Máy bay siêu âm - kỷ nguyên mới cho ngành hàng không

Thứ ba, 19/07/2016 09:28

(Cadn.com.vn) - Với tốc độ gấp 3 lần vận tốc âm thanh và hoạt động dựa trên phản ứng tổng hợp hạt nhân, Flash Falcon sẽ chỉ mất khoảng 3 giờ đồng hồ để bay từ London (Anh) đến New York (Mỹ).

Máy bay Flash Falcon (Tia chớp Chim ưng),  nhìn giống như một con tàu vũ trụ trong các trò chơi điện tử. Nó được coi là phiên bản máy bay siêu âm trong tương lai có thể thay thế máy bay siêu âm Concorde đã ngưng hoạt động từ năm 2003, chỉ vài năm sau khi xảy ra một vụ tai nạn chết người vì bất ngờ lao xuống ngay sau khi vừa cất cánh ở Paris.

Ý tưởng về máy bay tương lai này là của nhà sáng chế người Tây Ban Nha Oscar Vinals. Nhà sáng chế này từng nổi tiếng với máy bay chở khách Sky Whale và máy bay chở hàng khổng lồ GIGAbay. Còn sáng chế mới nhất về Flash Falcon này của ông dự kiến sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành hàng không.

Máy bay khổng lồ này có thể chở đến 250 hành khách với tốc độ bay gấp 3 lần tốc độ của âm thanh. Ảnh: BBC

Tính năng vượt trội

Thiết kế của Flash Falcon gồm 2 tầng, gần giống một con tàu vũ trụ. Vận tốc ước tính của phi cơ hiện đại này đạt khoảng 3.680km/h, gấp 3 lần vận tốc âm thanh.

Máy bay siêu âm tốc độ này cũng sẽ đủ sức chứa khoảng 250 hành khách và có thể thực hiện hành trình bay từ sân bay Heathrow ở London (Anh) đến sân bay quốc tế John F. Kennedy ở New York (Mỹ) chỉ trong vòng 3 giờ đồng hồ. Flash Falcon của Vinals sẽ dài hơn chiếc Concorde huyền thoại - loại máy bay có vận tốc chỉ đạt khoảng 2.500km/h và có sải cánh dài gấp đôi chiều rộng. Chiếc phi cơ này linh hoạt và đủ mạnh để có thể nghiêng đến 20 độ, cất cánh và hạ cánh theo chiều dọc như trực thăng. Chạy bằng năng lượng hạt nhân, Flash Falcon có động cơ siêu âm dựa trên lò phản ứng nhiệt hạch di động và 6 động cơ điện đốt. Phản ứng tổng hợp hạt nhân là yếu tố thiết yếu để tạo ra nguồn năng lượng điện "xanh" lớn và không gây ô nhiễm môi trường.

Nhà sáng chế Vinals cho biết, hiện tại ông và đội ngũ thiết kế đã mường tượng rõ quy trình hoạt động của phản ứng tổng hợp hạt nhân và đang thực hiện nhiều dự án vận hành trên cơ sở đó như Tokamak, Iter, và Stellarator. Ông cũng bày tỏ lạc quan, trong vòng 5-7 năm tới, ông sẽ cho ra lò phản ứng nhiệt hạch ổn định và hiệu quả đầu tiên trên thế giới.

Gây tranh cãi

Dù có những ưu điểm nêu trên, nhiều người khi nghe đến "điện hạt nhân" thường nghĩ đến sự nguy hiểm. Nhưng trong trường hợp của phản ứng tổng hợp hạt nhân trong quá trình vận hành Flash Falcon không hoàn toàn như vậy. Thay vì tạo ra phản ứng dây chuyền như phân hạch hạt nhân, phản ứng tổng hợp sẽ tạo ra nguồn năng lượng lớn hơn nhưng hoàn toàn không sử dụng các nhiên liệu gây ô nhiễm.

Vinals tin rằng, mặc dù hiện nay vẫn chưa được phát triển đúng tầm, nhưng trong thời gian 10 năm nữa, loại năng lượng này có thể sẽ trở nên phổ biến hơn cả. Và không lâu nữa, các chuyến bay siêu âm sẽ trở thành những công nghệ quan trọng và tiến bộ nhất của thế kỷ XXI. Tuy nhiên, theo Simon Weeks của Viện Công nghệ Vũ trụ, phân hạch hạt nhân sản sinh ra nhiều neutron rất có hại đối với sức khỏe con người. Vì vậy, lò phản ứng cần một khối lượng lớn các tấm chắn để ngăn chặn sự ảnh hưởng của các neutron. Vì sử dụng những tấm lá chắn dày như vậy, các nhà thiết kế lại sẽ đối mặt với thách thức làm cho máy bay nhỏ và nhẹ đi.

Đối với nhiều chuyên gia, thiết kế của Vinals vẫn không mang tính thuyết phục hoàn toàn bởi thực tế phản ứng tổng hợp hạt nhân vẫn là công nghệ ngoài tầm với của con người. Vì vậy, mô hình Flash Falcon với một phần công nghệ mà con người vẫn chưa làm chủ được đang được xem xét kỹ lại.

Tuệ Khanh
(Theo BBC)