Miền Trung ứng phó với bão số 11

Thứ hai, 14/10/2013 02:06

* Nhiều hồ thủy lợi lớn đã tích đầy nước

* 10 /17 hồ thủy điện trong khu vực đang xả nước điều tiết.

(Cadn.com.vn) - Không lâu sau sự tàn phá của bão số 10, các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung đang phải đối mặt với bão số 11 (bão Nari) với sức gió có thể giật lên đến cấp 15, 16. Theo dự báo, đến rạng ngày 14-10, tâm bão số 11 cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 290 km về phía Đông.

 Chiều 13-10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố miền Trung để triển khai công tác ứng phó.

Theo Văn phòng Ban chỉ đạo PCLB T.Ư, tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, hiện hầu hết các hồ chứa thủy lợi nhỏ đã tích đầy nước; tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Đà Nẵng các hồ chứa đang tích phổ biến ở mức từ 60 - 80% so với thiết kế; các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định hồ chứa đang tích nước ở mức thấp từ 30-50% so với thiết kế. Các hồ chứa trên 10 triệu m3 đã tích đầy nước gồm: Sông Mực, Yên Mỹ (Thanh Hóa), Vực Mấu, Vệ Vừng, Khe Đá, Xuân Dương, Sông Sào (Nghệ An), Kẻ Gỗ, Sông Rác, Thượng Tuy, Kim Sơn (Hà Tĩnh), Tiên Lang (Quảng Bình), Hòa Mỹ (TT- Huế), Khe Tân (Quảng Nam). Các hồ chứa tràn có cửa van đang xả nước hoặc chuẩn bị xả gồm: Sông Mực, Yên Mỹ (Thanh Hóa), Vực Mấu, Sông Sào (Nghệ An), Kẻ Gỗ, Sông Rác, Kim Sơn (Hà Tĩnh), Vực Tròn (Quảng Bình), Truồi, (TT- Huế), Phú Ninh (Quảng Nam).  Theo Tập đoàn điện lực Việt Nam, hiện có 10 /17 hồ thủy điện trong khu vực đang xả nước điều tiết.

Ứng cứu nhiều tàu bị nạn

Theo Báo cáo của VP BCH PCLB&TKCN, BCH BĐBP các tỉnh, TP từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, đến chiều 13-10, đã thông báo và hướng dẫn cho tổng số 44.343 tàu/180.734 lao động biết vị trí, hướng di chuyển của bão số 11 để chủ động trú tránh. Trong số này, có 1.101 tàu với 12.948 lao động hoạt động khu vực quần đảo Trường Sa, 4.497 tàu/31.851 lao động tại các ngư trường khác và 38.627 tàu/134.651 tàu đi về trong ngày. Trong ngày 13-10, tàu HQ951 của Vùng 3 Hải Quân đã tiếp cận và ứng cứu tàu QNg 94257 TS do ông Trần Văn Viết (ở xã Nghĩa An, H. Tư Nghĩa) làm thuyền trưởng cùng 11 ngư dân của Quảng Ngãi hỏng máy không khắc phục được tại tọa độ 17 độ VB, 109,3 độ KĐ (cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 100 hải lý về hướng Đông Bắc), tàu thả trôi với tốc độ 1,5 hải lý/giờ.

Hải đội 2 thuộc BĐBP tỉnh Quảng Bình cũng đã ứng cứu tàu QNg 92852 và đưa 12 ngư dân tỉnh Quảng Ngãi vào bờ an toàn. Ở một diễn biến khác, tàu cá BĐ 96822 TS của tỉnh Bình Định do ông Đặng Văn Học (thôn Thiện Đức, xã Hoài Hương, Hoài Nhơn) làm thuyền trưởng, bị hỏng máy thả trôi vào ngày 11-10 đã được tàu Trường Sa 16 của Hải quân vùng 4 ra lai dắt, dự kiến về đảo Sơn Ca (Quần đảo Trường Sa). Đến chiều 13-10, tàu PY 92999 gặp nạn khi đang khai thác trên biển đã được 2 tàu khác của tỉnh Phú Yên là PY 92088 TS và PY 92024 tiếp cận để chở người và tháo dỡ trang bị ngư lưới cụ, hiện đang trú tại đảo Đá Đông (QĐ Trường Sa). Trong khi đó tàu PY 91025 TS của ông Lê Thanh Khang cùng 10 lao động bị nạn vào lúc 8 giờ ngày 11-10 (khi hoạt động đánh bắt tại vị trí 10,5 độ VB, 114,3 độ KĐ, cách đảo Song Tử Tây khoảng 50 hải lý) đã được tàu PY 95183 TS, do ông Lê Văn Lĩnh (ở thị trấn Hòa Hiệp Trung, H. Đông Hòa) làm thuyền trưởng lai dắt vào đảo Song Tử Tây để khắc phục, sửa chữa.

Đường đi của bão số 11 (cập nhật đến 22 giờ ngày 13-10).

