Miền Trung đứng trước nguy cơ lũ chồng lũ

Thứ bảy, 10/10/2020 09:39

Ngày 9-10, miền Trung tiếp tục hứng chịu những đợt mưa lớn kéo dài khiến nhiều nơi biến thành sông. Công tác cứu nạn cứu hộ đã được các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai nhằm kéo giảm thiệt hại về người và tài sản. Dù vậy, do tình hình thời tiết diễn biến xấu, con số thiệt hại của người dân được dự báo sẽ tăng những ngày tới bởi nguy cơ lũ chồng lũ là rất cao.

Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế Phan Ngọc Thọ kiểm tra sạt lở tại bờ biển xã Phú Thuận (H.Phú Vang, TT-Huế).

Đà Nẵng: Tập trung đảm bảo an toàn, tính mạng cho người dân

Sáng 9-10, tuyến ĐH409 đoạn qua cầu Bến Giang (thôn Lệ Sơn 2, xã Hòa Tiến, H. Hòa Vang) vẫn còn bị nước lũ chia cắt, người dân muốn đi qua khu vực này phải sử dụng ghe thuyền. Thiệt hại ban đầu về sản xuất nông nghiệp: 35,4ha rau, hoa màu các loại bị ngập úng, dập nát; 8,7ha nuôi trồng thủy sản bị nước tràn bờ… Ông Nguyễn Hà Nam - Chủ tịch UBND H. Hòa Vang cảnh báo, hiện vẫn còn tình trạng người dân rải rác đánh bắt cá trên những cánh đồng ngập sâu, nên yêu cầu các địa phương tuyên truyền, có biện pháp ngăn chặn để bảo đảm an toàn. Các địa phương tiếp tục kiểm tra, sơ tán người dân ở các khu vực ven sông suối, đồi núi có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét đến nơi an toàn.

Trong chuyến kiểm tra thực tế công tác phòng chống, khắc phục hậu quả mưa lũ một số địa điểm được xem là “rốn lũ” trên địa bàn H. Hòa Vang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng yêu cầu các ngành chức năng, chính quyền địa phương tập trung công tác bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Tại thôn Tây An, xã Hòa Châu, qua kiểm tra thực tế, ông Nguyễn Văn Quảng đề nghị địa phương thống kê, đề xuất thành phố hỗ trợ thiệt hại hoa màu, nhất là thiệt hại tại các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Tại công trình đê kè chống sạt lở ven sông Cẩm Lệ (đoạn qua thôn Tây An), Phó Bí thư Thường trực Nguyễn Văn Quảng yêu cầu các sở, ngành tiếp tục nghiên cứu, triển khai xây dựng hệ thống đê, kè chống sạt lở đồng bộ và nghiên cứu triển khai quy hoạch thôn Tây An và khu vực lân cận để người dân có cuộc sống tốt hơn, an toàn trong mỗi mùa bão, lũ.

 Tuyến ĐH409 (đoạn qua thôn Lệ Sơn 2, xã Hòa Tiến, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) ngập chìm trong nước, người dân phải sử dụng ghe thuyền đi lại.

Kiểm tra khu vực sạt lở đường ĐH8 và khu vực ngập lũ ở xã Hòa Tiến, ông Quảng đề nghị các cơ quan chức năng và địa phương sớm khắc phục sạt lở nhằm bảo đảm an toàn giao thông. Đồng thời, các sở, ngành cần tranh thủ khi lũ đang rút tiến hành khảo sát thực tế tình hình ngập lũ khu vực xã Hòa Tiến do ảnh hưởng bởi các công trình giao thông (đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, đường Hòa Phước – Hòa Khương) và đề xuất giải pháp thoát lũ, khắc phục tình trạng ngập lũ trong khu vực…

Tiếp nhận kiến nghị của người dân thôn Trung Sơn, xã Hòa Liên về xử lý tình trạng ngập úng cục bộ cũng như việc thực hiện chủ trương giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương theo dõi tình hình ngập úng tại khu vực này, trước mắt chỉ đạo khơi thông thoát nước kịp thời cũng như sơ tán, di dời dân đến nơi tránh trú an toàn. Ngoài ra, ông Quảng cũng đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành rà soát việc triển khai chủ trương giải tỏa đền bù và triển khai các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn thôn Trung Sơn nói riêng, xã Hòa Liên nói chung để sớm xử lý đồng bộ.

