Mì Quảng Cây Trâm một thời vang bóng
Thuở xưa vùng Cây Trâm còn nghèo lắm. Phía trên đường quốc lộ (QL) 1A là trảng cát trắng phau phau, lên xa chút nữa là đồi núi, phía dưới là dòng Trường Giang bao bọc. Người dân Kỳ Chánh chủ yếu làm nương rẫy trên đồi, làm ruộng ở các hóc núi, đánh bắt tôm, cua, cá trên dòng Trường Giang, “mùa đông thiếu áo, mùa hè thiếu ăn”. Khá hơn, khang trang hơn một chút là những xóm nhà chạy dọc theo QL 1A đoạn qua chợ Kỳ Chánh, đó là “thủ phủ”, là “mặt tiền” của xã Kỳ Chánh xưa.
Quán mỳ Cây Trâm ngày ấy nằm ngay bên lề QL1A, đối diện chợ Kỳ Chánh, sau quán là sông Trường Giang. Có hai quán: quán Bà Tường ở phía ngoài đối diện với chợ và phía trong cách quán bà Tường 2 nhà là quán Bà Ba Xuân. Quán lúc đầu là nhà tranh, nhiều cột. Sau khá hơn được xây bằng gạch, quán Bà Tường lợp ngói, quán bà Ba Xuân lợp tôn. Hai quán đều khá rộng, sạch sẽ, thoáng mát. Đầu bếp chính của cả hai quán chính là chủ quán (bà Tường, bà Ba Xuân). Điều rất đặc biệt, tô mỳ của cả hai quán đều giống y nhau, từ cái tô đến sợi mì, nhưn, rau sống và cách bài trí.
Tô đựng mỳ là tô sành có dáng “đế túm, miệng loa” có hoa văn màu xanh. Trong lòng tô, lớp dưới là rau sống, trên rau là những cọng mì, trải trên mặt chính giữa tô mì là con tôm sú to lột vỏ xẻ đôi hoặc là con cua bấy (cua mới lột vỏ, mềm tươi), hoặc con cua “cớm” (cua chuẩn bị lột vỏ), có khi là con cua “gạch”, lốm đốm những con tôm nhỏ từ trong nước lèo, một lát thịt heo “xíu” (rim) đỏ tươi, hai cục chả viên tròn hoặc một khúc chả cây nhỏ, điểm lên trên cùng là hai miếng bánh tráng nhỏ ram dầu phụng giòn tan. Kèm cạnh tô mỳ là các chai nước mắm, xì dầu, giấm, ớt, chanh, đĩa rau ăn thêm… và một cái bánh tráng nướng. Theo những người lớn tuổi ở đây cho biết, giá một tô mỳ Cây Trâm thuở ấy khoảng 25 đồng tiền Sài Gòn cũ tương đương với giá 1 lít xăng.
Để có được một tô mỳ hấp dẫn là cả một quá trình chuẩn bị chế biến kỳ công của cả hai quán. Đầu tiên là sợi mỳ. Sợi mỳ được đặt hàng cho một người tráng và xắt ra thành cọng. Bà Kỳ phía trên đầu chợ chính là người tráng mỳ này. Lá mỳ mỏng, màu hơi sậm của gạo mùa được xay nước bằng cối đá. Sau đó được tráng trên một nồi đồng đun bằng củi. Sợi mỳ được xắt bằng tay với con dao thật sắc do người bán xắt. Bàn tay xắt mỳ cứ thoăn thoắt nhìn thấy mê. Sợi mỳ được “chao” trong nồi nước nóng rồi mới bỏ vào tô.
Nồi nước nhưn của mỳ Quảng Cây Trâm mới thật đặc biệt. Nước nhưn được nấu với tôm nhỏ, thịt mỡ, chả viên, nêm nếm gia vị công phu đặc biệt gia truyền. Nồi nước có màu đỏ nổi trên mặt với váng dầu, tôm, thịt mỡ. Nước mỳ ngọt béo tạo hương vị chính cho tô mỳ.
