Minh Luận - người “nhiều chuyện” nhất xứ Quảng!
(Cadn.com.vn) - Hơn 20 năm trước, bạn nghe đài Quảng Nam - Đà Nẵng (QN-ĐN) khá quen thuộc với giọng đọc của phát thanh viên Minh Luận qua tiết mục “Mỗi tuần một chuyện” của Đài Phát thanh QN-ĐN. Đã không ít lần, nhiều bạn nghe đài ở QN-ĐN hỏi tôi “Minh Luận năm nay bao nhiêu tuổi”, và rất ngạc nhiên khi biết ông đã ngoài 80 tuổi... Thuở thiếu thời, ông Minh Luận sống ở Hội An nổi tiếng về hát hay và hay hát. 16 tuổi, ông lưu lạc phương Nam. Nhờ hát hay mà ông thân thiết rất nhiều văn nghệ sĩ như nhạc sĩ Phạm Đình Chương, ca sĩ Anh Ngọc, nhà văn Hoàng Hải Thủy... Đây chính là cơ duyên để ông bước lên sàn diễn kịch nói (1956-1967). Cùng thời gian ấy, ông là ca sĩ Đài Phát thanh Huế. Tên tuổi ông đã được nhiều người biết đến qua các ca khúc Ông lái đo của Hiếu Nghĩa; Vọng ngày xanh của Khánh Băng; Tiếng dương cầm của Văn Phụng...
Trước ngày Đà Nẵng giải phóng, Minh Luận là phát thanh viên Đài Phát thanh phát sóng An Hải tại Nại Hiên Đông (Đà Nẵng). Ngày 29-3-1975, Đà Nẵng giải phóng. Ngày 1-4- 1975 ông Minh Luận là người đọc bản tin cách mạng đầu tiên qua sóng Đài Phát thanh QN-ĐN. Ông bảo, kỷ niệm này thật sâu sắc. Ông cho rằng cách đọc tin bài cách mạng yêu cầu phải mang tính cổ vũ. Và ông không ngừng nâng cao khả năng diễn đạt của mình. Nhờ thế, ông đã thành công khi thể hiện mỗi loại tính cách nhân vật, đối tượng trong “Mỗi tuần một chuyện”, được nhiều bạn nghe đài cảm mến. Ông tâm sự: “Mình đã sống với “Mỗi tuần một chuyện” từ năm 1978 đến 1996. Đây là một tiết mục có tuổi thọ khá dài. Thú thực, tạm biệt “Mỗi tuần một chuyện” mình buồn và tiếc không còn đóng góp được gì nữa cho tiết mục đã từng góp vui và làm phiền không ít người”. Có thể nói, Đài Phát thanh QN-ĐN làm nên thương hiệu “Mỗi tuần một chuyện” trong đó có công lớn của ông. Gọi là đọc, nhưng thực ra là nói. Nói–mà hấp dẫn người nghe mới đúng là người có nghề. Ông tâm sự: “Mỗi khi bức xúc trước sự bất công của xã hội là lúc giúp tôi thành công trong tiết mục “Mỗi tuần một chuyện”. Chống để mà xây, xây nhưng để chống, ai hiểu thì thương, ai không hiểu thì ghét. Lẽ thường tình”.
Mọi người thường nói vui, ở Quảng Nam- Đà Nẵng, ông Minh Luận là người “nhiều chuyện” nhất, mà đã nhiều chuyện thì dứt khoát sinh chuyện. Nhưng mà chuyện của ông Minh Luận cứ mỗi sáng chủ nhật hằng tuần oang oang trên ngọn tre, trụ điện qua sóng của Đài Phát thanh QN-ĐN là những chuyện ai ai cũng muốn nghe vì đã mạnh dạn phê phán thói hư tật xấu của một bộ phận cá nhân, tập thể; góp phần đem lại quyền lợi cho nhân dân. Ông bảo, thương yêu, ghét bỏ của thính giả, đối với ông đều quý giá. Thương yêu thì đã rõ. Còn ai ghét bỏ ông, cuối cùng họ cũng nhận ra ông Minh Luận đáng yêu hơn là đáng ghét. Khi còn làm việc ở Đài, ông và anh chị em cùng phòng đều thực hiện câu châm ngôn trước khi vào phòng bá âm ghi chương trình: “Hãy để mọi phiền muộn bên ngoài cánh cửa này”.