TT-Huế: Thủy điện xả 3.000 m3 /s, người dân lo âu

Thủy điện Hương Điền nằm trên địa bàn TX Hương Trà vẫn tiếp tục xả lũ lưu lượng lớn về phía hạ du theo yêu cầu của Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh TT-Huế. Kết quả đo đạc cho thấy, lúc 5 giờ ngày 9-10, mực nước hồ Hương Điền ở mức 56,6 m (mực nước dâng bình thường +58 m), lưu lượng nước lũ đổ về hồ là 1.964 m3 /giây. Theo đó, hồ thủy điện Hương Điền được lệnh bắt đầu tăng lưu lượng vận hành điều tiết nước về hạ du lên 1.400 m3 /giây vào lúc 6 giờ ngày 9-10; đến 9 giờ cùng ngày, lưu lượng đạt 1.800 m3 /giây; đến 16 giờ ngày 9-10 lưu lượng 3.000 m3 /s và duy trì lưu lượng trên cho đến khi có lệnh điều chỉnh mới. H. Quảng Điền và Phong Điền là vùng hạ du của thủy điện Hương Điền. Mưa lũ những ngày qua, đã khiến nhiều tuyến đường tỉnh lộ, đường liên xã, liên thôn của 2 địa phương này bị ngập sâu, giao thông chia cắt, mọi hoạt động đi lại của người dân chủ yếu bằng ghe thuyền.

CATP Huế (TT-Huế) sơ tán người dân xóm Gióng, P.An Tây ra khỏi vùng lũ.

Trong ngày 9-10, hàng ngàn hộ dân nuôi cá ở hạ du thủy điện Hương Điền đang tất bật chạy đua, chằng chống hàng chục ngàn lồng cá nuôi dọc theo sông Bồ. Bà Nguyễn Thị Thẻo trú H.Quảng Điền nói trong lo lắng: “Từ khuya qua đến chiều nay (9-10), nước trên nguồn đổ về rất nhanh, mưa to không ngớt nên người nông dân nuôi cá lồng ở đây như “ngồi trên đống lửa” vì sợ cá bị lũ cuốn. Cá đã đến kỳ thu hoạch nhưng chừ muốn bán cũng không có thương lái mua. Ở đây, bốn bề đều ngập lũ, đi lại đều bị chia cắt…”. Tính đến chiều 9-10, trên địa bàn TP Huế có trên 30 tuyến đường bị ngập lụt, một số tuyến đường nhiều khu vực ngập sâu từ 0,8-1,2 m như: đường Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Chí Thanh, Nhật Lệ, Hàn Thuyên, Lê Thánh Tôn, Ngô Đức Kế… Đặc biệt, khu vực xóm Gióng KV1, P. An Tây có nơi ngập hơn 1 m và nước chảy xiết. Trước tình hình đó, CATP Huế triển khai lực lượng di dời hàng trăm người dân ra khỏi khu vực ngập lụt đến nơi an toàn. Hiện đơn vị đang tiếp tục khảo sát di dời những hộ trong vùng thấp trũng có nguy cơ bị ngập lụt, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Đối với các tuyến đường bị ngập lụt và đoạn đường qua đập đá, lực lượng CSGT-Trật tự tiến hành chốt chặn 24/24, tuần tra kiểm soát nhắc nhở người dân đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông… Thượng tá Ngô Nam Cường – Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết, chiều tối 9-10, đơn vị đã cử hơn 100 sĩ quan về các vùng thấp trũng, ven cửa sông, cửa biển, vùng đầm phá chỉ đạo cơ sở phòng chống lũ lụt theo phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời, khuyến cáo, hướng dẫn người dân trong các hoạt động, nhất là việc đi lại khi có mưa lũ; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, đặc biệt là tại các khu vực thường xuyên ngập sâu, chảy xiết khi mưa lũ; triển khai các biện pháp gia cố bảo vệ đê điều, hồ đập…