Rau sống của tô mỳ Cây Trâm cũng rất cầu kỳ. Có hai thứ chính là rau muống chẻ và bắp chuối. Cọng rau muống chẻ ăn rất giòn, không bị xìu khi cho nước nhưn vào tô. Trái bắp chuối lột vỏ bên ngoài, lấy phần lõi bên trong được xắt rất nhỏ rồi trộn chung với cọng rau muống. Kèm với đó là ít lá rau muống non, rau má, giá đậu xanh, rau diếp cá. Các loại rau ấy không bị mềm mủn khi chan nước mỳ vào làm cho tô mỳ luôn tươi, ăn không có cảm giác ớn.
Điểm nhấn nổi bật của tô mỳ là nửa con tôm sú to và nửa con cua bấy được rim đỏ béo ngậy nằm giữa tô, đậu phụng rang giòn điểm quanh. Cua bấy là cua vừa lột vỏ được người làm nghề sông soi bắt lúc khuya đem bán riêng cho hai quán mỳ. Đây là đặc sản làm nên thương hiệu tô mỳ Cây Trâm. Cái cảm giác đưa một đũa mỳ vô miệng, cắn một miếng cua bấy mềm thơm lựng với gạch cua béo ngậy, cắn thêm miếng ớt xanh giòn cay cay cho đến tận bây giờ.
Chính cái mùi thơm lựng, béo ngậy cùng với hình ảnh tô mỳ bắt mắt ấy mà mỳ Cây Trâm đã trở thành thương hiệu rất nổi tiếng. Thời bấy giờ hàng quán, nhất là các quán ăn không nhiều như ngày nay nên tiếng tăm của mỳ Cây Trâm càng lan rộng, quán càng đông khách. Ngày nào cũng vậy, nhất là ngày chủ nhật, quán lúc nào cũng đầy khách, xe máy, xe hơi, xe Jeep đậu dãy dài ngoài đường từ sáng đến chiều (tối không bán vì lệnh giới nghiêm của chính quyền Sài Gòn - P.V). Khách nhiều và thường xuyên nhất là công chức, lính. Họ ăn “nửa buổi”, ăn trưa, xế, có khi họ nhậu bia chai cọp, bia lon “333” với… mỳ. Thời ấy chưa có quán nhậu nên không có món nhậu nào khác.
Đặc biệt, quán Mỳ Cây Trâm Bà Tường nổi tiếng không chỉ ở địa phương mà tiếng tăm lan tỏa rất xa, tận Huế, Sài Gòn. Tôi còn nhớ ngày ấy, các nghệ sĩ nổi tiếng ở Sài Gòn mỗi khi ra miền Trung biểu diễn đều được giới thiệu ghé ăn mỳ Cây Trâm. Ai đến Quảng Nam cũng đều được giới thiệu thưởng thức đặc sản mỳ Quảng Cây Trâm. Và Mỳ Quảng Cây Trâm đã trở thành thương hiệu cho Kỳ Chánh xưa, Tam Anh Nam nay - thương hiệu đặc sản của một vùng quê, thương hiệu của tình cảm quê hương, điểm nhớ của những người con Tam Anh xa quê.
Theo thời gian, hai chủ quán mỳ tuổi dần xế chiều. Khoảng trên dưới 10 năm trước thì không còn bán nữa.
Giờ thương hiệu Mỳ Quảng đã có trên khắp mọi miền đất nước. Những người dân Kỳ Chánh xưa đi mọi nơi cũng đã mở quán Mỳ Cây Trâm để bán. Ngay cả ở Tam Kỳ, Tam Anh hiện nay cũng có nhiều quán mỳ mang thương hiệu Cây Trâm. Nhưng có lẽ không nơi đâu có được tô mỳ đặc biệt như tô mỳ Cây Trâm xưa. Hình ảnh, hương vị đậm đà của tô mỳ Cây Trâm xưa trở thành ký ức thật đẹp, đầy thương nhớ đến xốn xang của những người con Kỳ Chánh, Tam Anh.
Lê Văn Huân