Nhà báo Minh Luận (thứ 2 từ trái sang) trong một lần gặp gỡ các đồng nghiệp trẻ. |
Năm 1997, QN-ĐN được chia tách. Ông vào Tam Kỳ để thăm anh chị em cán bộ phóng viên Đài PT-TH Quảng Nam và nhận lời trở lại với “Mỗi tuần một chuyện”. Thế nhưng ước nguyện của ông không thành vì lý do sức khỏe. Tiếng sóng Phát thanh Quảng Nam- Đà Nẵng chia đôi thành Quảng Nam và Đà Nẵng, các nhà đài đã cố gắng tiếp sức để chuyên mục “Mỗi tuần một chuyện” hồi sinh vì sự mến mộ của bạn nghe đài, nhưng không thể, vì một lẽ là tìm không ra nhà báo- nghệ sĩ nào có phong cách đặc biệt và giọng đọc trời cho như ông Minh Luận... Hiện ông sống với gia đình trong con hẻm trên đường Lê Duẩn, Đà Nẵng. Ngày ngày, đi về trên chiếc xe đạp cọc cạch giữa phố xá đông vui, bạn bè, đồng nghiệp vẫn nhận ra ông–một nghệ sĩ, một con người yêu say nghề nghiệp. Vào đoạn cuối cuộc đời, ông vẫn luôn ước nguyện sẽ có người nối tiếp để “Mỗi tuần một chuyện” sống mãi với thời gian, và “thanh đới” của ngành phát thanh xứ Quảng không bị “chùng” xuống. Sống với nghề phát thanh viên hơn 30 năm, trong đó có gần 20 năm làm việc tại Đài Phát thanh QN-ĐN. Ngần ấy năm chưa phải là nhiều, song đối với ông đó là quãng thời gian sống có ý nghĩa và vinh dự. Ông nhớ lại, thời đó đài phát thanh các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên gửi phát thanh viên đến Đài Phát thanh QN-ĐN để học làm “Mỗi tuần một chuyện”, cuối cùng không học nổi chỉ vì họ không có năng khiếu của một diễn viên, đặc biệt là cái giọng các vùng miền đó không như giọng “Quảng Nôm” của mình. Có một lần sau ngày chia tách tỉnh, ông Minh Luận vào thăm đài truyền thanh Núi Thành, sẵn lòng đáp ứng nguyện vọng của anh chị em, cùng với phát thanh viên Kim Liên thực hiện một chương trình phát thanh. Đứng bên ngoài cửa kính phòng bá âm, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy ông thể hiện (nói) một tác phẩm báo nói đúng với phong cách của nhà báo-diễn viên Minh Luận. Mỗi lần về tôi ghé thăm ông, ông hỏi chương trình truyền thanh ấy có còn lưu băng không, in cho ông một bản...
Ông Minh Luận là vậy đó, một người làm báo nói giàu kinh nghiệm, yêu nghề cho tới khi tuổi trời đã tri thiên mệnh. Ông hóm hỉnh: “Mình đã thất thập cổ lai hy- tức là sức khỏe mòn dần, chỉ còn kỷ lô hai. Những năm qua mình đi thăm gần hết các đài truyền thanh huyện, thành phố ở đồng bằng, trung du của Quảng Nam, mình có nguyện vọng muốn đi thăm mấy đài truyền thanh miền núi nhưng chưa đi được”.
Với những gì ông Minh Luận cống hiến cho nghề báo nói, đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp báo chí Việt Nam, ông xứng đáng được đề nghị Nhà nước tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”.
Huỳnh Trương Phát