Người dân vùng hạ du thủy điện Hương Điền, TT-Huế đang nỗ lực cứu cá lồng nuôi. 

Theo ghi nhận, từ tối ngày 8 đến nay, trên địa bàn TT-Huế có mưa rất to, nhiều nơi lượng mưa lên trên 900 mm. Hiện, hơn chục ngàn nhà dân ở các vùng thấp trũng của các huyện, thị: Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang ngập sâu từ 0,5 đến 1 m. Nhiều tuyến tỉnh lộ từ TT-Huế đi về các huyện, thị nước ngập sâu từ 1,2-1,8 m. Hiện, mọi giao thông đi lại đều bị chia cắt, người dân chủ yếu di chuyển đi lại bằng ghe thuyền.

Quảng Trị: Thiệt hại nặng nề

Bước sang ngày thứ 3 đợt lũ lịch sử lớn nhất hơn 20 năm qua, có nơi cao bằng đỉnh lũ 1983, mưa lớn vẫn không ngớt trên toàn địa bàn Quảng Trị. Lũ trên các sông đều lên nhanh và đạt đỉnh phổ biến ở mức trên báo động 2 đến báo động 3, có nơi trên báo động 3, riêng sông Hiếu (đo tại trạm Thủy văn Đông Hà) vượt đỉnh lũ lịch sử 1983. Vùng ngập lụt nước gần như không thể rút hoặc rút chậm, hàng chục ngàn ngôi nhà vẫn ngập trong biển nước, trong khi đó công tác cứu hộ, khắc phục gặp vô vàn khó khăn, đặc biệt tại vùng cửa biển nơi có nhiều tàu gặp sự cố. Mặc dù vậy, các lực lượng chức năng và nhân dân Quảng Trị vẫn nỗ lực để cứu hộ cứu nạn. Đại tá Lê Văn Phương - Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Trị cho hay vào sáng 9-10, lực lượng biên phòng đã cứu hộ cứu nạn thành công 2 thành viên của tàu Vietship 1 đưa vào bờ an toàn, là anh Nguyễn Mạnh Cường (1978) và Nguyễn Xuân Phương (1969, cùng quê Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Đây là tàu bị mắc cạn ở phao số 0 cách Cảng Cửa Việt 1 km. Trước đó, vào gần 0 giờ ngày 9 – 10, ĐBP Cảng Cửa Việt phối hợp với chính quyền địa phương và người dân phát hiện và cứu nạn 4 thuyền viên của tàu Thanh Thành Đạt 55 trôi dạt vào bãi tắm Cửa Việt, tổ chức sơ cứu tại trung tâm y tế TT Cửa Việt, sau đó chuyển lên cấp cứu tại BVĐK tỉnh điều trị, hiện sức khoẻ 4 bệnh nhân cơ bản ổn định. Được biết, vào chiều 8 – 10, tàu Thanh Thành Đạt 55 đã bị hỏng máy, chìm cách cảng Cửa Việt 1,5km, 5 thuyền viên trên tàu đều rơi xuống biển. Từ khi tàu xảy ra sự cố, BĐBP Quảng Trị đã điều động lực lượng, phương tiện triển khai biện pháp cứu hộ, tổ chức 2 tổ tuần tra dọc bờ biển nên đã kịp thời cùng nhân dân phát hiện 4 thuyền viên như trên. Thuyền viên thứ 5 của tàu Thanh Thành Đạt 55 cũng đã được ĐBP Triệu Vân và nhân dân phát hiện, cứu nạn thành công vào lúc gần 2 giờ ngày 9 – 10. Hiện trên khu vực biển cảng Cửa Việt còn nhiều tàu bị nạn, có vị trí rất nguy hiểm, phía ngoài tàu là bãi cạn, phía trong là kè đá, sóng biển cao từ 4,5- 5m, dòng nước lũ chảy rất xoáy và mạnh. Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đã có 3 tàu bị chìm gần phao số 0 luồng hàng hải Cửa Việt gồm Thanh Thành Đạt 55, Vietship 09 và Vietship TK 12, trong đó, có 2 thuyền viên vẫn đang mất tích, hơn 15 thuyền viên khác đã bơi và được cứu vào bờ an toàn. 2 tàu mắc cạn gồm Vietship 1 và Hoàng Tuấn 26, 1 tàu trôi dạt là Thanh Thành Đạt 68. UBND tỉnh đã gửi văn bản về việc cứu hộ, cứu nạn tàu thuyền bị nạn trên vùng biển Quảng Trị gửi Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Tư lệnh Quân khu IV đề nghị hỗ trợ cứu người và tàu bị nạn. Hải quân vùng 3 đã điều 2 tàu đang trên đường cơ động ra ứng cứu. Trong đêm 8-10, BĐBP Quảng Trị cũng thành lập Trạm chỉ huy tiền phương trên bờ biển.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng thăm, hỗ trợ bà con ở vùng núi bị ngập lũ.

