1-11 để tưởng niệm các nạn nhân xấu số và đây là “Ngày thảm họa tồi tệ nhất lịch sử Nga”. Cờ rũ được kéo lên trên nóc các tòa nhà chính quyền ở Nga trong khi các chương trình giải trí truyền hình bị cắt bỏ. Ông chủ Điện Kremlin ra lệnh Thủ tướng Dmitry Medvedev mở cuộc điều tra riêng rẽ về vụ tai nạn này.

LHQ, Liên minh Châu Âu (EU) và các nước trên thế giới gửi lời chia buồn đến nhân dân và chính phủ Nga sau vụ tai nạn này. Tại sân bay Pulkovo ở Saint Petersburg, một không khí tang thương bao trùm. Thân nhân các nạn nhân - người khóc, người gào thét, người chờ đợi trong lo lắng. “Tôi vẫn cầu nguyện một phép mầu, nhưng có lẽ tôi sẽ không bao giờ gặp lại cha mẹ mình nữa”, Ella Smirnova, 25 tuổi, nói trong nước mắt.

Khả Anh