Miền đất của cảm hứng khởi nghiệp

Chủ nhật, 02/02/2020 15:31

Khởi nghiệp bằng sự sáng tạo là thứ tài nguyên vô tận và có thể diễn ra ở bất cứ đâu. Đà Nẵng là miền đất hấp dẫn cũng là nơi tạo cảm hứng khởi nghiệp lý tưởng cho các bạn trẻ khắp nơi.

Sản phẩm KNST được triển lãm tại SURF Đà Nẵng 2019.

Ông HÀ ĐỨC HÙNG: Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng.

“Đà Nẵng là nơi có cảnh quan đẹp, môi trường sống tốt, con người thân thiện sẽ giúp người khởi nghiệp tăng cảm hứng cống hiến, sáng tạo. Từ yếu tố đó, Đà Nẵng cần tập trung hỗ trợ các tiện ích, tạo các không gian khởi nghiệp để thực sự là trung tâm KNST. Ngoài ra, trong bối cảnh 4.0 đang là xu hướng, Đà Nẵng nên tập trung phát triển mạnh công nghệ thông tin, tạo tiền đề KNST trong lĩnh vực này”.

Hãy bắt đầu từ Đà Nẵng

Chúng ta bắt đầu câu chuyện với Nguyễn Bá Cảnh Sơn, một thạc sĩ khoa học máy tính tại Mỹ, đã từ bỏ công việc kỹ sư phần mềm đáng mơ ước tại thung lũng Silicon để về Đà Nẵng khởi nghiệp với Datbike, cho ra đời chiếc xe máy điện mang phong cách thể thao Weaver. Datbike đã gọi được vốn 60 ngàn USD trên Thương vụ bạc tỷ, đã ký hợp tác chiến lược với Becamex nhằm xây dựng dây chuyền sản xuất quy mô lớn tại Bình Dương.

Hay như Love Pop, một dự án khởi nghiệp từ Đà Nẵng chuyên sản xuất thiệp 3D cho thị trường Mỹ hiện có doanh thu hàng năm 30 triệu USD. Hoạt động thiết kế của Love Pop được thực hiện bởi một đội ngũ nhân sự lớn người Việt tại Đà Nẵng. Love Pop chứng minh một điều, dù Đà Nẵng chưa có nhiều quỹ đầu tư, nhiều doanh nghiệp như Hà Nội, TPHCM nhưng các nhà khởi nghiệp lại bị thu hút bởi lối sống Đà Nẵng, cùng với đội ngũ công nghệ tài năng, các trường đào tạo nhân lực trẻ có kiến thức và đầy tham vọng.

Easysalon, một công ty khởi nghiệp tại Đà Nẵng chuyên bán giải pháp phần mềm ERP cho các cơ sở thẩm mỹ, tiệm làm tóc. ERP đã phổ biến ở nước ngoài, nhưng khi về Việt Nam đã được nội địa hóa, giúp chủ salon tiết kiệm 70% thời gian và tăng 30% doanh thu. Easysalon nhắm vào thị trường 100 ngàn tiệm làm đẹp/làm tóc, mục tiêu ký hợp đồng với 20 ngàn tiệm trong vòng 3 năm tới. Câu chuyện từ Easysalo, một start-up thành công không nhất thiết phải là ý tưởng mới, có khi là mô hình, giải pháp đã có ở nước ngoài, nhưng phải biết linh động nội địa hóa cho thị trường trong nước.

Trên đây là 3 trong số hàng chục dự án khởi nghiệp thành công từ Đà Nẵng đã chứng minh, Đà Nẵng là nơi đẩy cảm hứng để khởi nghiệp sáng tạo (KNST). Thực tế cho thấy, Đà Nẵng đang có một hệ sinh thái KNST sôi động nhất miền Trung với 6 vườn ươm, 10 không gian làm việc chung, 3 năm qua đã ươm tạo ra hơn 60 dự án khởi nghiệp, trong đó nhiều dự án gọi vốn thành công.

Ông ĐÀM QUANG TUẤN: Chủ tịch Quỹ KNST Đà Nẵng

“Đây là quỹ mở, sẵn sàng đầu tư không giới hạn số tiền, số dự án khởi nghiệp, miễn rằng dự án đó được đánh giá sẽ hiệu quả. Chính sách đầu tư với các dự án không quá khắt khe, song cũng không dễ dãi, vấn đề là tính thiết thực, hiệu quả của dự án. Theo tôi, ngoài các vườn ươm, quỹ đầu tư mạo hiểm, Đà Nẵng cần xây dựng chính sách hỗ trợ và bảo trợ trí tuệ cho người khởi nghiệp thật ưu việt, như vậy sẽ sớm trở thành trung tâm KNST của khu vực Đông Nam Á”.

Nơi đáng sống thì đáng khởi nghiệp

KNST sẽ thay đổi Đà Nẵng thế nào? Vì sao Nghị quyết 43 xác định tới năm 2030 Đà Nẵng sẽ là trung tâm KNST của Đông Nam Á, 2045 là trung tâm KNST của châu Á? Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh, mặc dù còn khoảng cách về tầm vóc, quy mô của KNST so với Hà Nội, TPHCM song khát vọng của người dân, cam kết của chính quyền về phát triển KNST ở Đà Nẵng chưa bao giờ ngừng lan tỏa và mạnh mẽ như hiện nay.

Đà Nẵng đã đề xuất Trung ương nhiều cơ chế đặc thù, trong đó có lĩnh vực khởi nghiệp. Cụ thể sẽ xin cơ chế nguồn ngân sách của TP để hỗ trợ các start-up, hỗ trợ các giải pháp kết nối nhà đầu tư, diễn giả có kinh nghiệm với người khởi nghiệp. Đà Nẵng cũng vừa phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển Khu công nghệ cao gắn với Khu đô thị sáng tạo - khoa học - công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế. Trong đó, tập trung vào 2 mũi nhọn là sản xuất công nghệ cao và nghiên cứu, ươm tạo KNST. Hiện TP đang xúc tiến xây dựng Khu làm việc và Đào tạo Khởi nghiệp trên diện tích hơn 1.800m2 tại đường Trần Hưng Đạo (Q. Sơn Trà). Trong khu vực này cũng được thiết kế có Trung tâm Khởi nghiệp quốc gia tại Đà Nẵng.

PGS TS Bùi Quang Bình (Đại học kinh tế Đà Nẵng) cho rằng, để trở thành trung tâm KNST thì cần có nhân lực chất lượng cao (CLC). Mà nhân lực CLC phải thu hút từ 2 đầu đất nước, chứ các địa phương lân cận Đà Nẵng hiện rất khó, lao động bình thường trong các khu công nghiệp đã khó, chưa nói nhân lực CLC. Mà để thu hút nhân lực CLC ở Hà Nội, TPHCM thì Đà Nẵng phải có môi trường sống tốt, thu nhập cao, quy mô kinh tế áp đảo trong khu vực... Như vậy, trước tiên vẫn phải xây dựng Đà Nẵng là TP đáng sống, nhân lực CLC ở chỗ nào trong TP cũng có cảm hứng sáng tạo, khởi nghiệp chứ không nhất thiết phải xây dựng, đưa vào một khu cụm nào.

HẢI QUỲNH