Tính đến thời điểm chiều 9-10, Quảng Trị đã ghi nhận 2 người thiệt mạng do lũ, gồm 1 cháu bé ở H.Hải Lăng và 1 nạn nhân nam 61 tuổi, trú thôn Vân Hòa, xã Triệu Hòa, H.Triệu Phong trượt chân bị nước cuốn trôi, cả 2 đã tìm thấy thi thể. 6 người mất tích vẫn đang được tìm kiếm, bao gồm 2 thuyền viên trên tàu gặp sự cố. Giao thông, thủy lợi bị hư hỏng, xói lở trên diện rộng, trong đó có nhiều khu vực đã bị chia cắt, cô lập do cầu, cống bị sạt lở, hư hỏng. Lũ đã cuốn trôi hơn 200 con trâu bò của bà con nông dân, tập trung tại H.Cam Lộ (200 con); 32.650 con gà chết (H.Triệu Phong: 32.000 con); gia súc các loại bị nước cuốn trôi 22.050 con (H.Triệu Phong 1.400 con, Đông Hà: 650, H.Cam Lộ 20.000 con). Gần 750 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập trôi...

Quảng Bình: Mưa lũ khiến 1 người mất tích

Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Bình, hiện mưa lũ đã làm cho một người phụ nữ mất tích, một người bị thương, nhiều công trình, tài sản bị hư hỏng. Nạn nhân mất tích là chị Hồ Thị Liêu (1973, người dân tộc Chứt, trú tại bản Tà Rà, xã Dân Hóa, H.Minh Hóa). Khoảng 12 giờ trưa ngày 9-10, chị Liêu cùng chồng đi qua con suối gần nhà, do tình hình mưa lũ nên mực nước ở suối dâng cao, chị Liêu không may bị dòng nước cuốn trôi. Phát hiện sự việc, người dân cùng các lực lượng chức năng tổ chức tìm kiếm nạn nhân.

Hàng trăm ngôi nhà tại xã Tân Hóa, H.Minh Hóa (Quảng Bình) ngập đến nóc. 

