Minh bạch tỷ giá USD

Thứ năm, 26/12/2013 10:44

(Cadn.com.vn) - “Ván bài ngửa” về tỷ giá USD năm 2014 được Thống đốc NHNN đưa ra mới đây đã khép lại những kỳ vọng về đầu cơ ngoại tệ. Với mức điều chỉnh nhẹ để hỗ trợ xuất khẩu, thị trường ngoại hối trong thời gian đến sẽ bớt “sóng”, tạo dựng niềm tin cho DN hoạch định chiến lược kinh doanh trước thềm năm mới.

Tỷ giá USD tăng tối đa 2%

Có thể nói, việc công khai biên độ điều chỉnh tỷ giá cho năm mới đã có tác dụng tích cực đến thị trường ngoại hối. Với mức điều chỉnh không quá 2% đã cho thấy, NHNN tiếp tục kiên định chính sách ổn định tỷ giá nhằm nâng cao vị thế của đồng nội tệ.

Hàng loạt các chính sách về ngoại tệ đã được triển khai một cách quyết liệt như giảm trạng thái của các tổ chức tín dụng (TCTD), tăng dự trữ bắt buộc, hạn chế cho vay, giảm lãi suất huy động, chuyển từ quan hệ huy động, cho vay sang quan hệ mua - bán ngoại tệ... khiến ngoại tệ ngày càng kém hấp dẫn.

Năm 2013, nguồn vốn huy động bằng ngoại tệ ngày càng giảm trong khi đồng nội tệ lại tăng lên. Về tín dụng, nhu cầu ngoại tệ tại các NH vào thời điểm cuối năm sụt giảm, DN thờ ơ trong việc vay vốn bằng ngoại tệ.

Do đó, nhiều chuyên gia dự báo mức lãi suất huy động USD của các NH trong thời gian tới có thể giảm về mức 0%/năm. Hiện lãi suất này tại các NH niêm yết mức 0,25%/năm đối với tổ chức và 1,25%/năm đối với cá nhân. Trong bối cảnh hiện nay, thông điệp giữ tỷ giá biến động trong biên độ 1-2% là hợp lý. Điều này đem lại niềm tin cho các nhà đầu tư về kinh tế vĩ mô, giữ đồng nội tệ, giúp nợ công của Việt Nam không bị tăng cao và cải thiện dự trữ ngoại hối. Thật ra, năm 2013, NHNN đã chủ động điều chỉnh tăng 1%, cho phép thị trường tự điều chỉnh 1% nữa nhưng biên độ thực tế chỉ dừng lại ở mức dưới 1% cho dù có nhiều thời điểm thị trường gặp khó khăn.

Giữ ổn định tỷ giá sẽ nâng cao vị thế đồng nội tệ, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.

“Chợ đen” hết đất sống

Minh bạch tỷ giá đang thu hẹp dần đất “dụng võ” của người đầu cơ, ngăn chặn tâm lý găm giữ ngoại tệ, “chợ đen” USD gần như không còn hoạt động. Với cách điều hành quyết liệt của NHNN, 2 năm qua, thị trường ngoại tệ và tỷ giá diễn biến ổn định, các nhu cầu hợp pháp, hợp lý đều được đáp ứng đầy đủ thông qua hệ thống các TCTD, dự trữ ngoại hối tăng mạnh, không gây áp lực cho lạm phát cũng như tỷ giá.

Trong năm qua, thị trường tiền tệ đã chứng kiến những phiên giao dịch đầy biến động của giá USD. Tuy nhiên, các đợt tăng giá đột biến ở vài thời điểm đều do yếu tố tâm lý, không xuất phát từ tình trạng mất cân đối cung cầu ngoại tệ.

Thứ nhất, thanh khoản đồng Việt Nam đang dồi dào nên nhiều NH gia tăng hoạt động mua vào ngoại tệ. Thứ hai, trên thị trường tự do, một số đối tượng kinh doanh bất hợp pháp lợi dụng cơ hội để đầu cơ, làm giá ngoại tệ nhằm kiếm lợi bất chính. Để ngăn chặn, NHNN phải lên tiếng, minh bạch thông tin, khẳng định ổn định tỷ giá.

Minh bạch thông tin, cam kết của người có trách nhiệm đúng thời điểm thường giúp ích cho thị trường tiền tệ rất nhiều. Một khi các lộ trình được đưa ra công khai, phần lớn các DN cũng như các nhà đầu tư lớn đều thấy rằng, việc đầu cơ, găm giữ ngoại tệ sẽ bất lợi. Người dân sẽ tính toán, cân nhắc thiệt hơn khi sử dụng đồng USD trong kinh doanh và cất trữ.

Hỗ trợ xuất khẩu

Việc “neo” tỷ giá quá lâu đã khiến cho hàng hóa của Việt Nam trở nên đắt đỏ so với hàng nhập khẩu. Do vậy, DN sản xuất trong nước đang có nguy cơ mất thị trường ngay tại sân nhà. Trên thực tế, người dân có xu hướng tiêu thụ “hàng ngoại” vì chất lượng, giá cả ngày đang rẻ đi. Chính vì vậy, tăng tỷ giá để hỗ trợ các DN xuất khẩu trong điều kiện phải giữ vững thị trường ngoại hối, ổn định giá trị đồng nội tệ là một bài toán khó?

Đại diện NH HSBC khẳng định, Việt Nam là quốc gia có đồng tiền ổn định thứ ba trong khu vực Châu Á. Vị thế này đã giúp nhà đầu tư nước ngoài củng cố được niềm tin khi rót vốn vào. Tuy nhiên, chính sách “neo” tỷ giá quá lâu của NHNN đã gây ra nhiều lo ngại. Hơn 2 năm qua, tỷ giá gần như nằm trên một đường thẳng khiến tiền đồng bị định giá cao, gây bất lợi cho xuất khẩu.

Do vậy, thời gian đến, điều hành tỷ giá cần phải linh hoạt hơn, nếu không, chính sách này sẽ đẩy thị trường xuất khẩu vào tình thế khó khăn. TS Võ Trí Thành (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư) cho rằng, cứ tăng tỷ giá danh nghĩa 1% sẽ làm tăng lạm phát khoảng 0,1%. Ông Nguyễn Quang Huy (Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối NHNN) nhìn nhận, tỷ giá và lạm phát có mối quan hệ tác động qua lại. Tỷ giá ổn định sẽ giúp NHNN ổn định kinh tế vĩ mô, đòi hỏi cơ quan quản lý cân nhắc yếu tố liên quan trước khi điều chỉnh chính sách.

Để hỗ trợ xuất khẩu, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cũng khuyến nghị, chính sách tỷ giá cần tiếp tục ổn định để kiềm chế lạm phát nhưng phải linh hoạt hơn nữa nhằm hỗ trợ năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam. Vì vậy, tỷ lệ tăng tối đa 2% hoặc nhiều hơn nữa, thậm chí 5% đang tùy thuộc vào biến động của thị trường trong năm 2014. Vấn đề còn lại cách điều hành linh hoạt của “nhạc trưởng” Thống đốc Nguyễn Văn Bình sẽ thực hiện đến đâu để thỏa mãn các yêu cầu của nền kinh tế?

Văn Khoa