Miền Trung quay quắt trong cơn đại hạn

Thứ hai, 23/03/2015 09:00

Bài 1: Cà- phê Tây Nguyên bị đe dọa

(Cadn.com.vn) - Nhóm PV, CTV Báo Công an TP Đà Nẵng đã khảo sát, ghi nhận thực tế tại các tỉnh, thành phố miền Trung – Tây Nguyên về tình hình khô hạn. Bước vào mùa khô năm nay, trên toàn vùng, mực nước ngầm, ao hồ, sông suối đang dần cạn kiệt, đe dọa nghiêm trọng đời sống dân sinh và các loại cây trồng chủ lực.

Các tỉnh Tây Nguyên như Đắc Lắc, Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum đang đối mặt với khô hạn nghiêm trọng. Tình trạng này đe dọa trực tiếp cây trồng chủ lực trên địa bàn – cây cà-phê.

Hệ thống hồ, đập thủy lợi trên địa bàn miền Trung có nhiều nơi trơ đáy.

Bước vào đầu mùa khô nhưng một số huyện có diện tích cà-phê tương đối lớn của tỉnh Đắc Lắc như Ea H’ Leo, Cư M’gar, Krông Păk... quay quắt tìm nước tưới. Vườn cà-phê của ông Nguyễn Phúc (xã Quảng Tiến, H. Cư M’gar) rộng hơn 1,5 ha. Ông hối hả chỉ đạo bốn công nhân nạo vét giếng để có nước tưới cứu vườn cà-phê. Hai giếng nước của ông có độ sâu gần 25 mét, nhưng do khô hạn nên trơ đáy, phải đào liên tục thêm chừng 3 mét hy vọng mạch nước sẽ mạnh hơn.

Ông Phúc cho biết việc cải tạo giếng nước với kinh phí hơn 20 triệu đồng nhưng hy vọng xem ra mong manh. “Đào, cải tạo mà không có nước thì đành bó tay, giao phó cho trời. Vô lẽ đi mua nước từng bồn về mà tưới cho chúng, kham sao nổi” – ông Phúc nói. Cách đó là hồ thủy lợi Ea Đrơng (Ea Pốk, Cư M’gar) có diện tích khoảng 3ha, nhưng cũng chịu tình cảnh tương tự. Hàng chục máy bơm công suất lớn đang hì hục bơm nước vào bồn để cứu cà-phê. Ông Ngô Xuân Biện, Phó phòng NN&PTNT H. Cư M’gar cho biết: Trong 51 hồ thủy lợi trên địa bàn thì giờ chỉ còn 4 hồ có mực nước đảm bảo, 3 hồ khô cạn trơ đáy, số còn lại dưới mực nước chết”.

 Một số vườn cà-phê có dấu hiệu khô héo và chết vì thiếu nước tưới trong mùa khô.

Trên địa bàn tỉnh Kon Tum mực nước ngầm, sông suối, ao hồ giảm mạnh. Các con sông khác trên địa bàn mực nước ghi nhận được thấp hơn 15-30% so với cùng kỳ. 70 hồ chứa đang tích nước với mức ngưỡng tràn 0,2-1,5 mét với hồ lớn và 1,5-3 mét với hồ nhỏ. Theo sở NN&PTNT Kon Tum, tổng diện tích cà-phê thiếu nước là 875 ha, trong đó nhiều nơi nghiêm trọng có thể dẫn đến cà-phê chết vì hạn hán.

Tại Đắc Nông, hạn nặng tại địa bàn huyện Cư Jút, Đắc Mil... Hồ thủy lợi Sơn Trung (Đắc Gằn, Đắc Mil) là nơi cung cấp nước tưới cà-phê cho toàn xã, nhưng trong vòng 3 tháng đầu năm chỉ mới tưới 2 đợt đã trơ đáy.

Khoảng 500ha cà-phê, hoa màu bị hạn nặng, có nguy cơ bị thất thu là con số thống kê ban đầu của Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai. Ông Lê Thanh Xuân, Phó chi cục trưởng Cục Thủy lợi-Thủy sản Gia Lai cho biết rằng toàn tỉnh có trên 330 công trình thủy lợi kiên cố, hiện nay lượng nước dự trữ tại các hồ đập này đang giảm mạnh.

