Mình hòa nhau nhé! ung thư
Tập sách mở đầu bằng việc nhắc lại câu nói của Diễm Phương - một bệnh nhi ung thư ở Đắk Nông. Cháu Diễm Phương đã gọi căn bệnh mình đang mắc phải bằng từ "bạn"; và đã tập sống chung với bệnh. Vô tình bệnh nhi này đã lặp lại điều mà một nghệ sĩ violoncelle người Nhật, bệnh nhân đã thoát chết nhờ biết "yêu ung thư"; và rồi, ông trở thành một bác sĩ nổi tiếng tại Nhật Bản. Đó không phải là điều huyễn hoặc mà chỉ là sự vượt quá khả năng nhận biết của các giác quan (phạm vi của "mắt thấy tai nghe" - vốn rất hạn chế, mà con người vẫn cứ xem là… chân lý).
Ở chương: "Ung thư ơi, bạn là ai?", tác giả sử dụng khái niệm "chuyển hóa" trong điều trị, theo tinh thần đạo học phương Đông: không tấn công trực diện - đối kháng vào căn bệnh, mà bằng những cách thức ôn hòa…
Việc ăn uống đơn giản cũng là một cách điều trị, với những kinh nghiệm được trao truyền từ y tổ Hippocrates thời Hy Lạp cổ đại đến danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác của Việt Nam. Tác giả đã nêu ra một thực tế khó chối cãi: Trong cái thân nặng nhọc đang bị ung thư, việc tiêu hóa những thức ăn thịnh soạn liệu có tốt chăng khi cơ thể phải tiết ra nhiều loại dịch vị khác nhau?
Dẫn lại lời bác sĩ Đoàn Quốc Bảo (Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng), tác giả tâm đắc, rằng: Liệu pháp tâm lý" nhiều khi giữ vai trò đến 80% trong việc chữa lành bệnh. Thực ra, những kết luận mới nhất của các nhà bác học từ hơn nửa thế kỷ nay đã đưa ra nhiều bằng chứng thuyết phục về mối quan hệ giữa người và giới tự nhiên mà khoa học hiện đại giải thích qua những khái niệm về trường và sóng. Ví như, tiến sĩ y khoa người Mỹ David Hawkins đã đo tần số sóng của hàng vạn bệnh nhân. Người nào có tần số sóng trên 200 (là những người tốt bụng, hướng thiện, bao dung…) thì ít bị bệnh; người nào ở mức 30 - 40 (là những người thường giận dữ, đố kỵ, buồn bã…) thuộc nhóm người dễ mắc bệnh. Bác sĩ Hawkins dẫn chứng trường hợp Mẹ Téresa: khi bà bước lên nhận giải Nobel Hòa bình năm 1979, cả hội trường được bao bọc trong một cảm giác nhẹ nhàng.
Đó chính là năng lượng yêu thương phát ra từ cơ thể bà. Hawkins kết luận: Ý niệm có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Căn nguyên của bệnh tật là do trong cơ thể con người thiếu tình yêu thương. Bệnh tật sẽ bị đẩy lùi là nhờ… yêu và được yêu. Loại thuốc mà tế bào ung thư sợ hãi nhất: Tình Yêu, "cái năng lượng bình phương ánh sáng", như di ngôn của nhà bác học Albert Einstein đã chỉ rõ. Nhân nói đến tình yêu, có lẽ cũng nên nhắc đến tác giả tập sách này: Từ năm 2014 đến nay, nhiều người ở các xã phía tây Đà Nẵng như Hòa Phú, Hòa Khương, Hòa Nhơn… đã quen với hình ảnh một tu sĩ trang phục tuềnh toàng, ngày ngày chạy chiếc xe máy cũ, đi tìm kiếm các loại cây thuốc Nam về chữa bệnh miễn phí cho người nghèo… Việc làm thầm lặng mà bền bỉ của thầy Đức Vân (Phương Rằm-tác giả tập sách) xuất phát từ đâu, nếu không từ một Tình Yêu Rộng, hướng về những con người cơ cực đang đối mặt với bệnh tật…
Những vấn đề mà tác giả nêu ra trong tập sách hẳn nhiên xuất phát từ trải nghiệm và niềm tin của bản thân. Điều đáng nói là, tác giả luôn khiêm tốn trong việc đề xuất những "hướng mở", trong tinh thần kết hợp Đông và Tây y (là chủ trương đã có từ rất lâu nhưng vẫn còn nhiều những bất cập, mà căn nguyên, có lẽ vẫn do chưa có đủ lòng tin và… Tình yêu).
Có thể nói, tập sách là sự bày tỏ những trải nghiệm của bản thân một người thầy thuốc, qua hơn 30 năm hành nghề, trong việc điều trị- tiếp xúc với bệnh nhân và những suy nghĩ, đề xuất trong nỗ lực hạn chế, ngăn ngừa bệnh ung thư. Đây là một tài liệu cần, không chỉ cho ngành y mà còn đối với những người bệnh và gia đình, trước căn bệnh đang tăng nhanh trong những năm gần đây, trên thế giới cũng như trong nước.
Nguyễn Đông Nhật