Hiện tại, có 12.964 ngôi nhà bị ngập, trong đó H. Lệ Thủy có trên 7.650 nhà, H. Quảng Ninh có trên 4.390 nhà. Tại "rốn lũ" Tân Hóa,H. Minh Hóa, có 550 ngôi nhà bị ngập sâu tới 2,5 m, người dân phải chuyển sang tránh lũ trên những nhà phao. Ngoài ra, còn có 37 thôn, bản thuộc 7 xã miền núi, vùng cao bị chia cắt cục bộ do nước lũ dâng cao. UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo di dời khẩn cấp hàng trăm nhân khẩu khu vực nguy hiểm đến địa điểm an toàn. Trong đó, nhiều nhất là H. Tuyên Hóa di dời được 148 hộ/ 515 nhân khẩu. Quốc lộ 1A đoạn qua nhiều xã phía Nam tỉnh Quảng Bình bị ngập, nhiều phương tiện không di chuyển được. Tại các khu vực bị chia cắt, nước dâng cao, ngập lụt, lực lượng Công an đã túc trực và điều tiết giao thông; nhiều tuyến đường bị sạt lở hư hỏng đã được cảnh báo, canh giữ.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện phương châm "4 tại chỗ" để chủ động ứng phó với thiên tai để giảm thấp nhất thiệt hại. Tại các địa phương thuộc khu vực vùng sâu vùng xa, biên giới, BCH BĐBP tỉnh Quảng Bình đã khẩn trương lên phương án điều động hàng trăm CBCS, hàng chục phương tiện xe ô-tô, canô đến các địa bàn trọng yếu để giúp nhân dân sơ tán người, tài sản đến nơi an toàn nhất.

CAH Minh Hóa (Quảng Bình) giúp dân tránh lũ.

Đại tá Trịnh Thanh Bình - Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Quảng Bình cho biết, trước tình hình mưa lũ, BCH BĐBP tỉnh đã xây dựng các kế hoạch phòng chống, huy động lực lượng trực 100% quân số, chuẩn bị lực lượng, phương tiện cơ động sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra; chỉ đạo các đồn biên phòng cùng lực lượng chính quyền, Công an, Dân quân túc trực nơi bị chia cắt, nơi có nước lũ chảy xiết để hỗ trợ, giúp đỡ người dân.

Trước đó, chiều 8-10, ông Vũ Xuân Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã đến kiểm tra công tác phòng, chống mưa lũ tại địa phương. Phó Tổng cục trưởng đánh giá cao công tác phòng lũ tại địa phương. Nhờ thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ," Quảng Bình đã giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản. Đặc biệt, Phó Tổng cục trưởng đánh giá cao mô hình nhà nổi ở xã Tân Hóa, H. Minh Hóa giúp người dân chống chịu hiệu quả khi nước lũ dâng cao; đồng thời đề nghị chính quyền cơ sở cần tiếp tục rà soát và sẵn sàng các phương án hỗ trợ, cứu trợ cho người dân, nhất là trong tình hình mưa lũ còn kéo dài. Hiện toàn tỉnh đã có 337 trường với hơn 123.000 học sinh thuộc 7 địa phương được nghỉ học tránh lũ.

NHÓM P.V

NGÀY 10-10, HỌC SINH, SINH VIÊN ĐÀ NẴNG TIẾP TỤC NGHỈ HỌC

Trước tình hình thời tiết vẫn diễn biến phức tạp, mưa lớn trên diện rộng, để đảm bảo an toàn và nhanh chóng khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, chiều 9-10, Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng tiếp tục có công văn gửi Phòng GD&ĐT các quận huyện, các đơn vị trường học trực thuộc, các trường ĐH tư thục thông báo cho HS-SV, học viên nghỉ học ngày 10-10 (thứ Bảy) và đi học trở lại từ ngày 12-10 (thứ Hai). Bên cạnh đó, Sở đề nghị các đơn vị, trường học nhanh chóng tổ chức dọn vệ sinh trường, lớp, khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của mưa lũ gây ra để chuẩn bị cho HS đi học lại. Song song đó, tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình gia đình nhà giáo, người lao động, HS-SV, học viên bị thiệt hại do mưa lũ gây ra để có biện pháp hỗ trợ.

P.THỦY