Trước vấn đề hạn hán đe dọa trực tiếp đến cà-phê và hoa màu trên địa bàn Tây Nguyên, nhiều giải pháp đã được đề ra để cứu cây trồng. Ông Văn Tất Cường, PGĐ Sở NN&PTNT Kon Tum cho biết: “Trong báo cáo về Tình hình nguồn nước, phương án đảm bảo cấp nước vụ Đông-Xuân, đã đề nghị Chính phủ xem xét, hỗ trợ cho tỉnh khoảng 20 tỷ đồng để đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa, nạo vét, phát dọn kênh mương nhằm giảm bớt khó khăn, thiệt hại do hạn hán gây ra”.

Tại Gia Lai, Cty TNHH khai thác thủy lợi tỉnh đã đề ra các giải pháp chống hạn như điều tiết nước tưới hài hòa giữa các hộ dân, hướng dẫn các hộ dân cải tạo nguồn nước tự có để tự mình cứu lấy cây trồng. Ông Nguyễn Hoài Dương, PGĐ Sở NN&PTNT Đắc Lắc đề ra các giải pháp như trồng xen canh các cây trồng khác trong vườn để giữ nước, về lâu dài cần tạo một vành đai rừng quanh các hồ thủy lợi để giữ nước.

Tiến sĩ Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện KHKTNLN Tây Nguyên đưa ra cảnh báo: “Căn cứ vào quá trình khảo sát tình hình hạn hán đối với các tỉnh Tây Nguyên trong thời gian vừa qua cho thấy diễn biến hết sức phức tạp, nếu mưa xuất hiện vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 thì thiệt hại sẽ giảm bớt. Nhưng nếu hạn hán kéo dài và đến tháng 5 mà Tây Nguyên không đón nhận được trận mưa nào thì thiệt hại sẽ vô cùng trầm trọng”.

Tứ Đức

Hàng ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt

Tại Đắc Lắc, nắng nóng gay gắt kéo dài không chỉ ảnh hưởng lớn đến sản xuất, mà còn khiến hàng ngàn nông dân các huyện vùng sâu (Krông Bông, Ea Súp, CưM’gar, Krông Năng) thiếu nước sinh hoạt. Nghiêm trọng nhất là ở huyện vùng sâu (Krông Bông). Theo phòng NN&PTNT huyện, hiện trên địa bàn đã có gần 900 hộ dân đang bị thiếu nước sinh hoạt, tập trung ở các xã Ea Trul 179 hộ, Yang Reh 125 hộ, Hòa Thành 142 hộ, Khuê Ngọc Điền 78 hộ, Hòa Tân 72 hộ, Hòa Lễ 50 hộ... Hạn hán kéo dài nên hầu hết các giếng đào ở H. Krông Bông đã khô kiệt. Người dân phải dùng quang gánh, xe trâu, xe bò đi xa 1 đến 2km để mua nước sạch về sinh hoạt.

Tại huyện (Krông Năng), thiếu nước sinh hoạt khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn. Theo ông Hà Mạnh Tưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Dah, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung của xã đã khoan xuống độ sâu 60m. Do địa hình dốc, nước ngầm đọng thành từng “túi”, khó khăn lắm mới khoan trúng túi nước và chỉ sử dụng được một thời gian ngắn là hết. Đồng bào các dân tộc trong xã phải chắt chiu từng xô nước sinh hoạt. Nhiều hộ phải bơm nước từ suối, kênh lên, cho phèn chua vào bể, đợi cặn lắng xuống đáy để tắm giặt. Việc phải sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh để sinh hoạt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người dân.

Ngay trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột, người dân cũng đang phải chịu cảnh cúp nước liên tục trong nhiều giờ, nếu có nước thì chảy nhỏ giọt... Ông Trần Văn Thiện, Giám đốc Cty Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắc Lắc cho biết: Ở khu vực nội thị, Công ty phải cúp nước luân phiên thì mới đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, đến cuối tháng 3-2015, dự báo sẽ có khoảng 6.000 hộ dân thuộc các huyện vùng sâu của tỉnh bị thiếu nước sinh hoạt, nếu tình trạng nắng nóng kéo dài.

P.V