Xác suất thay đổi cao, phải chủ động trong mọi tình huống

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát lưu ý, hiện có nhiều nguồn dự báo khác nhau về bão số 11, mà các nguồn đều có độ vênh nhau. Qua theo dõi diễn biến trong những ngày qua thì cơn bão này cũng có xác suất thay đổi hướng rất lớn nên công tác cập nhật thông tin phải được tiến hành thường xuyên, kể cả các cơ quan dự báo cũng như người dân. Để chủ động trước những diễn biến phức tạp của bão Nari, Bộ trưởng chỉ đạo các địa phương từ Quảng Trị đến Quảng Nam phải có phương án, hoàn thành sơ tán dân ở vùng nguy hiểm trước 19 giờ hôm nay (14-10).

Chỉ đạo cuộc họp trực tuyến, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, thiệt hại trong cơn bão số 10 ở bắc miền Trung là lời cảnh báo, vì vậy, trước diễn biến hết sức phức tạp của bão số 11, công tác cập nhật, thông báo và triển khai ứng phó phải được tiến hành nhanh chóng, quyết liệt hơn. Phó Thủ tướng chỉ đạo, ngoài việc Bộ Ngoại giao nhanh chóng liên lạc với các nước trong khu vực để yêu cầu hỗ trợ ngư dân khi cần thiết, các địa phương phải nhanh chóng thực hiện kêu gọi, kiểm đếm tàu thuyền, sơ tán dân tại các vùng nguy hiểm. Rút kinh nghiệm từ cơn bão số 10, các địa phương tuyệt đối cấm các phương tiện giao thông hoạt động khi bão đã tiến vào bờ. Cạnh đó, các hồ thủy điện thủy lợi nếu có dấu hiệu không đảm bảo an toàn thì không được tích nước, khi có chế độ mưa từ 500mm trở lên tất cả các hồ phải vận hành chế độ chảy bình thường.

Đà Nẵng sẵn sàng sơ tán 11.000 hộ dân

Tại cuộc họp trực tuyến chiều 13-10, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết cho biết, nếu như dự báo, bão số 11 có khả năng lớn đổ bộ vào Đà Nẵng. Trước cảnh báo này, người dân Đà Nẵng đang tích cực chằng chống nhà cửa, đặc biệt nhiều nhà thiếu kiên cố, nhà tạm, nhà cho thuê ở các khu sinh viên, công nhân, khu dân cư nghèo. Hiện Đà Nẵng có khoảng 11.000 hộ với gần 55.000 người dân đang ở khu vực không kiên cố, nguy hiểm. Dự kiến các hộ dân này sẽ được sơ tán tại chỗ trước 12 giờ ngày 14-10. Với phương châm "4 tại chỗ", Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo các cấp ngành chuẩn bị sẵn sàng lực lượng phương tiện để chủ động ứng phó với tình huống bão đổ bộ trực tiếp với cường độ mạnh cũng như chuẩn bị lực lượng, phương tiện để khắc phục nhanh chóng hậu quả của bão sau khi đổ bộ.

Người dân Đà Nẵng di chuyển tàu thuyền lên bờ tránh bão

Ngoài lực lượng dân phòng ở các địa phương, quân đội, công an đã sẵn sàng về người và phương tiện thực hiện ứng phó theo kế hoạch, đảm bảo an toàn cho người dân trong bão. Đồng chí Phùng Tấn Viết cũng hết sức chú ý đề phòng bão kết hợp mưa lũ lớn, ngập sâu, lũ quét và sạt lở đất; do vậy phải sẵn sàng phương án sơ tán nhân dân, nhất là nhân dân ở các vùng hạ du các hồ chứa. Ban Chỉ huy PCLB & TKCN thành phố cùng các ngành và địa phương tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 11.

 Cũng trong ngày 13-10, Giám đốc CATP Đà Nẵng đã có Công văn khẩn số 928/CATP (PV11) về việc ứng phó với cơn bão, chỉ đạo CA các đơn vị, địa phương triển khai lực lượng, phương tiện ứng phó, hoàn thành trước 12 giờ ngày 14-10. BCH BĐBP TP đã thông báo cho 123 phương tiện/1.291 lao động đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Hiện có 55 phương tiện/592 lao động hoạt động khu vực quần đảo Hoàng Sa đang trên đường vào bờ. Cuối ngày, đã có 1.756 phương tiện/6.481 ngư dân khu vực miền Trung trú tránh an toàn tại các âu thuyền của Đà Nẵng. BĐBP cũng bố trí thường trực 5 tàu, 7 ca nô, 8 xe ô-tô sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra.

Quảng Trị: Trước thông tin hướng bão có thể vào miền Trung, người trồng cao su rất hoang mang bởi bão số 10 vừa qua đã làm gần 10.000 ha cao su bị gãy đổ, xiêu vẹo.

Hà Tĩnh: Ban PCLB & TKCN đã huy động khoảng 1.000 người gồm quân đội, công an, BĐBP và nhân dân tập trung đắp tuyến kè biển xung yếu đoạn đi qua xóm Long Hải, xã Thạch Kim.

Nghệ An: Theo kế hoạch, từ sáng nay 14-10, tỉnh Nghệ An duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

NHÓM P.V THỜI SỰ